Ngành du lịch Philippines gặp khó sau quyết định đóng cửa Boracay

20:05' - 06/04/2018
BNEWS Ngành du lịch Philippines đang phải vật lộn xử lý khủng hoảng sau khi hòn đảo Boracay, vốn được xem là thiên đường nghỉ dưỡng của nước này, phải tạm thời đóng cửa.
Khách du lịch tại thiên đường nghỉ dưỡng Boracay, Philippines. AFP/TTXVN

Ngày 6/4, hàng trăm khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành ... đã phải hủy toàn bộ đặt phòng, vé bay, lễ cưới và các sự kiện khác. Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn và marketing Christine Ibarreta cho biết hàng trăm nghìn lượt đặt khách sạn và các dịch vụ du lịch khác trước 2 năm đã phải hủy, hoàn tiền hoặc đặt lại.

Chính phủ dự định triển khai cảnh sát, quân đội, lập các trạm kiểm soát tại các cảng để ngăn khách du lịch tới hòn đảo miền Trung nước này. Trong thời gian phục hồi Boracay, người dân Philippines sẽ có vé đi lại. Các hãng hàng không nội địa cũng giảm bớt các chuyến bay đến hòn đảo này.

Trong quá trình cải tạo lại hòn đảo, Philippines sẽ phá bỏ các cơ sở xây dựng bất hợp pháp, mở rộng thêm đường để giải quyết ùn tắc giao thông, chuyển taxi 3 bánh thành xe điện và xây dựng nhà máy xử lý chất thải thành năng lượng.

Chính phủ Philippines tuyên bố kế hoạch này là cần thiết để bảo vệ hòn đảo mang lại doanh thu lên tới 1 tỷ USD vào năm 2017, nhưng lại không đủ sức đáp ứng 2 triệu lượt khách/năm này.

Bộ Môi trường Philippines cũng đã ra cảnh báo vi phạm đối với các doanh nghiệp xả thải ra biển và yêu cầu phá hủy hơn 900 công trình xây dựng bất hợp pháp trong rừng và vùng đầm lầy. Khoảng 1.000 taxi ba bánh và ôtô sẽ chuyển thành xe điện. Tuy nhiên, chi tiết kế hoạch vẫn đang được thảo luận tại Bộ Năng lượng.

Thứ trưởng Môi trường Jonas Leones nhấn mạnh quá trình tái thiết Boracay có thể dài hơn 6 tháng và chi phí thực hiện vẫn chưa được xác định. Nhà chức trách cũng chưa hoàn tất kế hoạch xây dựng nhà máy xử lý chất thải thành năng lượng, vốn đem lại giải pháp lâu dài cho hòn đảo thải ra 90-115 tấn rác/năm này.

Tháng 2 vừa qua, Tổng thống Rodrigo Duterte cho rằng chính những khách sạn, nhà hàng và các doanh nghiệp khác trên Boracay đã làm môi trường của hòn đảo này bị ô nhiễm nghiêm trọng khi xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý xuống biển thông qua các hệ thống thoát nước hiện nay.

Cụ thể, khoảng 300 doanh nghiệp được cho là đã phớt lờ các quy định về vệ sinh môi trường, trong đó 51 doanh nghiệp đã nhận được cảnh báo chính thức từ chính quyền.

Ngày 4/4, người phát ngôn của Tổng thống Philippines Harry Roque cho biết Tổng thống đã ra lệnh đóng cửa "thiên đường" du lịch này từ ngày 26/4 tới.

Theo giới chức Philippines, dù biết rõ thiệt hại từ việc đóng cửa "thiên đường" du lịch Boracay, song họ vẫn phải áp dụng biện pháp cứng rắn này nhằm khôi phục hệ sinh thái biển cho hòn đảo. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

Ước tính mỗi năm hòn đảo này thu thút tới 2 triệu lượt du khách và đóng góp tới 20% doanh thu cho ngành du lịch. Việc đóng cửa hòn đảo này sẽ tác động mạnh đến ngành du lịch, khiến khoảng 17.000 nhân viên làm trong các khu nghỉ dưỡng sẽ mất việc làm./.

>>>Tạm ngừng khai thác "thiên đường" nghỉ dưỡng Boracay

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục