Nguy cơ gia tăng ngộ độc thực phẩm trong trường học

07:59' - 08/05/2016
BNEWS Ngộ độc thực phẩm trong trường học đang là nỗi lo của các phụ huynh học sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ 4 tháng đầu năm 2016 đã có 2 vụ ngộ độc thực phẩm làm 98 học sinh phải nhập bệnh viện cấp cứu.

Làm gì để các bữa ăn của trẻ được an toàn đang là vấn đề đặt ra cấp thiết với các nhà trường và ngành giáo dục thành phố.

Ngộ độc từ suất ăn sẵn chiếm tỷ lệ cao

Phần lớn các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố nói chung, các trường tiểu học nói riêng đều có liên quan đến cơ sở cung cấp thức ăn sẵn; trong khi đó công tác tự kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm của các trường còn chưa được quan tâm đúng mức.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2012 - 2016 trên địa bàn đã xảy ra 25 vụ ngộ độc, trong đó có 13 vụ ngộ độc thực phẩm do cơ sở cung cấp suất ăn sẵn gây ra.

Nguyên nhân phần lớn là do thực phẩm bị nhiễm khuẩn gây nên, chiếm tới 52% so với các nguyên nhân khác (hóa lý, độc tố tự nhiên…). Việc vi sinh vật có hại xuất hiện trong thức ăn là do quy trình, dụng cụ chế biến và con người tham gia chế biến không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngộ độc thực phẩm trong trường học đang là nỗi lo của các phụ huynh học sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: TTXVN

“Đầu bếp không tuân thủ các quy định trong quá trình chế biến (rửa tay trước chế biến thức ăn, không phân biệt dụng cụ dùng cho thực phẩm tươi sống, thực phẩm chín…) là những nguyên nhân chính gây nên ngộ độc thực phẩm.

Hơn nữa, tại các trường học nhận các suất ăn sẵn lại không có đủ điều kiện để bảo quản thực phẩm được chuyển đến.

Chẳng hạn, như chỗ tiếp nhận các suất ăn gần nhà vệ sinh cũng như không có nước rửa tay cho các nhân viên phục vụ bữa ăn trưa cho học sinh. Vào giờ ăn, nhân viên phục vụ bữa ăn lại không hướng dẫn học sinh rửa tay trước khi ăn” – bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

Ông Phạm Thành Long, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm: Các trường do quá ỉ lại vào công ty thầu nấu nên không kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm khi nhận các suất ăn sẵn.

Mặc dù Sở Giáo dục và đào tạo đã ban hành các văn bản yêu cầu các trường thực hiện tự kiểm tra an toàn vệ thực phẩm trong trường học nhưng hiện có khoảng 70% đơn vị thực hiện tự kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bên cạnh đó, khâu kiểm tra giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường cần người có chuyên môn nhưng những năm gần đây do quy định tạm dừng tuyển nhân viên y tế nên rất nhiều trường thiếu cán bộ có trình độ để giảm sát nhận biết thực phẩm an toàn như thế nào. Đây là một khó khăn cho các trường học.

Kiểm soát thực phẩm từ ngoài chợ đến bàn ăn

Để giảm thiểu thấp nhất ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra trong trường học, việc xây dựng các bếp ăn trong nhà trường cũng như triển khai hệ thống tự kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm là điều vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, vẫn cần sự phối hợp của Sở Y tế trong quá trình kiểm tra các cơ sở cung cấp thức ăn sẵn cho các trường học trong thành phố. 

Tại các trường học trên thành phố Hồ Chí Minh, số trường có bếp ăn tập thể do nhà trường quản lý chỉ chiếm số lượng nhỏ. Chẳng hạn, trong số 430 trường tiểu học thực hiện học 2 buổi/ngày mới có 234 trường có bếp ăn tập thể. Do cơ sở vật chất chật hẹp, học sinh lại quá đông (trên 1.000 học sinh mỗi trường) nên nhiều trường đã nhận suất ăn sẵn cho các buổi ăn bán trú.

Trong khi đó, nhiều trường dù có đủ cơ sở vật chất nhưng vì nhiều lý do khác nhau như không tuyển dụng được nhân viện phục vụ bếp, kinh phí… đã mời các công ty dịch vụ nấn ăn vào trường nấu cho học sinh.

Để được trúng thầu, nhiều đơn vị dịch vụ đã hạ mức suất ăn rất thấp dưới 15.000 đồng/suất ăn và để nấu được những suất ăn với mức giá này, các sơ sở nấu ăn phải lựa chọn những nguyên liệu thực phẩm rẻ tiền, chất lượng kém, không an toàn dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm.

Theo cô Trần Thị Nga, nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Chu Trinh, quận Tân Phú: Nếu các trường biết tận dụng, cải tạo cơ sở vật chất vẫn có thể xây dựng được bếp ăn bán trú trong trường học. Kinh phí đầu tư cho bếp ăn bán trú không cần nhiều.

Các trường có thể tận dụng nguồn thu từ các lớp học bán trú hay có thể vận động đóng góp của phụ huynh học sinh. Phụ huynh khi thấy rõ lợi ích của việc trường tự tổ chức bữa ăn cho học sinh thì sẽ ủng hộ nhà trường.

Xây dựng được bếp ăn bán trú thực chất sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí cho nhà trường hơn so với việc sử dụng suất ăn sẵn hay mời các công ty dịch vụ ăn uống vào nấu. Hơn nữa, các em vừa được ăn những bữa ăn vẫn còn nóng và đảm bảo chất lượng thực phẩm.

Ông Phạm Văn Khoa, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 3 cho biết: Cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Sở Y tế và Sở Giáo dục Đào tạo. Sở Y tế cần kiểm soát kỹ đầu vào thực phẩm trên địa bàn thành phố để hỗ trợ thêm cho nhà trường do giáo viên không có đủ chuyên môn để kiểm soát thực phẩm đầu vào.

Hơn nữa, mức phạt cho các công ty cung cấp thức ăn sẵn hiện nay còn thấp, mức cao nhất chỉ 200.000 triệu đồng không đủ sức răn đe các đơn vị này. Và điều quan trọng là cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của những người có liên quan như hiệu trưởng các trường, lãnh đạo các phòng ban thuộc các quận huyện về an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học.

Để phòng ngừa ngộ độc, thời gian tới ngành y tế sẽ phối hợp với ngành giáo dục hoàn thiện, vận hành và duy trì hệ thống tự kiểm tra an toàn thực phẩm trong trường học; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm, các cơ sở để xảy ra ngộ độc thực phẩm./. 

>>> Thực phẩm vào trường học: Chỉ có thể đánh giá chất lượng bằng cảm quan

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục