Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu - Bài cuối: Sự “ưu ái” cần thiết cho cả nền kinh tế

17:22' - 19/06/2017
BNEWS Dự thảo Nghị quyết đã được Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV xem xét và kỳ vọng sẽ được thông qua trong kỳ họp này.
Sự “ưu ái” cần thiết cho cả nền kinh tế. Ảnh minh họa: Quang Phúc

Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho hay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Ủy ban Kinh tế đã nhất trí về sự cần thiết sớm ban hành một Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu.

Dự thảo Nghị quyết đã được Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV xem xét và kỳ vọng sẽ được thông qua trong kỳ họp này.

“Hy vọng, Nghị quyết này có thể giải toả được tất cả những vấn đề nóng của các tổ chức tín dụng trong 4 năm vừa qua từ thực tế điều hành nền kinh tế đất nước.

Từ đó, làm lành mạnh hoạt động của các tổ chức tín dụng, ổn định thị trường tiền tệ, góp phần giảm lãi suất cho vay, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập”, ông Nguyễn Đức Kiên nói.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến băn khoăn rằng việc ra một Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu phải chăng là một sự “ưu ái” cho ngành ngân hàng?

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, việc thông qua một Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu không phải là sự ưu ái cho ngành Ngân hàng, mà là sự “ưu ái” cần thiết cho cả nền kinh tế. Nguyên tắc ở đây là quyền hạn, cách làm quyết liệt hơn đi đôi với giải trình và giám sát minh bạch.

Khẳng định của cơ quan soạn thảo cũng cho thấy Nghị quyết không tạo bất cứ lạm quyền hay ưu ái cho tổ chức tín dụng, Thống đốc Lê Minh Hưng dẫn chứng, Ngân hàng Thế giới cũng đã nhiều lần kiến nghị hệ thống pháp luật của Việt Nam nên tăng quyền hơn nữa cho bên cho vay.
Bởi vậy bên cạnh quy định quyền hợp pháp chính đáng người đi vay, thì quyền hợp pháp chính đáng của bên cho vay cũng cần phải được pháp luật ghi nhận và bảo vệ.
Cũng theo Tiến sỹ Võ Trí Thành , đến thời điểm này, không chỉ có ngân hàng, giới đầu tư, các chuyên gia mà Chính phủ, Quốc hội cũng nhận thấy cần thiết phải ban hành một Nghị quyết riêng để xử lý nợ xấu và cần được xem xét thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV.
Tiến sỹ Võ Trí Thành phân tích bài học kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, muốn xử lý nợ xấu hiệu quả cần phải có cam kết chính trị mạnh mẽ, đủ nguồn lực, khuôn khổ pháp lý thích hợp và cơ quan thực thi mạnh.
Một điều quan trọng là bên cạnh sự quyết liệt mạnh mẽ cũng cần có giải trình minh bạch, tạo đồng thuận xã hội tốt hơn.

Bởi vì nợ xấu liên quan đến rất nhiều trách nhiệm gây ra nợ xấu và những phí tổn, lợi ích của các bên liên quan trong xã hội.

“Đối với Việt Nam, phải khẳng định rằng, quá trình xử lý ngân hàng yếu kém, nợ xấu rất khó khăn không chỉ do vấn đề nội tại nền kinh tế mà cả về nguồn lực.

Song có lẽ khó khăn lớn nhất là nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này cùng với việc có được một khung khổ pháp lý thích đáng”, ông Võ Trí Thành nhìn nhận.

Thực tế, khi nợ xấu lớn có nguy cơ gây đổ vỡ hệ thống ngân hàng, nếu không có sự can thiệp từ các nguồn lực khác nhau mà để tự các ngân hàng thương mại xử lý thì vô cùng khó khăn.

Nhìn rộng ra thế giới, quốc gia nào cũng vậy, nếu phải đối mặt với tình trạng nợ xấu nghiêm trọng đều cần có tác nhân bên ngoài hệ thống, chẳng hạn như thành lập tổ chức chuyên biệt nào đó để xử lý nợ xấu.

Một cơ quan như vậy trước hết phải có đủ quyền lực, nguồn lực. Cùng với đó, cơ quan đó đóng vai trò quan trọng trong thị trường mua bán nợ được hình thành và phát triển.

Theo giới chuyên gia, để Nghị quyết đi vào cuộc sống hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước giữ vai trò cực kỳ quan trọng với tư cách là người thực thi chính sách tiền tệ,. Đây sẽ là một trong những thành viên chủ chốt trong giám sát và đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính ngân hàng cũng như thúc đẩy cải cách, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Song điều ấy không có nghĩa chỉ là Ngân hàng Nhà nước. Xử lý nợ xấu, nhất tài sản đảm bảo liên quan đến bất động sản, đất đai, thuế, phí… lại gắn thủ tục quy trình pháp lý thuộc phạm vi điều chỉnh các Luật, của nhiều Bộ ngành khác nhau.

“Yếu tố then chốt là cần phải có cam kết chính trị ở cấp cao nhất. Như thời điểm này Bộ Chính trị, Chính phủ và Quốc hội cũng thấy vấn đề xử lý nợ xấu cần được đẩy nhanh, triển khai quyết liệt.

Với tinh thần như vậy, các Bộ ngành liên quan, đặc biệt là Thủ trưởng các bộ ngành phải rất quyết liệt trong thực thi trách nhiệm đảm bảo xử lý nợ xấu một cách hiệu quả”, Tiến sỹ Võ Trí Thành bày tỏ.

Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho rằng, với những biện pháp quyết liệt như vậy cùng sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan sẽ phấn đấu đạt mục tiêu của Quốc hội đề ra trong xử lý và kiểm soát nợ xấu.
“Chúng tôi tin chắc với việc xử lý nợ xấu theo cơ chế cho phép của Nghị quyết này thì chi phí tài chính giảm và chắc chắn lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ giảm. Như vậy, hệ số an toàn vốn, tỷ lệ an toàn vốn của các tổ chức tín dụng được gia tăng, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng trong thời gian tới”, người đứng đầu ngành ngân hàng khẳng định./.
>>>Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu - Bài 1: Chính sách đặc thù

>>>Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu - Bài 2: Phá "băng" cho khối tài sản khổng lồ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục