Mỹ tuyên bố không cần áp đặt thêm lệnh trừng phạt Nga

11:05' - 30/01/2018
BNEWS Bộ Ngoại giao Mỹ đã quyết định không cần hành động thêm nữa sau khi xác định sức ép từ hành động của Mỹ hay từ các biện pháp trừng phạt đã phát huy hiệu quả.

Ngày 29/1, Chính phủ Mỹ đã quyết định không áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, trong bối cảnh dưới sức ép của các biện pháp trừng phạt hiện tại, chính phủ các nước trên thế giới đã phải hủy nhiều thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD với Nga, đặc biệt là các tập đoàn quốc phòng.

Năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã thông qua "Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận" (CAATSA) cho phép áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga và ngăn chặn khả năng mà Washington cho là Moskva có thể can thiệp vào các cuộc bầu cử trong tương lai.

Ngày 29/1 là hạn chót để Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ thực hiện hai điều khoản trong CAATSA vốn được Tổng thống Mỹ Donald Trump miễn cưỡng ký ban hành hồi năm ngoái.

Theo đó, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ phải công bố danh sách các công ty trong nước và nước ngoài hoặc các chính phủ sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt vì giao dịch với những thực thể an ninh Nga bị Washington liệt vào "danh sách đen".

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao đã quyết định không cần hành động thêm nữa sau khi xác định sức ép từ hành động của Mỹ hay từ các biện pháp trừng phạt đã phát huy hiệu quả.

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết kể từ khi ban hành CAATSA, các chính phủ đã hủy nhiều thương vụ trị giá hàng tỷ USD với Nga trong lĩnh vực quốc phòng.

Do đó, việc công bố thêm các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các thực thể hay các cá nhân là không cần thiết bởi bản thân CAATSA trên thực tế đã hạn chế doanh thu quốc phòng của Nga.

Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ cũng phải công bố danh sách các công dân Nga mà Washington sẽ áp đặt trừng phạt trong ngày 29/1, song hiện chưa có tín hiệu nào cho thấy cơ quan này sẽ đưa ra quyết định về vấn đề trên.

Theo CAATSA, bộ trên phải xác định "những nhân vật chính trị cấp cao nước ngoài quan trọng nhất tại Nga, dựa trên mức độ thân cận với Chính phủ Nga và tài sản ròng của họ".

Ngoài ra, cơ quan này cũng phải cung cấp một bản đánh giá về mối quan hệ giữa các cá nhân và Tổng thống Nga Vladimir Putin hoặc các thành viên khác trong Chính phủ Nga.

Hồi tháng 8 năm ngoái, Tổng thống Trump đã ký ban hành CAATSA, theo đó áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, Iran và Triều Tiên, sau khi văn kiện này vượt qua ải Thượng viện và Hạ viện với số phiếu ủng hộ gần như tuyệt đối.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhấn mạnh cả ông và Tổng thống Trump đều không cho rằng các biện pháp trừng phạt mới sẽ có lợi cho các nỗ lực ngoại giao giữa Washington và Moskva.

Trong khi đó, Phó Tổng thống Mike Pence nhận định dự luật trên thể hiện "tiếng nói thống nhất" giữa người đứng đầu Nhà Trắng và Quốc hội. Đây được xem là dự luật về chính sách đối ngoại lớn đầu tiên được Quốc hội Mỹ phê chuẩn dưới thời Tổng thống Trump.

Dự luật trên đã làm bùng phát căng thẳng trong quan hệ Nga-Mỹ. Moskva sau đó đã yêu cầu Washington cắt giảm số nhân viên các cơ quan ngoại giao và lãnh sự của Mỹ tại Nga từ ngày 1/9 tới xuống còn 455 người.

Ngoài ra, Nga cũng thông báo tạm dừng cho phép Đại sứ quán Mỹ ở Nga sử dụng biệt thự ở khu Serebryannyi Bor và các khu nhà kho ở thủ đô Moskva từ ngày 1/8./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục