Ngành sữa hướng tới phát triển bền vững

07:00' - 07/06/2017
BNEWS Ngành sữa Việt Nam đang từng bước phát triển bền vững theo hướng hiện đại, đồng bộ từ sản xuất nguyên liệu đến thành phẩm, có khả năng cạnh tranh để chủ động hội nhập với khu vực và thế giới.
Khu vực chăn thả tự do dành cho đàn bò 500 con tại trang trại Vinamilk Organic Đà Lạt. Ảnh: Phạm Kha – TTXVN

* Những bước phát triển của ngành sữa Việt Nam

Thực tế cho thấy, sữa và các sản phẩm từ sữa là những thực phẩm quan trọng cung cấp dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển của con người và ngành sữa đã và đang đóng góp tích cực vào nền kinh tế của đất nước với mức tăng trưởng nhanh chóng, năm sau luôn cao hơn năm trước, trung bình từ 15-17%/ năm.

Hiện nay, ngành sữa Việt Nam cũng đang từng bước phát triển bền vững, theo hướng hiện đại, đồng bộ từ sản xuất nguyên liệu đến thành phẩm, có khả năng cạnh tranh để chủ động hội nhập với khu vực và thế giới, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của xã hội.

Theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được Bộ Công Thương phê duyệt ngày 28-6-2010: năm 2015 Việt Nam sản xuất 1,9 tỷ lít sữa tươi, mức tiêu thụ đạt trung bình 21lít/người/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 90-100 triệu USD. Đến năm 2020 sản xuất 2,6 tỷ lít, mức tiêu thụ 27lít/ người/ năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 120-130 triệu USD và đến năm 2025 sản xuất 3,4 tỷ lít, mức tiêu thụ 34 lít/người/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 150-200 triệu USD.

Hiện nay, mức tiêu thụ sữa ở Việt Nam năm 2015 đạt 23 lít/người, 2016 đạt 24lít/người và năm 2017 dự kiến sẽ đạt 26 lít/người.

* Quả ngọt đem lại từ chương trình “Sữa học đường”

Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết thực trạng khẩu phần ăn của người Việt Nam hiện đang thiếu canxi trầm trọng: Mức đáp ứng nhu cầu canxi chỉ 60%, dẫn tới việc thiếu canxi trường diễn. Trẻ suy dinh dưỡng thấp còi chỉ đạt mức 49% nhu cầu canxi khuyến nghị, do vậy mới có chuyện các cháu có chiều cao rất hạn chế, ảnh hưởng đến thể lực và sức bền của người Việt Nam.

Cũng theo bà Mai, theo khảo sát năm 2015 cho thấy, 47,6% tỷ lệ người thiếu canxi có nguy cơ dẫn đến tăng huyết áp. Cũng vì lý do này khiến tỷ lệ ung thư đại trực tràng tăng gấp 2 lần… Do đó, để bổ sung canxi, theo bà Mai mọi người cần sử dụng sữa và các chế phẩm sữa.

“Chúng ta đang thiếu 40% nhu cầu canxi, trong khi đó sữa đáp ứng đầy đủ canxi mà các loại thức ăn từ động vật, thực vật khó lấy được. Do vậy, mọi người nên uống sữa để bổ sung canxi nhằm tăng mật độ rắn chắc cho xương và đề phòng được những bệnh mạn tính…”, bà Mai cho biết.

Trong khi đó, theo kết quả tổng điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2010 thì chiều cao trung bình của người Việt Nam là 164,4 cm đối với nam và 153,4 cm đối với nữ thấp hơn nhiều so với Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc… Nguyên nhân chủ yếu là do chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, đặc biệt là khẩu phần ăn canxi thấp, diễn ra trong thời gian dài của người Việt Nam.

Từ hơn 100 năm trước, chương trình Sữa học đường đã được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) kêu gọi và ủng hộ rộng rãi nhằm giúp trẻ em bổ sung chất dinh dưỡng để phát triển về thể chất lẫn trí tuệ. Chính nhờ kiên trì áp dụng chương trình mà Nhật Bản đã tăng chiều cao trung bình của nam thanh niên từ mức 1m50, thấp gần nhất châu Á, lên mức 1m72 như hiện nay. Điều này cho thấy đây chính là mô hình lý tưởng cho Việt Nam.

Ở nước ta sau nhiều năm kiên trì, Sữa học đường đã bắt đầu cho quả ngọt với tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm mạnh trên các tỉnh, thành phố thực hiện chương trình. Đây là dấu hiệu cho thấy chiến lược cải thiện tầm vóc và thể trạng người Việt đã tìm đúng hướng đi.

Cụ thể, Sữa học đường được thực hiện lần đầu tiên tại Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2007, Bắc Ninh năm 2013 và Đồng Nai năm 2014 nhằm đảm bảo cho học sinh mầm non và tiểu học được uống sữa thường xuyên và đồng đều. Cho đến nay, trong lúc tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, thấp còi trên toàn quốc vẫn còn ở ngưỡng báo động là 25% (Viện Dinh Dưỡng, 2015), thì tỷ lệ này ở các tỉnh tham gia Sữa học đường đã giảm ấn tượng.

Với Bà Rịa-Vũng Tàu, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi chỉ còn 2.7% năm 2015. Tại Bắc Ninh, tỷ lệ này chỉ còn 3.8%. Tại Đồng Nai, đơn vị thực hiện Sữa học đường với quy mô lớn nhất, chương trình cũng đã giúp giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi xuống 7.5% sau 3 năm thực hiện.

Bên cạnh đó, chương trình cũng đã giúp các bậc phụ huynh nắm rõ hơn về tầm quan trọng của nguồn dinh dưỡng từ sữa, và sự chung tay của các hãng sữa uy tín như Vinamilk cũng giúp phụ huynh yên tâm về nguồn gốc và chất lượng sữa con uống tại trường, đồng thời giảm bớt gánh nặng chi phí mua sữa… Phát huy những kết quả đạt được, để góp phần nâng cao tầm vóc Việt Nam và để thực hiện “Đề án tổng thể phát triển thể lực tầm vóc Việt Nam giai đoạn 2011-2030” thì một trong những nội dung ưu tiên là xây dựng Chương trình sữa học đường cho trẻ mẫu giáo và tiểu học.

Ngày 8-7-2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến 2020” tại Quyết định số 1340/QĐ-TTg. Theo đó, một trong số các mục tiêu phấn đấu là đáp ứng nhu cầu sắt, canxi, vitamin D của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thêm 30% vào năm 2020. Đến năm 2020, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,6%/năm; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,7%/năm.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục