Nga lấy lại được đà tạo ảnh hưởng tại khu vực Á – Âu

05:30' - 15/05/2017
BNEWS Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga đã nỗ lực hết sức để gây dựng lại ảnh hưởng tại các nước Xô viết trước đây.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev. Ảnh: Reuters

Mạng tin của tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor mới đây có bài phân tích cho rằng nước Nga đang lấy lại được đà tạo ảnh hưởng trên toàn bộ khu vực Âu – Á.

Mặc dù Nga đã nỗ lực hết sức để gây dựng lại ảnh hưởng tại các nước Xô viết trước đây, nhưng vùng đệm mà nước Nga từng có, trải dài từ các nước Baltic tới Trung Á, đã ngày càng trở nên độc lập hơn. 

Đối với nước Nga, việc đảm bảo an toàn cho những vùng biên giới trên đất liền là điều bắt buộc, và họ đã sử dụng các công cụ sẵn có - trong đó có các khối kinh tế và hợp tác quân sự - để làm điều đó.

Cho tới nay, những tổ chức nhằm mục đích ràng buộc vùng Âu - Á chặt chẽ hơn với Moskva chưa đạt được tiến triển nào nổi bật. Tuy nhiên, khu vực này đang thay đổi theo hướng có thể trực tiếp thúc đẩy những mục tiêu nêu trên của Kremlin.

Thể chế đầu tiên mà nước Nga gây dựng để kế tục Liên Xô là Cộng đồng các Quốc gia độc lập, gồm toàn bộ các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô (CIS) trước đây, trừ các nước vùng Baltic.

Tuy CIS nhằm mục đích thay thế sự hợp tác kinh tế, chính trị và an ninh tồn tại trước khi Liên Xô tan rã, song nhóm này đã trở nên gần như chỉ còn mang tính biểu tượng, và các thành viên tự đề ra những chính sách đối nội và đối ngoại của mình.

Gruzia, Ukraine và Turkmenistan đã rời khỏi khối này khi căng thẳng với Nga gia tăng, khiến chỉ còn lại 9 thành viên chính thức. (Ukraine và Turkmenistan vẫn là thành viên danh dự).

Mặc dù CIS chỉ còn là tổ chức trên danh nghĩa, song đã nổi lên hai tổ chức mới. Trước hết là Tổ chức Hợp tác An ninh Tập thể (CSTO), được thành lập năm vào 2002 để tập trung vào các vấn đề an ninh và quân sự. Tổ chức này bao gồm Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.

Sau đó là Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) ra mắt vào năm 2015 trên nền tảng Liên minh Thuế quan thành lập năm 2010 giữa Nga, Belarus và Kazakhstan. Liên minh này hiện bao gồm toàn bộ các nước thành viên CSTO (trừ Tajikistan) và chú trọng vào hội nhập kinh tế.

Trong mấy tháng gần đây, CSTO và Liên minh Kinh tế Á-Âu đã chứng kiến một số bước phát triển tích cực. Thế bế tắc xung quanh việc bổ nhiệm tổng thư ký của CSTO rốt cuộc đã được khai thông tại hội nghị cấp cao không chính thức tại Bishkek (Kyrgyzstan) hôm 14/4.

Tại cuộc họp, toàn bộ các thành viên của khối - trong đó có cả Belarus và Kazakhstan - đã nhất trí bổ nhiệm ông Yuri Khachaturov, vị chỉ huy lâu năm của Bộ Tổng tham mưu Armenia, làm nhà lãnh đạo của tổ chức này.

CTSO đạt được sự nhất trí về việc bổ nhiệm tổng thư ký mới vào thời điểm quan trọng. Các cuộc tấn công du kích và các cuộc biểu tình gia tăng trên toàn khu vực Âu-Á, buộc các nước CSTO phải hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết với Nga trong các vấn đề an ninh và quân sự.

Ngày 19/4, Tướng Nga Valery Gerasimov tuyên bố sau một phiên họp của CSTO rằng Trung Á sẽ sớm thiết lập một hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa chung. Thậm chí còn có nguồn tin chưa được xác nhận là CSTO đang xem xét triển khai một lực lượng phản ứng nhanh tới các nước Trung Á có biên giới với Afghanistan.

Trong khi đó, hồi tháng 4/2017, Belarus và Russia đã đạt được thỏa thuận khai thông sự bế tắc kéo dài suốt 1 tháng do tranh cãi về nợ và khí đốt tự nhiên, và nhờ đó Chính phủ Belarus đã ký kết tham gia Bộ luật thuế quan của Liên minh Kinh tế Á- Âu.

Với sự tham gia của Belarus, bộ luật này có thể có hiệu lực từ ngày 1/7. Moldova, vốn lâu nay ngả theo phương Tây, cũng đã đăng ký và được chấp thuận làm quan sát viên của khối hôm 14/4. Rõ ràng, Tổng thống Moldova Igor Dodon đang tìm cách củng cố quan hệ kinh tế và chính trị với Nga.

Liên minh Kinh tế Á-Âu và CSTO đang tạo được đà phát triển trên toàn Âu-Á. Môi trường an ninh bất ổn tại khu vực, cộng với những mâu thuẫn kéo dài với phương Tây, đã khiến các nước thuộc Liên Xô trước đây hầu như không còn phương án nào khác ngoài việc quay sang những khối này và dẹp sang một bên vài khác biệt.

Tuy nhiên, những thể chế này sẽ chỉ phát huy hiệu quả nếu giữ nguyên số thành viên hiện nay và không mở rộng trong thời gian trước mắt. Trên thực tế, những khối này chỉ là một phần trong những nỗ lực rộng hơn của Nga trong cuộc cạnh tranh với phương Tây tại những vùng đất giáp biên giới đất liền của họ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục