Nâng cao sức cạnh tranh cho ngành công nghiệp thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh

08:57' - 30/09/2017
BNEWS Công nghiệp thực phẩm được xác định là một trong 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu của Tp.Hồ Chí Minh, có vai trò lớn trong kinh tế thành phố nói chung và khu vực công nghiệp nói riêng.
Tuy nhiên, ngành chế biến thực phẩm ở Tp. Hồ Chí Minh đang bắt đầu phải chịu áp lực cạnh tranh bởi các đối thủ mạnh đến từ các nước trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh sự nỗ lực, làm chủ công nghệ của các doanh nghiệp, rất cần những chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong việc đầu tư công nghệ, trang thiết bị…


*Nhiều bước tiến mới


Theo Viện Nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, 4 ngành công nghiệp trọng yếu của Tp. Hồ Chí Minh; trong đó có ngành chế biến thực phẩm có sự dịch chuyển mạnh theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và góp phần giải quyết việc làm cho người lao động.
Đến nay chất lượng, hiệu quả tăng trưởng của ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố từng bước được cải thiện theo sự dịch chuyển cơ cấu sản xuất, với giá trị sản xuất chiếm khoảng 45% sản lượng công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đóng góp khoảng 26% quy mô sản xuất công nghiệp toàn quốc. Hàng năm, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm có nhu cầu tuyển dụng khoảng 11.000 lao động trên địa bàn.
Theo Ths. Hồ Thủy Tiên, Viện Nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh, giai đoạn 2006-2010, ngành công nghiệp chế biến tinh lương thực – thực phẩm có mức tăng trưởng bình quân thấp nhấp trong nhóm 4 ngành công nghiệp trọng yếu (8,9%/năm); cơ khí chế tạo 17,8%/năm; ngành công nghiệp hóa chất-cao su-nhựa tăng 14,5%/năm; ngành công nghiệp điện tử - công nghệ thông tin tăng 15,5%.
Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh đã vượt lên “đầu bảng” với tốc độ tăng trưởng giai đoạn này là 11,5%/năm, cao nhất trong nhóm các ngành công nghiệp trọng yếu.
Các chuyên gia cho rằng, đó là vì ở giai đoạn trước, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn trong một thời gian dài chỉ tập trung phát triển theo chiều rộng hơn chiều sâu, chủ yếu sơ chế và đóng gói nguồn nguyên liệu nông sản ở dạng thô (tôm, cá, gia cầm…); ít đầu tư phát triển và ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ và máy móc trang thiết bị hiện đại vào quy trình sản xuất.
Ngoài ra, do trình độ nhân công còn thấp nên khó tạo ra nhiều mặt hàng chế biến có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các thị trường khó tính, do đó, giá trị gia tăng của ngành mang lại không cao.
Hiện nay, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của thành phố đã có những bước tiến rõ rệt trong việc đổi mới phương thức hoạt động, số lượng và sản lượng mặt hàng gia tăng, các doanh nghiệp công nghiệp chế biến thực phẩm ngày càng có sự đầu tư và phát triển khoa học kỹ thuật công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình hoạt động.
Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của thành phố đã sản xuất được các sản phẩm tinh đạt các tiêu chuẩn nhất định không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu. Mức độ tập trung của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm cũng dày đặc và nhiều doanh nghiệp lớn mạnh tạo nên thương hiệu như: Công ty cổ phần Chế biến Cầu Tre, Công ty cổ phần Kỹ nghệ Súc sản Visan, Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An, Công ty Ba Huân, Công ty cổ phần Acecook…
*Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, ngành chế biến thực phẩm ở Tp. Hồ Chí Minh đang phải chịu áp lực cạnh tranh bởi các đối thủ cạnh tranh mạnh cùng hàng hóa nhập khẩu từ các nước trong khu vực và trên thế giới được phân phối trong hệ thống bán lẻ trên địa bàn thành phố như: Nhật Bản, Thái Lan, Hoa Kỳ…
Các doanh nghiệp ở ngành chế biến thực phẩm, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khi năng lực cạnh tranh còn yếu, chưa tạo được lợi thế riêng về sản phẩm… chỉ cần tính sai phương án thị trường, thay đổi quản lý ở thời điểm không thích hợp, đầu tư không đúng hướng… thì chỉ cần ba đến sáu tháng thua lỗ là xóa mất thành quả mười năm xây dựng.
Bên cạnh đó, sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm chủ yếu là từ ngành nông nghiệp lệ thuộc nhiều vào các điều kiện tự nhiên, khó kiểm soát và độ rủi ro cao. Do ảnh hưởng của tính thời vụ nên thời gian hoạt động của các cơ sở chế biến thường ngắn, khả năng thu hồi vốn đầu tư còn nhiều khó khăn.
Hiện nay nguồn cung nguyên liệu cho các doanh nghiệp trên địa bàn (chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ) chưa ổn định nên hiệu quả kinh tế chưa cao và dễ rủi ro cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Ngoài ra có nhiều doanh nghiệp vẫn ở thế bị động do phụ thuộc vốn vay ngân hàng hoặc bị cạnh tranh bởi các doanh nghiệp nước ngoài trong thị trường nội địa.
Do đó, GS TS Lê Thị Cành, Cố vấn Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và tài chính (Trường Đại học Kinh tế - Luật Tp. Hồ Chí Minh) cho rằng, Tp. Hồ Chí Minh cần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với phát triển các ngành công nghiệp trọng yếu theo chiều sâu. Tức cần đầu tư công nghệ cao vào các ngành này bằng cách huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nói riêng và các ngành trọng yếu nói chung.
Tp. Hồ Chí Minh cần đi tiên phong trong cả nước để có chính sách đột phá về đầu tư khoa học công nghệ và ưu đãi doanh nghiệp trong đầu tư đổi mới công nghệ, trước mắt là phục vụ cho ngành công nghiệp trọng yếu; trong đó có ngành chế biến thực phẩm. Có chính sách như miễn giảm thuế để khuyến khích thu hút những dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường.
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm Tp.Hồ Chí Minh, thị trường ngành chế biến lương thực, thực phẩm đang có sự cạnh tranh quyết liệt, nên những chính sách hỗ trợ không chỉ dừng lại ở vốn, công nghệ mà còn phải đồng bộ với cả chính sách hỗ trợ thị trường.
Ngoài ra, các đơn vị phải thiết lập rào cản kỹ thuật về tiêu chuẩn an toàn chất lượng sản phẩm để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn.
Từ đầu năm 2017, Tp. Hồ Chí Minh đã ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp trong ngành theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ mới, giảm dần việc đầu tư theo chiều rộng, tập trung phát triển theo chiều sâu nhằm tạo ra những sản phẩm tinh chế, có chất lượng cao và giá trị gia tăng lớn.
Điển hình như Quyết định 15/2017/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Tp.Hồ Chí Minh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất lĩnh vực công nghiệp, các dự án đầu tư sản xuất các loại máy móc, thiết bị hoặc ứng dụng công nghệ mới…
Theo đó, các doanh nghiệp có thể vay tối đa 200 tỷ đồng với mức lãi suất hỗ trợ từ 50-100% trong thời gian lên đến 7 năm. Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức nhiều đợt xúc tiến kết nối với doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực này để mở rộng thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục