Năm 2016, thoái vốn doanh nghiệp lớn ngành giao thông

12:00' - 25/01/2016
BNEWS Những cái tên nổi bật như Vinalines, VEC, SBIC, CIBM... là những doanh nghiệp sẽ thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn trong năm 2016.

Nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục cổ phần hóa và thoái vốn trong năm 2016. Ảnh: TTXVN

Tạo đà từ những thành công trong thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn giai đoạn 2011-2015, năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục các giải pháp để cổ phần hóa và thoái vốn các doanh nghiệp còn lại; trong đó phải kể đến những cái tên đình đám như Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines (Vinalines), Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM)…

Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Giao thông Vận tải) Vũ Anh Minh, trong năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải sẽ thực hiện các bước để hoàn thành cổ phần hóa Vinalines, SBIC, CIPM, VEC; đồng thời sẽ hoàn thành cổ phần hóa Bệnh viện Giao thông Nam Thăng Long…

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ cổ phần hóa 2 trường là Học viện Hàng không, Trường Trung cấp nghề Thăng Long cùng với 2 bệnh viện khác là Bệnh viện Giao thông Vận tải Vinh và Bệnh Viện Giao thông Vận tải Đà Nẵng.

Về kế hoạch thoái vốn, trong năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu hoàn tất các thủ tục để thoái vốn 8 doanh nghiệp, gồm: Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor), các Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5, 6, 8 (Cienco 5,6,8), Tổng công ty vận tải thủy, Tổng công ty Xây dựng đường thủy, Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông (Tedi).

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải sẽ triển khai thoái vốn tại một số cảng biển sau khi được Chính phủ phê duyệt tỷ lệ nắm vốn của Nhà nước. Đối với ngành đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thoái vốn tại các doanh nghiệp vừa tiến hành IPO (bán cổ phần lần đầu ra công chúng).

Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn trong kế hoạch thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn các doanh nghiệp trong năm 2016, ông Vũ Anh Minh khẳng định, việc cổ phần hóa diễn ra tại Bộ Giao thông Vận tải được ví như phong trào, không có những vướng mắc như khi mới triển khai , các khó khăn về cơ chế chính sách đã được tháo gỡ.

Đồng thời, thành công của quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp trong suốt 5 năm qua là những kinh nghiệm tốt cho các doanh nghiệp chưa cổ phần hóa… Song, khó khăn được xác định chủ yếu nằm tại các đơn vị sự nghiệp công lập .

Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với các Bộ, ngành khác trực tiếp làm việc với từng đơn vị để tổ chức quán triệt, giải đáp mọi thắc mắc cũng như hướng dẫn quy trình thực hiện để tạo sự đồng thuận cao nhất.

Ngoài ra còn có những khó khăn trong cách triển khai tại một số đơn vị, ví dụ như xử lý tài chính đối với việc âm vốn chủ sở hữu tại các đơn vị thuộc SBIC; khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư đối với việc thực hiện cổ phần hóa các đơn vị có vốn điều lệ lớn như VEC, …

Hay như vấn đề cổ phần hóa các cơ sở đào tạo, đây là lĩnh vực có sức lan tỏa lớn đối với xã hội như Học viện Hàng không, do đó việc thực hiện cổ phần hóa phải hết sức cẩn trọng, xây dựng từng bước với lộ trình thích hợp đề vừa làm vừa nghiên cứu, đề xuất giải pháp, lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược qua đó giúp các cơ sở này phát triển.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường, giai đoạn 2011 - 2015, Bộ Giao thông Vận tải đã cổ phần hóa 137 doanh nghiệp, tăng 67 doanh nghiệp so với kế hoạch phê duyệt.

Đến hết năm 2015, đã hoàn thành IPO 124 doanh nghiệp; trong đó có 12 tổng công ty, thực hiện nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tổng số tiền 1.701 tỷ đồng.

“Trong tổng số 137 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, có 16 tổng công ty; trong đó quy mô lớn như: Tổng công ty Hàng không Việt Nam tổng tài sản trên 57.000 tỷ đồng; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, tổng tài sản trên 40.000 tỷ đồng; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, tổng tài sản trên 17.000 tỷ đồng..”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay.

Theo đánh giá, các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã từng bước trở thành những doanh nghiệp mạnh, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng giao thông đã trở thành lực lượng nòng cốt giúp Bộ Giao thông Vận tải đột phá thành công, hoàn thành vượt tiến độ những dự án giao thông trọng điểm, góp phần quan trọng để xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Hiệu quả của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa được Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường minh chứng đó là, trong giai đoạn từ 2011-2014, tổng doanh thu của 18 tổng công ty thuộc Bộ sau cổ phần hóa đã tăng trưởng 15,28%.

Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 194,84%, bình quân tăng 48,7%/năm; nộp ngân sách nhà nước tăng 51,52%, bình quân tăng 12,85%/năm; thu nhập bình quân người lao động tăng 32,28%, bình quân tăng 8,07%/năm.

“Mức tăng trưởng của các chỉ tiêu trên cho thấy hiệu quả của

quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới gắn liền với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Bộ trong thời gian qua. Đặc biệt, thông qua tổ chức lại sản xuất, bố trí lao động hợp lý, tăng năng suất lao động nên thu nhập bình quân của người lao động đã có sự cải thiện rất đáng ghi nhận, tạo điều kiện cho người lao động phát huy năng lực, đảm bảo an sinh xã hội”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục