Nhà đầu tư thông tin về hai dự án BT ở Thái Bình

11:23' - 16/03/2018
BNEWS Để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thời gian qua tỉnh Thái Bình đã và đang triển khai thực hiện nhiều dự án lớn theo hợp đồng xây dựng-chuyển giao (BT).
Toàn cảnh dự án đường Kỳ Đồng kéo dài. Ảnh: Công Hải – Thế Duyệt/TTXVN

Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả thiết thực mà các dự án này mang lại cho địa phương, gần đây có một số thông tin trái chiều cho rằng, vẫn còn nhiều thiếu sót, hạn chế, vi phạm khi thực hiện các dự án BT này.

Cụ thể là Dự án đầu tư xây dựng đường Kỳ Đồng kéo dài do Doanh nghiệp dự án Công ty TNHH Xây dựng – Chuyển giao Hoàng Long là nhà đầu tư và Dự án đầu tư xây dựng công trình khu nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu nhà 5 tầng do Công ty Cổ phần Damsan làm chủ đầu tư. Để làm rõ hơn vấn đề này, hai nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã thông tin như sau:

Ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng Ban quản lý dự án BT Kỳ Đồng (Doanh nghiệp dự án Công ty TNHH Xây dựng – Chuyển giao Hoàng Long). Ảnh: Công Hải – Thế Duyệt/TTXVN

Theo ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng Ban quản lý dự án BT Kỳ Đồng (Doanh nghiệp dự án Công ty TNHH Xây dựng – Chuyển giao Hoàng Long), trong điều kiện ngân sách Trung ương, địa phương hạn hẹp, việc thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội là quyết sách đúng đắn của chính quyền các cấp.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Doanh nghiệp dự án Công ty TNHH Xây dựng – Chuyển giao Hoàng Long là doanh nghiệp tiên phong thực hiện đầu tư Dự án đường Kỳ Đồng đoạn từ Trần Thủ Độ đến Quốc lộ 10 theo hình thức BT tại Thái Bình.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ kết nối trung tâm thành phố với cực phát triển phía Tây Bắc, góp phần thúc đẩy thông thương, giao lưu đối ngoại với các tỉnh lân cận, phát huy hết tiềm năng phát triển của trung tâm thành phố và thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của thành phố Thái Bình nói chung và xã Phú Xuân nói riêng.

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp tuân thủ chặt chẽ các quy trình, quy phạm kỹ thuật, quy định của pháp luật và được nhân dân địa phương đồng thuận, tạo điều kiện trong giải phóng mặt bằng khi thực hiện dự án.

Dự án đầu tư xây dựng đường Kỳ Đồng kéo dài được chỉ định nhà đầu tư. Theo ông Phạm Văn Tuấn, việc lựa chọn nhà đầu tư tuân thủ theo quy định của pháp luật và được Kiểm toán Nhà nước ghi nhận tuân thủ theo quy định hiện hành tại thời điểm tổ chức lựa chọn nhà đầu tư…

Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Bình đã công bố danh mục dự án đầu tư theo hình thức PPP; trong đó, có Dự án đường Kỳ Đồng kéo dài. Trong thời gian niêm yết, công khai theo quy định chỉ có Doanh nghiệp dự án Công ty TNHH Xây dựng – Chuyển giao Hoàng Long là đơn vị duy nhất đăng ký dự án này.

Khu nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại phường Quang Trung, tp Thái Bình. Ảnh: Công Hải – Thế Duyệt/TTXVN

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp báo cáo UBND tỉnh cho phép thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật theo hình thức chỉ định thầu. Đặc biệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND thành phố tiến hành các bước trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu tuân thủ đúng theo quy định, UBND tỉnh phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư theo kết quả báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Về việc khi thực hiện dự án, nhà đầu tư không dành 20% quỹ đất để làm nhà ở xã hội, ông Phạm Văn Tuấn cho biết, thời điểm đầu tiên quy hoạch là theo quyết định 1475/QĐ-UBND ngày 4/7/2012 của UBND tỉnh.

Trong quá trình thực hiện dự án đến năm 2015 do điều kiện phát triển kinh tế địa phương, quy hoạch đã phê duyệt không còn phù hợp, nhà đầu tư có tờ trình với UBND tỉnh ngày 24/4/2015 xin cho phép điều chỉnh quy hoạch. Ngày 13/5/2015 theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Xây dựng đã họp để điều chỉnh quy hoạch. Trong cuộc họp các đại biểu đã thống nhất điều chỉnh và báo cáo UBND tỉnh. UBND tỉnh đã đồng thuận về chủ trương và phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch.

Về nhiệm vụ quy hoạch, văn bản nêu rõ, việc điều chỉnh phải đảm bảo chỉ giới quy hoạch, cơ cấu sử dụng đất và cảnh quan kiến trúc đô thị. Theo quyết định 1475/QĐ-UBND ngày 4/7/2012 của UBND tỉnh Thái Bình thì không có quỹ đất dành cho người có thu nhập thấp và quỹ đất nhà ở thương mại đã được xác định trong phương án tài chính để thanh toán cho dự án BT.

Căn cứ vào ý kiến hội nghị, chủ đầu tư tổ chức lập quy hoạch, niêm yết, xin ý kiến cộng đồng dân cư tại địa phương. Tại thời điểm đó Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 quy định về Phát triển và quản lý Nhà ở xã hội; trong đó quy định các dự án khi thực hiện phải dành 20% quỹ đất ở mới trong dự án dành cho người thu nhập thấp, chưa có hiệu lực. Phải đến ngày 10/12/2015, Nghị định này mới có hiệu lực thi hành.

Về việc Kiểm toán Nhà nước nêu phương án xử lý tài chính 14,8 tỷ đồng đối với đơn vị về dự án này, ông Phạm Văn Tuấn khẳng định: Dự án đường Kỳ Đồng hiện đang trong giai đoạn thi công, do khoảng 200 m đường chưa được bàn giao mặt bằng để nhà đầu tư triển khai thi công.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước kiểm tra giữa giai đoạn khi công trình chưa tiến hành thanh quyết toán vốn đầu tư công trình với cơ quan nhà nước nên tồn tại một số khối lượng vượt so với hồ sơ thiết kế, đơn giá sai khác chưa được rà soát. Nhà đầu tư sẽ rà soát và điều chỉnh khi thanh quyết toán chính thức với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo tiến độ của dự án đến hết tháng 5/2018, phải thi công xong đường Kỳ Đồng kéo dài, sau đó là kiểm định chất lượng công trình và bàn giao công trình, quyết toán dự án nhưng đến nay vẫn còn 200 m chiều dài của đường vẫn chưa được bàn giao đủ mặt bằng để thi công.

Do đó, nhà đầu tư kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan quyết liệt giải phóng mặt bằng và bàn giao cho Nhà đầu tư trong quý I/2018.

Ông Vũ Huy Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Damsan . Ảnh: Công Hải – Thế Duyệt/TTXVN

Tương tự, nhà đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại phường Quang Trung – Ông Vũ Huy Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Damsan cho biết, khi xây dựng nhà ở xã hội ở phường Quang Trung là khu tập thể cũ, xuống cấp trầm trọng.

Những năm 1979-1980, UBND tỉnh Thái Bình đã có chủ trương giải tỏa nhưng sau gần 20 năm triển khai, khoảng 11 lần họp với người dân không giải tỏa được vì mâu thuẫn lợi ích của người dân với cơ quan quản lý nhà nước.

Sau khi được lựa chọn là nhà đầu tư, công ty đã quyết liệt trong khâu giải phóng mặt bằng, cùng với sự công tâm của UBND thành phố mới có được sự đồng thuận của gần 160 hộ dân ở đây. Và cơ chế đền bù cho người dân là 1 đổi 1.

Vì vậy dự án này đã giải quyết được việc xuống cấp, xập xệ của chung cư cũ, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, tạo điều kiện để họ có nhà mới và tạo cơ hội cho người có thu nhập thấp.

Gần đây có một số thông tin nói về sai phạm của đơn vị đối với dự án này, ông Vũ Huy Đông cho rằng, dùng từ “sai phạm” là không hợp lý, không chính xác. Vì dự án này còn một phần chưa hoàn thành xong do chưa được cơ quan nhà nước giải phóng mặt bằng để giao Công ty thực hiện và Công ty cũng chưa quyết toán với nhà nước nên không thể gọi là sai phạm được.

Nói về việc thiếu thương thảo hợp đồng mua các thang máy lắp đặt trong tòa nhà của dự án, theo ông Vũ Huy Đông các thang máy này được mua trực tiếp của Công ty TNHH tập đoàn thang máy Thăng Long…

Trong hợp đồng có rất nhiều hình thức thương thảo như bằng văn bản, bằng điện thoại, gặp trực tiếp, hoặc bằng email. Công ty đã gặp gỡ trực tiếp nhưng lại không thể hiện bằng văn bản, đây là thiếu sót và sẽ rút kinh nghiệm.

Tuy nhiên, Công ty khẳng định việc mua bán này là chính xác 100%, thang máy sau khi lắp đặt nghiệm thu xong đã được cơ quan chuyên môn kiểm định, hiện đang hoạt động rất tốt, đúng tiêu chuẩn, chất lượng đồng thời đang trong thời gian bảo hành theo quy định của hợp đồng.

Riêng về quản lý kế toán, công ty không hạch toán riêng dự án, ông Vũ Huy Đông thừa nhận rằng do đơn vị sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực mà không hạch toán riêng, đây cũng là thiếu sót của đơn vị. Nhưng đơn vị vẫn đảm bảo theo các quy định của luật pháp, các mục rất rõ ràng, mục nào ra mục đấy, việc này không có sai lẫn, nhưng công ty sẽ rút kinh nghiệm cho các dự án sau.

Việc Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 79 tỷ đồng đối với dự án này, ông Vũ Huy Đông cho rằng, ngôn ngữ của kiểm toán ghi là “Xử lý tài chính 79 tỷ”, nhưng xử lý ở đây không có nghĩa là sai phạm, việc này vẫn nằm trong khuôn khổ của pháp luật, nằm trong quá trình triển khai thực hiện mà bất cứ dự án nào cũng có. Riêng dự án này không có đội vốn đồng nào.

Chẳng hạn như khoản nộp ngân sách nhà nước hơn 38 tỷ đồng là số tiền Công ty thu được từ việc bán căn hộ chung cư nhà ở xã hội do UBND tỉnh giao. Trong dự án này có 289 căn hộ; trong đó có 128 căn để tái định cư, còn lại bán cho người có thu nhập thấp.

Thời điểm kiểm toán chốt số liệu là ngày 31/10/2017 Công ty đã nộp vào ngân sách nhà nước số tiền trên nhưng đến nay số tiền bán căn hộ công ty đã nộp vào Nhà nước là gần 46 tỷ đồng. Hay như khoản gần 21 tỷ đồng trong phần giảm giá trị hợp đồng BT, là do dự toán khối lượng tính thừa nhưng thực tế đã được Công ty rà soát và loại khỏi giá trị nghiệm thu. Đây là phần Công ty chủ động không quyết toán vào dự án chứ không phải Công ty cố tình quyết toán sai, làm sai bị Kiểm toán Nhà nước loại bỏ ra...

Ông Vũ Huy Đông cũng lý giải thêm việc “tự ý” nâng số tầng tòa nhà là do vị trí xây dựng tòa nhà là cửa ngõ của thành phố, đây cũng là diện mạo đô thị của thành phố. Hơn nữa, công ty thấy được nhu cầu nhà ở của người có thu nhập thấp đang sinh sống và làm việc trong tỉnh, công ty đã đề xuất với UBND tỉnh nâng từ 12 tầng lên 15 tầng và được UBND tỉnh chấp thuận bằng các văn bản.

Riêng phần móng của tòa nhà Công ty khẳng định được thiết kế cho khối nhà 16 tầng chứ không phải là dùng móng 12 tầng để xây dựng cho khối nhà 16 tầng như báo chí phản ánh. Ông Vũ Huy Đông khẳng định: "Mọi vấn đề thực hiện chúng tôi đều theo quy định của pháp luật"./.

>>>Kiến nghị xử lý sai phạm hơn 2.100 tỷ đồng một số dự án BT, BOT tại TP.HCM

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục