Ngân hàng lưu động - rút ngắn đường đến với dân

14:44' - 15/03/2018
BNEWS Vừa mới được triển khai nhưng mô hình ngân hàng lưu động của Agribank được đông đảo bà con và các cấp lãnh đạo, quản lý tại huyện Xuân Lộc, Đồng Nai nhiệt hình đón nhận.
Mô hình ngân hàng lưu động của Agribank chi nhánh Xuân Lộc (Đồng Nai) được tích hợp trên xe ô tô chuyên dụng. Ảnh: Hương Phạm/BNEWS/TTXVN

Hơn 3 tháng kể từ ngày khai trương mô hình thí điểm, đến nay 2 chiếc xe ngân hàng lưu động của Agribank chi nhánh Xuân Lộc (Đồng Nai) hàng ngày cần mẫn trên mọi cung đường, đến với những xã vùng sâu, vùng xa nhất của huyện miền núi nhiều tiềm năng sản xuất nông nghiệp nhất nhì vùng Đông Nam bộ.

Có thời điểm hoạt động của 2 xe ngân hàng lưu động tại địa bàn 4 xã xa nhất của huyện Xuân Lộc chiếm tới 50% tổng giao dịch của toàn chi nhánh.

Hồ hởi chia sẻ với phóng viên về niềm vui của những cán bộ Agribank khi mô hình ngân hàng lưu động được đông đảo bà con và các cấp lãnh đạo, quản lý địa phương nhiệt hình đón nhận, ông Nguyễn Bá Thành, Giám đốc Agribank Xuân Lộc không quên khẳng định:

“Mới đưa vào thí điểm nên trong quá trình làm sẽ còn rất nhiều vấn đề phát sinh, nhưng chúng tôi quyết tâm phải làm thành công mô hình này trên địa bàn Xuân Lộc vì đây chính là cánh tay nối dài để Agribank chiếm lĩnh tốt hơn nữa thị phần nông nghiệp, tới gần hơn nữa với nông dân”.

Xuân Lộc được biết đến là huyện nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước với lợi thế và tiềm năng phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, phát triển dịch vụ du lịch nông nghiệp. Nhiều năm qua, kinh tế Xuân Lộc phát triển mạnh mẽ, kéo theo thị trường tài chính, tín dụng sôi động cùng với khí thế làm ăn, phát triển kinh tế của đội ngũ nông dân làm ăn giỏi, năng động hàng đầu cả nước.

Đóng chân trên địa bàn kinh tế phát triển sôi động, Agribank Xuân Lộc là chi nhánh loại II đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có dư nợ vượt mốc 1.200 tỷ đồng, chất lượng tín dụng luôn được bảo đảm, tỷ lệ nợ xấu thấp, qua đó đã đóng góp một phần không nhỏ vào kết quả hoạt động kinh doanh của Agribank Đồng Nai cũng như tham gia tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tuy nhiên, Agribank Xuân Lộc hiện có một trụ sở và hai Phòng giao dịch nhưng phải quản lý thị phần của 15 xã, thị trấn. Mỗi cán bộ tín dụng phải quản lý trung bình trên 1.000 khách hàng.

Mặc dù nhiều năm qua, được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, Agribank chi nhánh Đồng Nai áp dụng thành công mô hình ủy thác cho vay thông qua tổ vay vốn nhưng vẫn nhưng chưa giải quyết được triệt để vấn đề quá tải trong quản lý vốn vay.

Vào những thời điểm vào vụ sản xuất, lượng khách hàng tập trung tại các điểm giao dịch rất đông gây quá tải.

Trong khi đó việc mở rộng các điểm giao dịch tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa gặp nhiều khó khăn do dân cư thưa thớt, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư, cơ sở vật chất thiếu thốn, không đủ an toàn để đặt trụ sở giao dịch…

Được mệnh danh là vựa trái cây vùng Đông Nam bộ, vào vụ sản xuất, vào mùa thu hoạch, cả vùng đất Xuân Lộc rộn ràng, tập nập giao dịch bán buôn giữa các chủ vườn, lái buôn, nhà cung ứng vật tư… Theo đó, cảnh ùn ứ, tắc nghẽn vì lượng khách đến giao dịch quá đông từ trụ sở đến các phòng giao dịch của Agribank Xuân Lộc là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Thực trạng đó vừa gây áp lực với ngân hàng, vừa khó khăn cho khách hàng khi tiếp cận các dịch vụ.

Có những khách hàng ở các xã xa trụ sở Agribank Xuân Lộc gần 30 km, thời gian di chuyển, đợi chờ và hoàn tất giao dịch mất cả ngày, cả buổi, trong khi vào thời vụ thời gian là vàng, là bạc…

Chưa kể vấn đề an ninh chưa được đảm bảo khi di chuyển trên quãng đường xa, đã từng xảy ra việc bà con đi nhận tiền vay vốn, trên đường về đã bị mất hết tiền, mang thêm nợ chồng chất…

Giao dịch tại Agribank chi nhánh Đồng Nai. Ảnh: Hương Phạm/BNEWS/TTXVN

Để giải quyết vấn đề này, theo đề án của Agribank Việt Nam, Agribank chi nhánh Đồng Nai triển khai thí điểm “Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dụng” tại các xã Xuân Hòa, Xuân Hưng, Xuân Thọ, Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc).

Ông Nguyễn Huy Trinh - Giám đốc Agribank Đồng Nai cho biết: “Khó khăn lớn nhất trong mở rộng hoạt động ngân hàng tại khu vực nông thôn là giao thông không thuận tiện, dân cư thưa thớt, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, không đủ điều kiện an toàn để đặt trụ sở giao dịch, do đó khách hàng phải đi xa để đến ngân hàng, tạo ra tâm lý ái ngại và đây là điều kiện lý tưởng cho “tín dụng đen” có dư địa hoạt động".

Vì vậy, khi điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đi vào hoạt động sẽ giúp cho người dân thuận tiện trong giao dịch với ngân hàng, giảm thiểu đáng kể về chi phí thời gian cho bà con và giải quyết được vấn đề cho vay nặng lãi mà một số khách hàng đang gặp phải.

Điểm giao dịch ngân hàng lưu động được tích hợp trên xe ô tô chuyên dụng với kết nối công nghệ hiện đại qua cổng sim 4G và có đầy đủ chức năng của một phòng giao dịch ngân hàng cung cấp hầu hết các sản phẩm dịch vụ như: nhận gửi tiền, rút tiền gửi không kỳ hạn; tiền gửi tiết kiệm bằng đồng Việt Nam của cá nhân và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của Agribank áp dụng cho điểm giao dịch lưu động; tư vấn tín dụng, tiếp nhận và hướng dẫn hồ sơ vay vốn của khách hàng trên địa bàn; cho vay cầm cố sổ tiết kiệm do Agribank phát hành và nhiều tiện ích khác…

Ô tô chuyên dụng được trang bị đầy đủ các thiết bị cần thiết như hệ thống công nghệ thông tin camera giám sát, két sắt, hòm tôn, hòm đựng tài liệu, thiết bị chống sao chép và thiết bị báo trộm. Cơ cấu nhân sự gồm một trưởng điểm giao dịch, một giao dịch viên kết toán, lái xe cùng một cảnh sát cơ động.

Ông Nguyễn Bá Thành, Giám đốc Agribank Xuân Lộc cho biết: “Với vai trò của một ngân hàng Tam nông ở địa bàn được Chính phủ lựa chọn xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu, chúng tôi xác định tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế xã hội địa phương, góp phần vào thành công chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu."

Với Xuân Lộc là huyện thuần nông, khách hàng chủ yếu là hộ nông dân, xác định cho vay nông nghiệp nông thôn rất khó khăn.

Điệp khúc được mùa - mất giá đã là thường, giờ còn mất mùa - mất giá nên khó khăn lại chồng khó khăn, điển hình như với người chăn nuôi lợn trong năm vừa qua mà Xuân Lộc là địa phương thiệt hại không nhỏ...

"Thấu hiểu những khó khăn đó nên chúng tôi luôn cố gắng làm thế nào để gần dân nhất, tiện cho dân nhất. Đề án ngân hàng lưu động là chủ trương lớn của Agribank Việt Nam nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn của người dân khi tiếp cận vốn và các mảng dịch vụ của ngân hàng. Qua triển khai dư luận bà con đánh giá rất cao”, ông Nguyễn Bá Thành chia sẻ.

Là một trong những khách hàng lâu năm của Agribank Xuân Lộc, ông Nguyễn Thế Bảo, Chủ nhiệm HTX xoài Suối Lớn tại xã Xuân Hưng cho biết:

“Từ nguồn vốn vay của Agribank xã viên chúng tôi đã đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ổn định trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, do địa phương chúng tôi cách xa trụ sở Agribank Xuân Lộc gần 20 km, muốn giao dịch với ngân hàng chúng tôi phải đi hàng chục cây số, mất rất nhiều thời gian, có khi mưa, nắng thất thường rất khó khăn trong việc đi lại. Nay đã có ngân hàng lưu động tận nơi, tạo điều kiện thuận tiện cho bà con chúng tôi đỡ vất vả, rất an toàn và có thể tranh thủ thời gian rảnh rỗi để ra giao dịch. Mô hình này rất thiết thực cho bà con nông dân ở địa phương”.

Ông Nguyễn Bá Thành cũng cho biết thêm, hiện theo đề án Agribank Xuân Lộc đang mượn sân của UBND xã khi đến ngày giao dịch. Tuy nhiên bất cập hiện nay là địa điểm giao dịch này khó đảm bảo giao dịch vào các tháng mùa mưa.

“Hiện chúng tôi đã xin ý kiến thuê trụ sở để chạy cả xe vào phục vụ việc giao dịch cho bà con, vừa đảm bảo yếu tố an toàn, vừa thích ứng với mọi loại hình thời tiết”, ông Thành cho biết./.

>>> Agribank A Lưới hỗ trợ có hiệu quả nguồn vốn cho phát triển kinh tế miền núi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục