Agribank thị xã Hương Thủy - Bà đỡ cho "Tam nông"

15:49' - 03/03/2018
BNEWS Agribank Hương Thủy đã đưa ra sáng kiến chỉ đạo toàn thể cán bộ tín dụng thực hiện cho vay theo đúng quy trình.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế từng bước khẳng định thương hiệu của mình trong hoạt động kinh doanh tiền tệ, thể hiện vai trò "bà đỡ" trên lĩnh vực “tam nông” (nông nghiệp, nông thôn, nông dân).

Với 3 điểm giao dịch và 36 cán bộ, trong quán trình hoạt động Agribank thị xã Hương Thủy ngày càng lớn mạnh và phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân trên địa bàn. Nếu năm 1988 (khi mới thành lập), nguồn vốn chỉ có 5 tỷ đồng; năm 1998 là 50 tỷ đồng; đến năm 2008 là 121 tỷ đồng thì đến nay nguồn vốn tăng lên hơn 763 tỷ đồng. Dư nợ năm 1988 là 6 tỷ đồng; năm 1998 là 32 tỷ đồng; năm 2008 là 128 tỷ đồng và đến nay khoảng 658 tỷ đồng.

Còn về nợ xấu năm 1988 chiếm tỷ lệ 5%; thì đến nay giảm còn 0,3% (dưới mức cho phép) của hệ thống Agribank và Ngân hàng Nhà nước; lợi nhuận năm 1988 chỉ mới 0,5 tỷ đồng thì năm 2017 là 21,2 tỷ đồng.

Có được kết quả đó, ngoài việc nâng cao trình độ chuyên môn, triển khai nhiều giải pháp nghiệp vụ ngân hàng nói chung và của Agribank nói riêng, còn là quá trình nỗ lực của cả tập thể; trong đó có những nhân tố điển hình.

Agribank thị xã Hương Thủy đã tổ chức nhiều tổ để đối chiếu nợ gốc lãi, tài sản đảm bảo và thu hồi nợ xấu, rủi ro, tồn đọng; qua đó đối chiếu "chéo" và giám sát của ban giám đốc, trưởng, phó phòng, ban trên địa bàn nhằm hạn chế những sai phạm của cán bộ cơ sở và nắm bắt thêm thông tin để triển khai thực hiện tốt hơn.

Đồng thời, Agribank thị xã Hương Thủy đã duy trì thường xuyên tổ thu nợ rủi ro, tồn đọng và xử lý nợ xấu đến từng khách hàng để xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu, nợ rủi ro, tồn đọng và một số khách hàng chây ì, dây dưa.

Lãnh đạo Agribank thị xã Hương Thủy đã thường xuyên phân tích, đánh giá thực trạng, nguyên nhân và khả năng thu hồi nợ xấu đối với từng khách hàng để tìm biện pháp tận thu; tổ chức giao ban định kỳ và đột xuất nhằm đánh giá kết quả, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời.

Agribank thị xã Hương Thủy đã luôn tư vấn cho khách hàng rõ về các loại hình đầu tư. Ảnh minh họa: Trần Việt/ TTXVN

Cán bộ tín dụng tổ chức chấm điểm, xếp loại khách hàng theo đúng yêu cầu văn bản chỉ đạo của ngân hàng cấp trên. Đơn vị luôn nghiêm túc lấy các chỉ tiêu, kế hoạch của cấp trên giao làm trọng; khi có nhu cầu cần thiết đều lập tờ trình xin bổ sung và được cấp trên đồng ý mới thực hiện, không làm ảnh hưởng đến kế hoạch chung của ngân hàng cấp trên.

Điều đáng nói, chi nhánh Agribank thị xã Hương Thủy đã luôn tư vấn cho khách hàng rõ về các loại hình đầu tư, các hình thức huy động vốn, cũng như các sản phẩm dịch vụ của Agribank. Chính điều này làm cho khách hàng yên tâm khi quan hệ với ngân hàng, không phải lo lắng về lãi suất, thủ tục.

Đối với bộ phận tín dụng, yêu cầu đặt ra phải tận tâm, tận lực, nhiệt tình, yêu nghề, bám sát địa bàn, nắm chắc thông tin của khách hàng để thẩm định cho vay, thu hồi nợ. Đối với bộ phận giao dịch viên phải niềm nở, tư vấn và hướng dẫn kỹ cho khách hàng trong quan hệ; xem thành công của khách hàng như là thành công của Agribank.

Đặc biệt, Agribank Hương Thủy đã đưa ra sáng kiến chỉ đạo toàn thể cán bộ tín dụng thực hiện cho vay theo đúng quy trình và đề ra phương châm hành động cho mỗi cán bộ tín dụng thực hiện và áp dụng đúng khi quyết định đầu tư vốn theo phương châm "8 đúng trong cho vay": Đúng người, đúng địa chỉ, đúng tài sản, đúng mục đích, đúng nhu cầu, đúng thời gian, đúng chu kỳ….

Ngoài đầu tư vốn, chi nhánh đã chủ động giao khoán cho bộ phận kinh doanh trực tiếp triển khai và thực hiện tốt việc huy động vốn trong dân cư, cũng như tăng cường tiếp thị quảng bá các sản phẩm dịch vụ trên địa bàn mình phụ trách.

Thông qua các hình thức huy động vốn, cán bộ phải trực tiếp gặp gỡ khách hàng để tư vấn, giải thích làm sao cho khách hàng là “thượng đế” tin tưởng vào thương hiệu Agribank.

Nhờ kết hợp bằng nhiều biện pháp, chi nhánh đã hoàn thành nhiệm vụ qua các năm; đưa mức tăng trưởng dư nợ, huy động vốn bình quân từ 17-20%/năm. Kết quả kinh doanh là chi nhánh liên tục giữ vững lá cờ đầu nhiều năm liền của Agribank Thừa Thiên Huế.

Điểm quan trọng nhất mà chi nhánh luôn thực hiện đó là nâng cao đạo đức, tư tưởng của cán bộ công nhân viên, giám sát, quản lý, nắm chắc các biểu hiện của từng cán bộ để có biện pháp giúp đỡ, ngăn chặn theo phương châm: “Trung thực, kỷ cương, chất lượng, sáng tạo, hiệu quả”.

Thực tế trong thời gian qua, đơn vị và tập thể cán bộ công nhân viên đều được các ban, ngành trên địa bàn và khách hàng tin tưởng, không có đơn thư khiếu nại tố cáo xảy ra.

Cùng với sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, hàng năm, ngoài sự tham gia đóng góp các quỹ 7 ngày lương do ngân hàng cấp trên phát động, chi nhánh và người lao động đã hỗ trợ cho các hội người mù, người tàn tật, ảnh hưởng chất độc da cam, học sinh nghèo vượt khó… thông qua các ban, ngành trên địa bàn thị xã Hương Thủy với tổng số tiền gần 200 triệu đồng/năm.../.

>> Agribank tiếp tục được Fitch Rating xếp hạng tín nhiệm mức B+ với triển vọng “Tích cực”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục