Xuân trên các làng nghề truyền thống

13:11' - 22/01/2017
BNEWS Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán 2017, tại các làng nghề thủ công mỹ nghệ, những nghệ nhân dường như chạy đua với thời gian để sản xuất các sản phẩm hàng hóa có chất lượng, phục vụ người dân.

Tất bật làm hương phục vụ ngày Tết.

Làng mộc Việt Tiến, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao những ngày cuối năm đầy ắp hàng hóa với đủ các loại sản phẩm. Khách hàng từ khắp nơi tấp nập vào ra để tận mắt chiêm ngưỡng những bức hoành phi, câu đối, những bộ sập gụ, tủ chè, đồ gia dụng và để giục giã chủ hàng nhanh tay hoàn thiện đơn hàng cho kịp mang về chơi Tết.

Ông Bùi Văn Ngọ, khu 1, xã Tứ Xã chia sẻ, không khí làm việc trong các hộ ở Việt Tiến hết sức khẩn trương; thợ trẻ thì cưa xẻ gỗ, các bác thợ cả thì chuyên tâm đục đẽo, chạm trổ tạo hình, các cô, các chị nhanh tay chà, đánh bóng cho sản phẩm. Mỗi người một việc, một công đoạn nên làng nghề thu hút được hầu hết lao động địa phương tham gia.

Những bộ đồ thờ, bàn ghế, những chiếc tủ được gia công công phu, những chiếc giường nhiều kiểu dáng cũng đang được hoàn thiện những khâu cuối cùng... Mùi thơm của các loại gỗ cùng với những hình tiết, hoa văn ấn tượng khiến người xem mải mê không chán mắt.

Ông Ngọ chia sẻ thêm, càng về cuối năm, các đơn đặt hàng càng nhiều do tâm lý mua sắm chuẩn bị cho dịp Tết. Nhiều gia đình cũng chọn thời điểm này để khánh thành và trang trí nhà cửa nên chúng tôi phải thuê thêm thợ để sản xuất nhanh hơn.

Cũng chính vì thế mà việc sản xuất ra những sản phẩm cũng được nhanh hơn mà vẫn phải bảo đảm cả về chất lượng và mẫu mã để giữ uy tín cho sản phẩm và thương hiệu làng nghề. Hiện nay, làng mộc Việt Tiến có khoảng 300 hộ tham gia làm nghề mộc với gần 700 lao động; trong đó có trên 30 hộ sản xuất lớn có số vốn từ 700 triệu đồng đến vài tỷ đồng, đã tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Không chỉ ở những làng nghề thủ công mỹ nghệ, ở những làng nghề chế biến nông lâm sản cũng cảm thấy mùa xuân đang đến rất gần. Về làng chế biến mỳ, bún, bánh Thạch Đê, xã Hiền Đa, huyện Cẩm Khê những ngày này, nhà nhà đều đang tích cực chuẩn bị hàng cho dịp Tết.

Từ đầu làng đã thấy những khoảng đất trống, sân vườn được thiết kế riêng, bắc giàn cao để làm nơi phơi mỳ. Làng nghề có từ nhiều năm, nhiều thế hệ đã đi qua với biết bao biến cố song bí quyết sản xuất mỳ, bún vẫn được lưu truyền từ năm này qua năm khác, các thế hệ con cháu tiếp nối và phát huy những gì ông cha để lại cho tới bây giờ.

Ông Bùi Đức Việt, Bí thư Đảng ủy xã Hiền Đa cho biết, nghề chế biến mỳ, bún, bánh ở Hiền Đa hiện có trên 100 hộ làm nghề. Sản phẩm mỳ từ đây được phân phối đi khắp nơi, lượng khách đặt hàng ngày càng tăng.

Túc tắc làm nghề quanh năm, ngày thường mỗi gia đình làm 1 đến 2 tạ gạo nhưng vào vụ Tết thì sản lượng mỗi ngày phải tăng lên gấp đôi. Nghề đã mang lại cuộc sống no đủ cho nhiều hộ dân, thu nhập bình quân của lao động làm nghề đạt từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng.

Còn làng Thượng - làng nghề trồng hoa duy nhất ở xã Tiên Du, huyện Phù Ninh với nhiều loại hoa đẹp, phong phú đã đáp ứng nhu cầu chơi hoa Tết của người dân Phú Thọ. Ông Nguyễn Văn Viễn, một trong những hộ trồng hoa lớn nhất khu 6 cho hay, để có những cành hoa đẹp nhất đến tay người mua, người trồng hoa không chỉ đầu tư tiền của và công sức mà quan trọng hơn cả là cái tâm của người trồng hoa.

Gia đình ông năm nay trồng hơn 2 sào hoa cúc các loại, tương đương với hơn 30.000 gốc, ngoài ra gia đình còn trồng thêm hoa lay ơn, hoa hồng. Mỗi năm, nghề trồng hoa đem lại thu nhập cho gia đình ông khoảng 30 - 50 triệu đồng...

Năm 2009, làng Thượng được công nhận là làng nghề trồng hoa của xã Tiên Du. Trước đó, chỉ có một số ít hộ trồng hoa trên đất vườn, đất ruộng thay cho trồng rau, trồng màu. Nhờ hiệu quả kinh tế cao nên người dân chuyển sang trồng chuyên canh hoa và dần thay thế cho rau màu.

Năm nay, làng hoa xã Tiên Du có trên 2,5ha chuyên canh trồng hoa để phục vụ thị trường Tết. Diện tích trồng hoa của xã tập trung chủ yếu ở khu 6, với gần 60 hộ.

Nghề trồng hoa được xem là nghề thu nhập chính, đem lại cuộc sống sung túc, ấm no cho người dân ở đây. Đến hết năm 2016, tỉnh Phú Thọ có 69 làng nghề với trên 30.000 lao động tham gia hoạt động, tổng doanh thu ước đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Ông Vũ Quốc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết, các làng nghề ở Phú Thọ chủ yếu là nghề thủ công mỹ nghệ, chế biến nông lâm sản, vật liệu xây dựng, sinh vật cảnh.

Các làng nghề có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, góp phần phá vỡ thế thuần nông, mở ra khả năng phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp một cách hợp lý.

Điều đáng ghi nhận tại các làng nghề trong năm qua là nỗ lực vượt khó để duy trì sản xuất. Bằng sự linh hoạt, thích ứng với thị trường, nhiều làng nghề vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá, góp phần tạo công việc ổn định cho lao động địa phương, góp phần làm cho hương sắc mùa xuân thêm sôi động, rực rỡ hơn./.

>>>  Nhộn nhịp làng bánh chưng ngày Tết

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục