Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu - Bài 1: Chính sách đặc thù

17:10' - 19/06/2017
BNEWS Xử lý nợ xấu không còn là câu chuyện riêng của ngành ngân hàng mà đã trở thành vấn đề cấp bách và cần ban hành chính sách đặc thù để giải quyết.

Câu chuyện này làm “nóng” nghị trường Quốc hội những ngày qua khi các nhà lập pháp đang bàn bạc để ra một Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu.

Quốc hội họp phiên toàn thể. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN

Bài 1: Chính sách đặc thù để giải quyết vấn đề cấp bách

Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho biết, đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo rất sát sao hoạt động xử lý nợ xấu và bán tài sản bảo đảm, nhưng do nhiều ràng buộc về các văn bản pháp luật khác nhau nên Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cũng mới chỉ xử lý được khoảng 10% tổng số nợ xấu mua về.

Theo báo cáo mới nhất của các tổ chức tín dụng (tháng 9/2016), tổng số nợ xấu nội bảng bao gồm cả nợ bán cho VAMC vào khoảng 400.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 5,8%/tổng dư nợ.

“Số lượng nợ xấu lớn như vậy đe dọa nghiêm trọng không chỉ hệ thống tài chính mà toàn bộ hệ thống an ninh tiền tệ quốc gia. Trong tình huống này, chúng ta buộc phải có những quyết định rất đặc thù”, Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cũng dẫn chứng, Nghị quyết 05 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về một số vấn đề kinh tế - xã hội lần đầu tiên đã có lưu ý về đảm bảo quyền lợi hợp pháp của chủ nợ.

Thực hiện Nghị quyết của Trung ương và ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, các cơ quan chuyên môn đã dự thảo một văn bản pháp quy để xử lý tình huống đột xuất này. Có thể nói đây là sáng kiến lập pháp của các cơ quan của Quốc hội, thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa các cơ quan điều hành và cơ quan lập pháp.

Cùng quan điểm này, Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng mặc dù Chính phủ đã có đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng từ năm 2011 nhưng kết quả đạt được vẫn còn khá khiêm tốn. Chủ yếu là do nguồn lực tài chính hạn hẹp, không có nguồn lực tài chính tập trung đủ lớn để giải quyết nhanh nợ xấu.
Mặt khác, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được hành lang pháp lý đủ mạnh để xử lý nợ xấu nhanh và hiệu quả.
Vị chuyên gia này phân tích, về cơ bản, việc xử lý nợ xấu cho đến nay dựa chủ yếu vào nguồn lực tài chính của hệ thống ngân hàng mà chủ yếu là thu hồi nợ, phát mại tài sản bảo đảm hoặc sử dụng dự phòng rủi ro được trích lập từ kết quả kinh doanh của chính các ngân hàng thương mại.

Cho đến nay, các ngân hàng thương mại đã tự xử lý được khoảng 250.000 tỷ đồng nợ xấu. Đây là những nỗ lực rất đáng ghi nhận của hệ thống ngân hàng, tuy nhiên điều này cũng khiến cho nền tảng tài chính của họ bị suy giảm nghiêm trọng.

Thống đốc Lê Minh Hưng cũng khẳng định, nợ xấu luôn tiềm ẩn và phát sinh hàng ngày với hoạt động của các tổ chức tín dụng. Chính vì vậy, về bản chất, hoạt động của các tổ chức tín dụng rất dễ rủi ro và xảy ra do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tính trung bình trong những năm qua thì nợ xấu phát sinh thêm hàng năm là từ 1,3 - 1,5%.
Người đứng đầu ngành ngân hàng phân tích, một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tiếp tục gia tăng là các khó khăn, vướng mắc trong các quy định hiện hành.
Nếu nghị quyết mà có cơ chế về mặt pháp lý để tháo gỡ những khó khăn hiện tại thì mới đủ cơ sở cũng như phạm vi về thời gian nhằm xử lý một cách triệt để các khoản nợ xấu và các khoản nợ mà theo đánh giá về bản chất là nợ xấu khi đến hạn.
Tiến sỹ Võ Trí Thành cho biết, xử lý nợ xấu là một cấu phần cực kỳ quan trọng trong tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Thị trường mong đợi việc có đủ khung khổ pháp lý để thực thi đồng thời cả hai quá trình đó.

Tiến sĩ Võ Trí Thành: Xử lý nợ xấu là một cấu phần cực kỳ quan trọng trong tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Ảnh: kiemtoan.com

"Tuy nhiên, việc không đặt ra Luật Hỗ trợ tái cơ cấu, xử lý nợ xấu mà trước mắt thay bằng Nghị quyết Xử lý nợ xấu,theo tôi là hợp lý nhằm thực hiện mục tiêu trọng tâm của chúng ta là làm sao xử lý nhanh, quyết liệt nợ xấu. Bước tiếp theo sẽ là xem xét sửa Luật, điều này chắc sẽ đòi hỏi thời gian hơn”, Tiến sỹ Võ Trí Thành nói.

Tiến sỹ Võ Trí Thành cũng khẳng định: “Không phải đến bây giờ chúng ta mới đề cập đến vấn đề cần phải có một văn bản pháp lý đặc thù để xử lý nợ xấu, mà nó đã được nói khá nhiều trong vài năm trước. Và đến bây giờ chúng ta không thể trì hoãn được, phải nhanh chóng triển khai đưa vào cuộc sống”.

Vị chuyên gia này đưa ra hai lý do cơ bản cho nhận định của mình. Thứ nhất, dù có bước tiến, xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn chưa đủ thực chất; vấn đề nợ xấu còn nghiêm trọng, gây nhiều hệ lụy xấu đến nền kinh tế. Lý do thứ hai là càng xử lý chậm, phí tổn phát sinh càng cao.

“Bất cứ một nước nào đều phải trả giá khi xử lý vấn đề nợ xấu. Giá đắt hay rẻ còn tùy thuộc tính chất nghiêm trọng cũng như cách thức xử lý và nguồn lực có được của nước đó”, ông Võ Trí Thành nói./.

>>>Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu - Bài 2: Phá "băng" cho khối tài sản khổng lồ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục