Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu - Bài 2: Phá "băng" cho khối tài sản khổng lồ

17:14' - 19/06/2017
BNEWS Có thể khẳng định, một trong những điểm “vướng” lớn nhất trong câu chuyện phá "tảng băng" nợ xấu lâu nay là xử lý tài sản đảm bảo.
Phá "băng" cho khối tài sản khổng lồ. Ảnh minh họa: Quang Phúc

Theo Tiến sỹ Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, ở Việt Nam xử lý nợ xấu còn chịu ảnh hưởng rất đáng kể của việc xử lý tài sản đảm bảo, sự hồi phục kinh tế và cả của thị trường bất động sản.

Khung khổ pháp lý hiện nay trong chừng mực nhất định đã tác động không nhỏ đến tốc độ xử lý tài sản đảm bảo. Quá trình này diễn ra rất chậm và gây cho các ngân hàng nhiều khó khăn xử lý nợ xấu.

Vị chuyên gia này dẫn chứng, câu chuyện xử lý nợ xấu nói nhiều vẫn chưa xử lý được một cách thực sự có ý nghĩa.

Đó là vấn đề nâng cao “quyền lực” cùng “pháp lực”, “nguồn lực” của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) và các tổ chức tín dụng. Những điều này có không ít điểm vượt ngoài khuôn khổ có thể xử lý được của Ngân hàng Nhà nước.

Cùng quan điểm này, Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cho đến nay việc xử lý nợ xấu tại các ngân hàng thương mại và tại VAMC cần phải vượt qua những rào cản pháp lý.

Ví dụ như việc thu hồi tài sản bảo đảm, việc phát mại tài sản, việc thi hành án, việc tìm kiếm các nhà đầu tư mới để bổ sung vốn tự có, việc hạch toán ngoại bảng, việc xoá nợ bằng dự phòng rủi ro.

“Những trở ngại pháp lý này đang khiến cho quá trình xử lý nợ xấu diễn ra chậm chạp, không hiệu quả, thậm chí làm lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng rất lớn đến nền tảng tài chính, khả năng mở rộng tín dụng và sức chống đỡ rủi ro của các ngân hàng thương mại, đồng thời cũng ảnh hưởng đến việc giảm lãi suất, giảm chi phí đầu tư tài chính và khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Lê Xuân Nghĩa nói.

Còn theo Luật sư Nguyễn Thị Phương , Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng, thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm thời gian qua cho thấy, nếu tiếp tục duy trì cơ chế xử lý như hiện nay thì thời gian xử lý tài sản bảo đảm chắc chắn sẽ còn kéo dài, các thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm có nguy cơ bị bội tín do phụ thuộc vào sự thiện chí của chủ sở hữu tài sản.
Cùng với đó, quyền xử lý tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng thiếu hiệu lực và hiệu quả. Điều này đã ảnh hưởng đến mục tiêu thúc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm và làm tăng “sức ép” đối với hệ thống tòa án, cũng như tăng chi phí xã hội do phải thụ lý nhiều các tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo.
“Để tháo băng cho một khối lượng tài sản khổng lồ, khơi thông, quay vòng nguồn vốn, đòi hỏi bắt buộc phải có sự thay đổi về cách nghĩ và cách làm không chỉ của ngành ngân hàng, ngành tòa án, của giới hành nghề luật mà phải là sự thay đổi, nhìn nhận của cả xã hội mà trước mắt, mong mỏi hơn cả là dự thảo Nghị định về giao dịch bảo đảm cho Bộ Tư pháp chủ trì trình Chính phủ trong thời gian tới”, Luật sư Phương chia sẻ.

Ở góc độ trực tiếp thực thi, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (Vietcombank) cũng nhìn nhận, thực tiễn qua nhiều năm cho thấy số lượng và giá trị thu hồi từ biện pháp xử lý tài sản đảm bảo còn thấp, thời gian xử lý kéo dài chưa tương xứng với giá trị tài sản nhận bảo đảm.

Bên cạnh nguyên nhân từ sự thiếu hợp tác của khách hàng thì những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành về tài sản thế chấp đã làm giảm hiệu quả xử lý tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng.

Ông Hà Sỹ Vịnh , Phó Giám đốc Trung tâm phòng ngừa và xử lý rủi ro Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhìn nhận, trên thực tế hiện nay quyền xử lý tài sản bảo đảm bảo của tổ chức tín dụng bị hạn chế. Thậm chí bị vi phạm dẫn đến việc xử lý tài sản gặp nhiều khó khăn như Tổ chức tín dụng không được quyền tự xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận tại hợp đồng thế chấp. Chính vì vậy, cần sớm ban hành Luật và các văn bản pháp luật về xử lý nợ xấu

Cần sớm ban hành Luật và các văn bản pháp luật về xử lý nợ xấu.Ảnh minh họa: Quang Phúc

Còn theo đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), trong hoạt động xử lý tài sản đảm bảo, việc thu giữ, bán, sang tên, hạch toán thu nợ một số tài sản đảm bảo kéo dài hàng năm trời.

Cá biệt có không ít trường hợp phiên đấu giá thành tài sản đã diễn ra từ năm 2013 nhưng đến nay tài sản vẫn chưa được sang tên cho bên trúng đấu giá.

Thực tế đã chứng minh, hoạt động xử lý tài sản đảm bảo gặp khó khăn hơn do chính quyền địa phương không đồng thuận. Và đến nay, hàng trăm tài sản bảo đảm nằm "phơi sương" mà tổ chức tín dụng không làm gì được.

Trong một vài năm tới, nhiều khoản nợ xấu từ VAMC lại được trả về cho các ngân hàng thương mại trong khi các ngân hàng này hiện tại đang chật vật để xử lý các khoản nợ xấu chưa bán cho VAMC thì những khó khăn về xử lý nợ xấu và tái cấu trúc của các ngân hàng này sẽ tăng lên gấp bội. Điều đó có thể làm ảnh hưởng đến an toàn tài chính của cả hệ thống ngân hàng.

Vì vậy, giới chuyên gia kiến nghị hơn lúc nào hết các cơ quan quyền lực nhà nước cần phải có quyết tâm chính trị đủ mạnh để vượt qua tư duy làm luật kiểu cũ, xây dựng nhanh một hành lang pháp lý riêng làm nền tảng cho các ngân hàng thương mại thực hiện thành công tiến trình xử lý nợ xấu như đã được đề ra trong đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng của Chính phủ.

Đây cũng là giải pháp duy nhất để đảm bảo cho việc ổn định vững chắc toàn bộ khu vực tài chính và góp phần quyết định vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, hướng đến tăng trưởng bền vững của Việt Nam trong những năm tới./.

>>>Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu - Bài 1: Chính sách đặc thù

>>>Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu - Bài cuối: Sự “ưu ái” cần thiết cho cả nền kinh tế

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục