Người dân Hà Lan phản đối luật cho phép theo dõi thư điện tử và dữ liệu trực tuyến

21:52' - 29/03/2018
BNEWS Ngày 29/3, Hội đồng bầu cử Hà Lan công bố kết quả chính thức của cuộc trưng cầu ý dân về đạo luật mở rộng quyền hạn của các cơ quan an ninh.
Người dân Hà Lan phản đối luật cho phép theo dõi thư điện tử và dữ liệu trực tuyến. Ảnh minh họa: TTXVN
Ngày 29/3, Hội đồng bầu cử Hà Lan công bố kết quả chính thức của cuộc trưng cầu ý dân về đạo luật mở rộng quyền hạn của các cơ quan an ninh, theo đó hàng triệu người dân Thụy Sĩ tham gia bỏ phiếu đã nói "không" với đạo luật này. 

Cụ thể, trong số hơn 6 triệu cử tri Hà Lan tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân hồi tuần trước, có 49,6% phản đối đạo luật cho phép giới chức an ninh theo dõi thư điện tử và dữ liệu trực tuyến của người dùng mạng, so với 46,5 % ý kiến ủng hộ. 

Phát biểu họp báo, Hội đồng bầu cử Hà Lan cho biết kết quả cuộc trưng cầu ý dân đồng nghĩa với việc Chính phủ Hà Lan sẽ phải xem xét lại đạo luật dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/5 tới. 

Mặc dù cuộc trưng cầu ý dân này không mang tính ràng buộc về pháp lý, song Thủ tướng Mark Rutte (Mác Rút) - vốn ủng hộ đạo luật mở rộng quyền do thám của các cơ quan an ninh, cho biết sẽ xem xét kết quả trưng cầu. 

Cuộc trưng cầu ý dân nói trên được tổ chức vào ngày 21/3 vừa qua, cùng thời điểm diễn ra các cuộc bầu cử hội đồng các địa phương ở Hà Lan. Những người phản đối đạo luật lo ngại nhà chức trách có thể lạm quyền khi được phép tiếp cận thư điện tử và thông tin cá nhân trên mạng. Trong khi đó, những tiếng nói ủng hộ cho rằng việc này sẽ tăng cường khả năng của các cơ quan an ninh trong việc theo dõi các tổ chức khủng bố nguy hiểm. 

Cuộc trưng cầu ý dân tại Hà Lan về quyền theo dõi thư điện tử và dữ liệu trực tuyến diễn ra trong bối cảnh bảo mật thông tin cá nhân trên mạng xã hội đang trở thành đề tài gây tranh cãi khi mới đây có thông tin cho rằng công ty phân tích dữ liệu của Anh Cambridge Analytica đã thu thập và sử dụng trái phép dữ liệu của khoảng 50 triệu người dùng Facebook. Vụ việc đã khiến trang mạng xã hội đình đám Facebook đối mặt với "búa rìu" dư luận, cũng như chịu sức ép điều tra từ cả giới chức Anh, Mỹ và châu Âu./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục