Nhà đầu tư lớn ASEAN đang mở rộng sản xuất, kinh doanh sang Hải Phòng

14:12' - 03/09/2017
BNEWS Trong 5 năm trở lại đây, Hải Phòng liên tục nằm trong top đầu các tỉnh, thành phố của cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Khu Đô thị - Công nghiệp - Dịch vụ VSIP Hải Phòng. Ảnh: VSIP

Ngoài hợp tác đầu tư với các tập đoàn đa quốc gia thuộc các nước lớn trên thế giới, Hải Phòng còn chú trọng hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp thuộc các nước trong khu vực ASEAN.

Hải Phòng đã xây dựng chiến lược thu hút các tập đoàn trong khu vực này đến đầu tư như thế nào và xây dựng sự hợp tác ngày càng phát triển bền vững?

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Trí Vũ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hải Phòng về nội dung này.

Phóng viên: Thưa ông, Cộng đồng kinh tế ASEAN có tác động như thế nào đối với sự phát triển kinh tế của Hải Phòng?

Ông Lê Trí Vũ: ASEAN được đánh giá là nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực châu Á, lớn thứ 6 thế giới, một trong những thị trường phát triển năng động nhất toàn cầu.

Việc gia tăng đầu tư nội khối giữa các nước ASEAN nói chung và từ ASEAN vào Việt Nam nói riêng có vai trò then chốt trong tiến trình thu hút nguồn vốn FDI, phục vụ cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Đối với thành phố Hải Phòng, trong thời gian qua, thành phố đã thu hút được một số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài thuộc khu vực ASEAN, chủ yếu từ các nước Singapore, Thái Lan, Malaysia.

Trong đó, Singapore là nước có nhiều dự án FDI tại Hải Phòng nhất với gần 30 dự án có tổng số vốn đầu tư gần 700 triệu USD, đứng thứ 5 trong tổng số 36 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào thành phố.

Dự án đầu tư tiêu biểu của các nhà đầu tư đến từ khối các quốc gia ASEAN phải kể đến là việc đầu tư thành công Dự án phát triển Khu Đô thị - Công nghiệp - Dịch vụ VSIP Hải Phòng của Công ty TNHH VSIP Hải Phòng do nhà đầu tư đến từ Singapore thực hiện.

Đây là một trong những doanh nghiệp hạ tầng hoạt động hiệu quả với suất đầu tư cao và gây được tầm ảnh hưởng lớn tại thành phố với việc thu hút được một loạt các dự án đầu tư lớn của các Tập đoàn có tên tuổi như Nipro Pharma, Fuji Xerox…

Đến nay, Khu công nghiệp này đã lấp đầy trên 50% diện tích.

Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư lớn đang thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh tại các quốc gia ASEAN cũng đã từng bước tiến hành mở rộng quy mô, địa bàn hoạt động sản xuất, kinh doanh sang Hải Phòng.

Để tập trung thu hút nguồn vốn FDI nói chung và nguồn vốn FDI từ các quốc gia ASEAN nói riêng, thành phố đã ban hành Quyết định số 12/QĐ-UBND ngày 04/01/2017 về việc phê duyệt “Chiến lược thu hút vốn FDI của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016-2020”; Quyết định số 216/QĐ-UBND ngày 02/02/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch Xúc tiến đầu tư của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016-2020; trong đó đã khẳng định kết quả đóng góp của nguồn vốn FDI từ các quốc gia ASEAN và xác định mục tiêu, phương pháp tiếp cận, thu hút nguồn vốn này trong giai đoạn tới.

Phóng viên: Hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực ASEAN sẽ thúc đẩy Hải Phòng phát triển lợi thế nổi trội nào thưa ông?

Ông Lê Trí Vũ: Hiện tại, cơ sở hạ tầng của Hải Phòng có sự phát triển vượt bậc với hệ thống cảng biển lớn nhất miền Bắc Việt Nam.

Thành phố đang triển khai dự án đầu tư Cảng nước sâu Lạch Huyện, là cảng cửa ngõ quốc tế của cả miền Bắc, đón được tàu trọng tải lớn đến 100.000 tấn, rất thuận lợi cho việc phát triển các dịch vụ liên quan đến cảng biển.

Đặc biệt, với các dự án lớn về hạ tầng giao thông khác như đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cảng hàng không quốc tế Cát Bi, cầu đường Tân Vũ - Lạch Huyện, đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, đường bộ ven biển đưa Hải Phòng trở thành trung tâm của mọi hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp miền Bắc và cả nước.

Do vậy, thành phố có thế mạnh và rất thuận lợi, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ cảng biển, giao nhận, logistics đến từ Singapore.

Ngoài ra, Hải Phòng là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam với dân số khoảng 2 triệu người, dân số đô thị chiếm hơn 46% và tốc độ đô thị hóa nhanh, là một trong những thị trường đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư bất động sản và kinh doanh, phân phối hàng hóa đến từ các nước trong khối ASEAN như Singapore và Thái Lan.

Với lợi thế từ việc cắt giảm hàng rào thuế quan giữa các nước trong khu vực ASEAN, các nhà đầu tư trong khối đã thực hiện đầu tư thông qua hình thức mua lại một số doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực phân phối hàng hóa như Metro, Big C... nhằm tăng cường thâm nhập mở rộng thị trường phân phối hàng hóa tại Hải Phòng.

Hải Phòng đã thiết lập mối quan hệ hữu nghị trên nhiều lĩnh vực đối với nhiều quốc gia trong khối ASEAN, bên cạnh đó, thành phố có nhiều tiềm năng về tự nhiên cũng như lợi thế về tốc độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Do đó, nếu tận dụng được lợi thế về địa chính trị, văn hóa, hợp tác giữa Hải Phòng và các nước ASEAN sẽ phát huy được những thế mạnh vượt trội tại các lĩnh vực mà Hải Phòng có tiềm năng.

Cụ thể như phát triển, khai thác hệ thống cảng biển và dịch vụ cảng biển; đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở trọng yếu khác; đầu tư kinh doanh bất động sản công nghiệp, du lịch ven biển và các hoạt động thương mại.

Phóng viên: Xin ông cho biết, để tiếp tục thu hút các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN đến đầu tư tại Hải Phòng, thành phố có kế hoạch như thế nào?

Ông Lê Trí Vũ: Xác định ASEAN là thị trường quan trọng, thành phố Hải Phòng đã và đang thực hiện một số công việc trọng tâm để việc hợp tác ngày càng toàn diện, hiệu quả, phát huy lợi thế của các thành viên tham gia.

Thứ nhất, xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động nghiên cứu, đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư đối với một số quốc gia ASEAN tiêu biểu đã đầu tư lớn tại thành phố như Singapore, Thái Lan để thu thập các thông tin, số liệu, xu hướng đầu tư của các đối tác trên.

Từ nền tảng đầu tư sẵn có của nhà đầu tư, thành phố sẽ có các biện pháp thiết thực để củng cố niềm tin của nhà đầu tư hiện hữu và hấp dẫn được các nhà đầu tư trong khu vực.

Thứ hai, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư, tăng cường hoạt động của Cổng Thông tin điện tử thành phố và Cổng Thông tin điện tử của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư; xây dựng các ấn phẩm phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư.

Bên cạnh việc giới thiệu, quảng bá, hình ảnh và cung cấp thông tin về tiềm năng, thế mạnh, chính sách của thành phố cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tài liệu này còn cung cấp những thông tin đầu tư cần thiết nhất để các đối tác đầu tư nước ngoài nói chung và từ các quốc gia ASEAN nói riêng, xác định được mục tiêu và xây dựng kế hoạch đầu tư khả quan nhất căn cứ vào tiềm lực và lĩnh vực hoạt động của mình.

Thứ ba, liên tục rà soát, đề xuất, bổ sung, điều chỉnh, xây dựng Danh mục các lĩnh vực, dự án kêu gọi đầu tư, khuyến khích đầu tư, đầu tư có điều kiện và không chấp thuận đầu tư trên cơ sở tạo hướng mở và điều kiện tối đa để các nhà đầu tư ASEAN.

Việc thu hút đầu tư tập trung vào các lĩnh vực có thế mạnh như nông nghiệp công nghệ cao, cơ sở hạ tầng, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, thực phẩm và xe hơi (đối với Thái Lan); kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, vận tải kho bãi (đối với Singapore).

Thứ tư, đẩy mạnh thiết lập mối quan hệ hợp tác đa chiều, thiết thực với các địa phương của các quốc gia ASEAN trên nền tảng các mối quan hệ ngoại giao chính trị tốt đẹp; tăng cường các hoạt động giao lưu kinh tế - văn hóa, trao đổi các đoàn ngoại giao; tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư tại một số thị trường trọng điểm của các quốc gia ASEAN, tăng cường xúc tiến mở các chuyến bay nối Sân bay Cát Bi với các sân bay khác trong khu vực, trước hết là mở các chuyến bay nối với Singapore.

Thứ năm, tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực, nghiệp vụ, tạo điều kiện cho các cán bộ, công chức, viên chức làm công tác xúc tiến đầu tư được tham dự các khóa đào tạo chuyên nghiệp để tăng cường kinh nghiệm quản lý, kiến thức về kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế đối với từng khu vực.

Quan tâm tăng cường hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao giữa các quốc gia ASEAN.

Thứ sáu, chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư hiện có trên địa bàn trong đầu tư dự án cũng như trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Lắng nghe, tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và tham mưu, tổ chức hoạt động đối thoại giữa chính quyền thành phố với các doanh nghiệp, nhà đầu tư; tổ chức hội nghị để lãnh đạo thành phố, cơ quan chức năng cùng doanh nghiệp kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Xem thêm:

>>>Khởi công Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô thương hiệu Việt đầu tiên

>>>Đưa vào sử dụng cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á tại Hải Phòng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục