Thực phẩm vào trường học: Chỉ có thể đánh giá chất lượng bằng cảm quan

11:57' - 26/04/2016
BNEWS Với nhiều loại hình bếp ăn bán trú như hiện nay, vấn đề kiểm tra, kiểm soát chất lượng, định lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường không hề đơn giản.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, hiện Hà Nội có hơn 1.400 trường học có bếp ăn tập thể, trong đó khoảng 1.080 trường học tự nấu ăn còn hơn 320 trường ký hợp đồng với cơ sở dịch vụ ăn uống có giấy đăng ký kinh doanh.

Tuy nhiên, với nhiều loại hình bếp ăn bán trú như hiện nay, vấn đề kiểm tra, kiểm soát chất lượng, định lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường không hề đơn giản.

Chỉ có thể đánh giá thực phẩm bằng cảm quan

Hiện tại, hình thức phục vụ ăn bán trú cho học sinh ở Hà Nội phân thành 4 loại: nhà trường tự nấu, tự mua thực phẩm; nhà trường đặt cơm của các công ty nấu suất ăn; nhà trường hợp đồng với công ty cung cấp thực phẩm để tự nấu hoặc nhà trường hợp đồng với công ty vừa cung cấp thực phẩm, vừa sơ chế bữa ăn, nhà trường chỉ giám sát.

Hà Nội có hơn 1.400 trường học có bếp ăn tập thể, trong đó khoảng 1.080 trường học tự nấu ăn. Ảnh: TTXVN

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã quán triệt nguyên tắc những trường nào nấu ăn tại trường thì bếp phải thiết kế theo quy định một chiều (nhập nguyên liệu - sơ chế - chế biến - chia cơm).

Nhân viên phải có bằng nấu ăn, phải khám sức khỏe định kỳ, thực phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không mua thực phẩm không rõ nguồn gốc. Định lượng bữa ăn phải có sự thỏa thuận với cha mẹ học sinh...

Theo số liệu của đoàn kiểm tra liên ngành Y tế - Giáo dục năm 2015 đối với 100% bếp ăn của các trường học trên địa bàn Hà Nội, kết quả, hầu hết các trường có bếp ăn bán trú đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Các bếp ăn tập thể đã được đầu tư cơ sở vật chất tương đối đảm bảo. Trong đó, 94,5% các bếp ăn tập thể đảm bảo nguyên tắc một chiều, đủ nước sạch dùng trong chế biến thực phẩm, kho phương tiện bảo quản thực phẩm đảm bảo đúng quy định.

100% các trường có tủ bảo quản, mẫu lưu thức ăn và dụng cụ sống, chín riêng biệt nhưng một số trường, phương tiện bảo quản còn chưa có lưới phòng chống côn trùng. 100% nhân viên chế biến thực phẩm có trang phục riêng, tỷ lệ khám sức khỏe, có giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm đạt 96,5%.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, bếp ăn tại một số trường học vẫn còn tồn tại những vấn đề như: giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đã hết hạn đang hoàn thiện thủ tục xin cấp lại; một số trường chưa xuất trình được hóa đơn nguồn gốc thực phẩm rau, thịt các loại.

Một số thực phẩm bao gói sẵn cung cấp đến nhà trường chưa lưu hồ sơ công bố sản phẩm của nhà cung cấp cũng như phiếu kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm; một số trường chưa xuất trình được phiếu kiểm nghiệm định kỳ nước nguồn. Khu vực chế biến vẫn còn một số trường diện tích chật hẹp, chưa riêng biệt khu sơ chế và khu nhập nguyên liệu…

Bà Nguyễn Thị Bích Nga, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Nghĩa Tân cho biết: "Trường đã thành lập ban kiểm soát thực phẩm. Khi thực phẩm được đơn vị cung cấp đưa về trường mỗi ngày, nhân viên kiểm tra bằng cảm quan, thấy thực phẩm tươi ngon mới đồng ý sử dụng. Trong quá trình sơ chế, trường đầu tư thêm máy sục ozone để loại bỏ chất độc hại tồn dư nếu có."

Bà Lê Thị Thủy, quản lý Mầm non tư thục Happykids (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Đối với trường mầm non, việc cung cấp bữa ăn cho trẻ không chỉ riêng bữa trưa mà 3/4 nguồn dinh dưỡng cung cấp cho trẻ trong ngày là tại trường học.

Vì vậy, nhà trường luôn kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn thực phẩm được cung cấp. Bên cạnh việc lựa chọn nhà cung ứng thực phẩm có thương hiệu, uy tín, hằng ngày, Ban giám hiệu nhà trường cử người trực tiếp nhận thực phẩm. Sau khi thức ăn được chế biến trong ngày, nhà trường đều lưu lại mẫu theo đúng quy định."

Đại diện trường Tiểu học Ngôi sao Hà Nội cũng chia sẻ: "Với mục tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho học sinh, bộ phận nhà bếp rất chú trọng khâu chọn và mua nguyên liệu. Thực phẩm được nhập vào phải tươi sống, rau tươi không được dập héo, củ quả vỏ còn nguyên, không trầy xước; cá tôm phải tươi, thịt phải có đóng dấu kiểm định.

Về chế biến, nhà bếp thực hiện theo quy trình một chiều, từ sống đến chín. Rau phải được ngâm muối từ nửa tiếng đến một tiếng, thịt phải trần qua nước sôi trước khi chế biến; nước máy cũng được xử lý qua hệ thống lọc trước khi đưa vào sử dụng. Bát đĩa cho học sinh ăn cũng được rửa sạch, tráng nước sôi, phơi khô trước khi dùng."

Tuy nhiên, theo ý kiến của lãnh đạo các trường, hiện nhà trường mới chỉ kiểm tra được hợp đồng, giấy phép kinh doanh của công ty cung ứng và kiểm tra thực phẩm bằng cảm quan.

Nếu các công ty dùng thủ đoạn trộn lẫn thực phẩm bẩn với thực phẩm sạch để đưa vào nhà trường và vẫn có hóa đơn chứng minh nguồn gốc thực phẩm đó thì nhà trường không thể phát hiện ra.

Để ngăn chặn tình trạng này thì các cơ quan chức năng cần tăng cường phát hiện những vụ việc sai phạm của các công ty cung cấp thực phẩm vào trường học để cảnh tỉnh những đơn vị làm ăn gian dối, đồng thời, có biện pháp xử phạt thật nặng.

>>> Xem thêm: Cách nhận biết thực phẩm không an toàn

Tràn lan thực phẩm không đảm bảo trước cổng trường

Hiện nay, tình trạng bán những đồ ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng đang diễn ra phổ biến tại nhiều cổng trường học. Năm 2015, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Nội đã đi kiểm tra các hàng quán trước cổng trường học của 5 quận và đưa ra kết luận 100% mặt hàng ăn uống, quà vặt tại đây đều không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Quán giải khát bán rong trước cổng trường học. Ảnh minh họa: vietq.vn

Ghi nhận của phóng viên tại nhiều cổng trường hiện nay, các món quà vặt xuất hiện trước cổng trường đa phần là những đồ ăn không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhiều sản phẩm có nhãn mác nhưng không rõ ràng hoặc những món ăn tự chế biến ngay tại chỗ như nem chua, xúc xích, thịt nướng…, được rán bằng những chảo mỡ đã qua sử dụng nhiều lần. Song hàng ngày, học sinh và ngay cả các bậc phụ huynh cũng thường dừng lại để mua cho con ăn sau mỗi buổi tan học.

Em Nguyễn Ngọc Anh, Trường Trung học cơ sở Trưng Nhị cho biết: "Em thường ăn quà vặt lúc tan tầm, khi thì ăn nem rán, lúc lại ăn kimbap. Em quan sát thấy chảo dầu được sử dụng rán đi rán lại nhiều lần nhưng vì thấy ngon nên vẫn ăn, bố mẹ em cũng không để ý lắm đến việc này."

Em Lê Phi Yến, Trường Trung học phổ thông Trần Nhân Tông chia sẻ: "Em chưa bao giờ bị ngộ độc thực phẩm vì ăn những món này nhưng bạn em thì đã từng bị nhưng sau đấy, chúng em vẫn ăn vì đồ ăn ngon, rẻ nên cũng không quan tâm lắm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm."

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, những đồ ăn không rõ nguồn gốc, không có kiểm chứng chất lượng nếu sử dụng nhiều sẽ có nguy cơ ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia cho biết: "Đối với những món ăn không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, khi ăn có thể gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa, đầy bụng… Nếu ăn thường xuyên có thể ảnh hưởng tới sức khỏe lâu dài, mắc các bệnh liên quan tới chức năng gan, thận, tim mạch."

Như vậy, để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm tới học sinh và phụ huynh thì cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trong việc tăng cường kiểm tra và xử lý các mặt hàng này tại cổng trường học.

Bên cạnh đó, phụ huynh học sinh cần kiểm soát việc chi tiêu của con em mình, nhất là trong thời gian đi học tại trường. Đối với học sinh bậc tiểu học, phụ huynh nên cho con ăn sáng trước khi đến lớp cũng như hạn chế cho con tiền ăn quà vặt để tránh nguy cơ nhiễm độc từ thực phẩm không an toàn.

Với học sinh từ bậc trung học cơ sở, phụ huynh cần thường xuyên nhắc nhở để các em có ý thức hơn trong việc sử dụng thực phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe của chính mình./.

>>> Xem thêm: 

Đồ ăn bẩn "bủa vây" chốn học đường

- Cách nhận biết thực phẩm không an toàn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục