Tập đoàn Cao su Việt Nam sẽ cổ phần hóa trong năm 2017

16:10' - 20/01/2016
BNEWS Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đang tích cực thực hiện các thủ tục theo quy định để cơ bản hoàn thành việc cổ phần hóa Công ty mẹ trong quý IV/2017.
Tập đoàn cao su Việt Nam sẽ thoái vốn 100% trong năm 2017. Ảnh: TTXVN

Theo ông Trần Thoại, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn, trong năm 2016, VRG dự kiến hoàn thành cổ phần hóa 2 Công ty TNHH MTV cao su Tân Biên và Bà Rịa. Hiện Tập đoàn đã hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa đối với 2 công ty này.

Đồng thời, thực hiện các thủ tục theo quy định để cơ bản hoàn thành việc cổ phần hóa Công ty mẹ, 20 công ty TNHH MTV và các đơn vị sự nghiệp trong quý IV/2017.

Để đảm bảo đúng lộ trình trên, VRG kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đến vấn đề cơ chế thực hiện. Cụ thể, khi lập hồ sơ cổ phần hóa Công ty mẹ, người lao động trong danh sách mua cổ phần ưu đãi phải bao gồm cả cán bộ công nhân viên trong danh sách của Công ty mẹ, 20 công ty TNHH MTV và các đơn vị sự nghiệp.

Theo giải trình của VRG, trong Nghị định 59 về cổ phần hóa, người lao động trong Công ty mẹ sẽ được mua cổ phần ưu đãi theo quy định khi cổ phần hóa Công ty mẹ. Tuy nhiên, với trường hợp của VRG là cổ phần hóa Công ty mẹ đồng thời với 22 công ty TNHH MTV và các đơn vị sự nghiệp thì Nghị định số 59 /2011/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần chưa có quy định rõ quyền lợi của người lao động ở những đơn vị này.

Trong khi đó, việc cổ phần hóa Công ty mẹ không làm thay đổi loại hình doanh nghiệp (vẫn là Công ty TNHH MTV) nhưng làm thay đổi chủ sở hữu. Do vậy, sau khi cổ phần hóa Công ty mẹ, dù có tiếp tục cổ phần hóa các công ty TNHH MTV này thì cũng không thuộc đối tượng của Nghị định 59, người lao động không được hưởng ưu đãi theo Nghị định này.

Bên cạnh đó, VRG cũng kiến nghị được thực hiện cơ chế “giữ nguyên giá trị sổ sách của tài sản sau khi đánh giá lại để cổ phần hóa” khi xác định giá trị doanh nghiệp của 20 công ty TNHH MTV và Viện nghiên cứu cao su. Giá trị tài sản sau khi đánh giá lại của các đơn vị này sẽ sử dụng làm giá sàn khi đấu giá bán cổ phần của Công ty mẹ.

Liên quan đến việc đầu tư ngoài ngành chính, trong giai đoạn 2012-2015, VRG phải thoái vốn tại 24 đơn vị ngoài ngành. Tính đến cuối năm 2015, VRG đã thoái vốn và thu về 1.447 tỷ đồng, trên giá trị sổ sách là 1.233 tỷ đồng. Trong quý I/2016, Tập đoàn này sẽ thoái vốn tiếp ở một số công ty còn lại với giá trị khoảng 1.590 tỷ đồng do thủ tục thoái vốn của Ủy ban Chứng khoán kéo dài thời gian.

Riêng một số công ty, VRG kiến nghị việc thoái vốn được phép kéo dài sau năm 2016 vì đang trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản, chưa có lợi nhuận, hiệu quả kinh doanh thấp; hoặc một số công ty đang giao dịch trên sàn Upcom nhưng có tính thanh khoản kém, giá giao dịch quá thấp so với giá trị sổ sách…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục