Ngành nông nghiệp Nga phát triển mạnh bất chấp các biện pháp trừng phạt từ EU và Mỹ

09:26' - 22/04/2017
BNEWS Nông nghiệp trở thành ngành xuất khẩu lớn thứ hai của Nga, vượt trên xuất khẩu vũ khí và chỉ đứng sau dầu mỏ.
Ngành nông nghiệp Nga phát triển mạnh bất chấp các biện pháp trừng phạt từ EU và Mỹ. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo nhận định của tờ “Thời báo tài chính” (The Financial Times) của Anh, các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đối với Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine một mặt tác động tiêu cực tới nền kinh tế Nga, song mặt khác cũng mở ra những cơ hội phát triển trong dài hạn. Nông nghiệp trở thành ngành xuất khẩu lớn thứ hai của Nga, vượt trên xuất khẩu vũ khí và chỉ đứng sau dầu mỏ.

Cùng với việc đồng ruble  mất giá, các lệnh cấm vận đã trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh doanh trong nước, đặc biệt là với các ngành nghề thay thế nhập khẩu và giúp cho hàng xuất khẩu trở nên cạnh tranh hơn.

Bất chấp những hoài nghi của giới phân tích và đầu tư phương Tây, nông nghiệp và các ngành phụ trợ đã tăng trưởng vượt bậc. Năm ngoái, Nga vươn lên trở thành nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới, với hơn 34 triệu tấn. Tổng sản lượng ngũ cốc của Nga đạt mức kỷ lục 119 triệu tấn. Đây là bước chuyển mình ngoạn mục vì cách đây khoảng 15 năm, Nga vẫn là nước nhập khẩu ròng ngũ cốc. Nga cũng đã tự đáp ứng được nhu cầu về thịt lợn và thịt gà trong nước, đồng thời trở thành nhà sản xuất củ cải đường hàng đầu. Bên cạnh đó, sản lượng rau xanh trong năm ngoái cũng tăng 30% so với năm trước.

Trên thực tế, các lệnh trừng phạt của phương Tây không phải là nguyên nhân chính. Đồng ruble mất giá cùng với tác động của giá dầu giảm đã giúp đẩy mạnh xuất khẩu và làm cho hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ.

Theo nhiều nhà phân tích, các biện pháp đáp trả của Nga như sắc lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ các nước áp đặt lệnh trừng phạt đã được Tổng thống Vladimir Putin áp dụng để phục vụ mục tiêu chiến lược mà ông đặt ra là nâng cao khả năng tự cung tự cấp về thực phẩm.

Chính phủ Nga đã đẩy mạnh trợ cấp cho nông dân. Ngành nông nghiệp cũng hưởng lợi từ chính sách mới cho phép bán đất tư nhân được áp dụng trong 10 năm trở lại đây. Tất cả những điều chỉnh này đã giúp Nga tận dụng được nhiều lợi thế địa lý và tự nhiên. Vùng đất phì nhiêu ở miền Trung và miền Nam nước Nga gần các bến cảng xuất khẩu ở Biển Đen đã được sử dụng hiệu quả để đảm bảo nguồn cung lúa mỳ cho các nước nhập khẩu lớn ở Bắc Phi và Trung Đông như Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập.

Ông Andrey Guriev, Giám đốc điều hành của công ty sản xuất phân bón PhosAgro, cho biết việc đồng ruble giảm giá đã tạo ra một "môi trường giá cả

tuyệt vời cho các sản phẩm nông nghiệp". Thêm vào đó, giá phân bón và giá nhiên liệu giảm đã góp phần giúp ngành nông nghiệp Nga “lãi đơn lãi kép".

Theo các số liệu ban đầu từ Hiệp hội Phân bón Quốc tế, PhosAgro và các công ty phân bón khác của Nga đang hưởng lợi từ sự bùng nổ của ngành nông nghiệp trong nước. Mức tiêu thụ phân bón và các hóa chất phục vụ nông nghiệp của Nga tăng 16% trong năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,2% của thị trường toàn cầu.

Kể từ tháng 3/2014, khi các biện pháp trừng phạt có hiệu lực, giá cổ phiếu của công ty chế biến thịt Cherkizovo đã tăng 63%, cao hơn mức tăng 45% của chỉ số chứng khoán Micex. Tính theo đồng ruble, giá cổ phiếu của PhosAgro đã tăng 85%, và cổ phiếu của Acron, một nhà sản xuất phân khoáng khác, tăng gấp ba lần.

Lĩnh vực nông nghiệp và các ngành liên quan của Nga có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, do lợi nhuận tăng cao sẽ cho phép các tập đoàn nông nghiệp tập trung đầu tư vào công nghệ và phân bón để cải thiện tình trạng năng suất thấp.

Sự bùng nổ trong lĩnh vực nông nghiệp của Nga cho thấy, bất chấp các biện pháp trừng phạt và mối quan hệ không mấy “nồng ấm” với các nước phương Tây, nền kinh tế Nga vẫn có nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục