Mối quan hệ “đặc biệt” Mỹ - Anh trước thử thách mới

06:30' - 23/07/2018
BNEWS Tổng thống Mỹ khẳng định ưu tiên của ông đối với các cuộc đàm phán Brexit là bảo đảm Mỹ và nước Anh có thể phát triển hơn nữa quan hệ thương mại giữa hai bên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: EFE-EPA/TTXVN

Chỉ chưa đầy một ngày sau khi chỉ trích kế hoạch Brexit của Thủ tướng Vương quốc Anh Theresa May, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “đổi giọng” nhằm tìm cách hàn gắn rạn nứt giữa hai nước đồng minh “đặc biệt” bằng cách tuyên bố ủng hộ bất kỳ đường hướng nào mà Thủ tướng May lựa chọn cho quan hệ tương lai giữa "xứ sở Sương mù" và Liên minh châu Âu (EU).

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với bà May chiều 13/7 theo giờ địa phương sau cuộc hội đàm song phương trong khuôn khổ chuyến thăm nước Anh 4 ngày, Tổng thống Mỹ khẳng định ưu tiên của ông đối với các cuộc đàm phán Brexit là bảo đảm Mỹ và nước Anh có thể phát triển hơn nữa quan hệ thương mại giữa hai bên. 

Ông Trump cũng phủ nhận việc ông chỉ trích kế hoạch Brexit của Thủ tướng May trong một bài phỏng vấn của chính mình được đăng trên tờ The Sun (Anh) số ra ngày 13/7 rằng kế hoạch Brexit vừa được Nội các của bà May thông qua trước đó đúng một tuần sẽ “giết chết” một thỏa thuận thương mại giữa London và Washington.

Những tuyên bố mới nhất của Tổng thống Mỹ được đưa ra chỉ vài giờ sau khi tờ The Sun trích dẫn ông cáo buộc bà May đã tự “phá vỡ” các cuộc đàm phán của London với Brussels về Brexit khi theo đuổi chính sách ưu tiên duy trì quan hệ thương mại với EU. 

Trong bài phỏng vấn được ghi âm này, Tổng thống Mỹ còn khẳng định nếu là ông thì ông “sẽ làm khác” và còn cho biết ông đã cho bà May lời khuyên về cách thức thực hiện Brexit nhưng Thủ tướng May đã không nghe theo. 

Nhưng trong cuộc họp báo chung sau hội đàm song phương và bữa trưa làm việc với bà May tại dinh thự riêng của Thủ tướng nước Anh ở ngoại ô London chiều 13/7, Tổng thống Mỹ lại khẳng định ông lạc quan về Brexit và một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Anh sau Brexit là “hoàn toàn có thể”.

Ông Trump thừa nhận việc đạt được một thỏa thuận song phương giữa hai bên có thể rất “khó khăn”, nhưng xem đây là “cơ hội khó tin và không thể bỏ qua cho cả hai nước”.

Tổng thống Mỹ cũng cáo buộc bài phỏng vấn của tờ The Sun do chính ông trả lời là “tin giả” khi chỉ đăng tải những lời khen của ông với cựu Ngoại trưởng Boris Johnson của nước Anh mà bỏ qua những lời đánh giá cao của ông với Thủ tướng Theresa May. 

Không chỉ khẳng định quan hệ cá nhân của ông với Thủ tướng May là “chưa bao giờ tốt như thế”, Tổng thống Mỹ còn tuyên bố “mối quan hệ đặc biệt” giữa nước Anh và Mỹ đang ở “mức độ đặc biệt nhất từ trước đến nay” sau khi hai bên đã thảo luận và thống nhất một loạt những vấn đề liên quan đến quan hệ song phương và quốc tế trong hội đàm chính thức. 

Về phần mình, Thủ tướng May cho biết bà và Tổng thống Mỹ đã thảo luận về một thỏa thuận thương mại “đầy tham vọng” giữa hai nước sau Brexit.

Bà May cũng nhấn mạnh sẽ không có giới hạn nào cho việc thực hiện các thỏa thuận thương mại giữa nước Anh với Mỹ và các nước ngoài EU khác theo kế hoạch Brexit mà Chính phủ nước Anh vừa công bố, bất chấp việc kế hoạch này đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ ngay trong nội bộ đảng Bảo thủ của bà – những người chỉ trích cho rằng kế hoạch Brexit của bà May sẽ hạn chế khả năng của nước Anh trong việc tự thiết lập các quy định và luật lệ thương mại cho riêng mình sau khi rời EU. 

Tháng 1/2017, khi ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng, bà Theresa May là vị thượng khách đầu tiên của Tổng thống Mỹ thứ 45.Đôi bên từng hy vọng phát triển một mối quan hệ mật thiết tương tự như dưới thời Ronald Reagan và Margareth Thatcher, nhưng kịch bản đó đã vấp phải nhiều trở ngại.

Khi tiếp đón ông Trump, bà May đã cố gắng làm vừa lòng vị khách mời khó tính, thể hiện ở việc bà nhấn mạnh London là một trong số ít các đồng minh của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chấp hành nghiêm chỉnh cam kết đóng góp tài chính cho cỗ máy đồ sộ này. Bên cạnh đó, London cũng cam kết tăng quân sang Afghanistan, sát cánh với Mỹ. 

Sau đó, Thủ tướng May trải thảm đỏ đón Tổng thống Mỹ và phu nhân đến tòa lâu đài Blenheim, nơi cố thủ tướng Winston Churchill đã chào đời.Ông Churchill từng có mối quan hệ mật thiết với cố Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt và đây là một biểu tượng trong quan hệ đồng minh giữa Washington với London.

Tuy nhiên, vị chủ nhân Nhà Trắng lại phát biểu rằng bà May đã nhượng bộ quá nhiều EU trên hồ sơ Brexit. Thái độ này trái ngược hoàn toàn so với hồi tháng 11/2016, khi ông Trump, sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ, từng phấn khởi tuyên bố London từ bỏ EU, nước Anh và Mỹ sẽ “rất nhanh chóng đạt được một thỏa thuận tuyệt vời” và ông tin tưởng rằng nước Anh sẽ đặt ưu tiên cho quan hệ với Mỹ, hai quốc gia cùng có chủ trương cô lập, sẽ nhanh chóng tìm được một ngôn ngữ chung. 

Theo giới quan sát, từ đó tới nay, ông Trump đã thất vọng về chủ trương “mềm yếu” của bà May với Brussels và nhất là ở cương vị Tổng thống, vị Tổng thống doanh nhân này nhận ra rằng London và Washington không thể đốt cháy giai đoạn, nước Anh chỉ được phép đơn phương đàm phán với Mỹ về một thỏa thuận thương mại sau khi chính thức rời khỏi gia đình châu Âu, tức là phải đợi đến sau tháng 3/2019. Ngoài ra, dù muốn hay không, cả về mặt kinh tế, lẫn quân sự nước Anh vẫn rất cần đến EU. 

Bên cạnh thất vọng về về thương mại, Washington và London còn bất đồng sâu đậm trên nhiều hồ sơ, từ hạt nhân Iran đến sắc lệnh về di trú của Tổng thống Trump, hay quyết định của Nhà Trắng dời Đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem. 

Có thể thấy, quan hệ “đặc biệt”, như cố Thủ tướng Winston Churchill từng dùng khi nói về mối bang giao Mỹ - Anh, chưa bao giờ bị đặt trước thách thức như dưới thời Donald Trump./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục