Hình thức hợp đồng BT bộc lộ không ít hạn chế

16:22' - 19/10/2017
BNEWS Kết quả kiểm toán các dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao thời gian qua cho thấy, bên cạnh những mặt tích cực còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Ngày 19/10, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước tổ chức Hội thảo khoa học "Cơ chế đầu tư BT - Những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện" nhằm phân tích, trao đổi quan điểm, làm rõ bản chất của các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) hiện nay và cơ sở pháp lý kiểm toán các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao của Kiểm toán Nhà nước; đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao.

Các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao đang có xu hướng tăng mạnh do áp lực giảm bội chi ngân sách và nợ công. Ảnh minh họa: TTXVN

Phát biểu tại Hội thảo, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, sau một thời gian tạm lắng, các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao đang có xu hướng tăng mạnh do áp lực giảm bội chi ngân sách và nợ công.

Bên cạnh đó, nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ cùng quá trình đô thị hóa mạnh mẽ và hội nhập quốc tế sâu rộng, khiến nhu cầu về cơ sở hạ tầng ở hầu hết các lĩnh vực trọng yếu của quốc gia cũng như các địa phương là nguyên nhân cho sự trở lại của các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao.

Theo ông Hồ Đức Phớc, các hợp đồng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao đóng vai trò quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng và là công cụ hữu hiệu để huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, kết quả kiểm toán các dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao thời gian qua cho thấy, bên cạnh những mặt tích cực còn bộc lộ nhiều hạn chế. Những khoản lợi nhuận vô cùng hấp dẫn khiến cho việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư không có sự công bằng.

Từ đó, không phát huy được tốt nhất nguồn lực xã hội, nhiều nhà đầu tư tại thời điểm thẩm định cho thấy rất hạn chế về năng lực tài chính và thiếu kinh nghiệm quản lý.

Để phát huy hiệu quả các dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình quản lý, thực hiện đầu tư các dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao; cung cấp thông tin tin cậy, kịp thời cho Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước để hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý nhằm quản lý tốt hơn từ khâu lựa chọn nhà đầu tư đến thực hiện đấu thầu, tạo niềm tin cho nhân dân cũng như chính các nhà đầu tư.

Theo các đại biểu, nguyên tắc cơ bản của hình thức đầu tư công - tư đối tác là nhà đầu tư bỏ tiền xây dựng hạ tầng, dịch vụ công cộng để thu phí từ người sử dụng trong giai đoạn vận hành, nhưng hình thức đầu tư hợp đồng xây dựng - chuyển giao, hiện tại không tuân theo hình thức này.

Bên cạnh đó, việc quá nhiều quỹ đất ở được sử dụng vô thời hạn để trả cho các nhà đầu tư dự án hợp đồng xây dựng - chuyển giao, sẽ dẫn đến hậu quả mất cân đối trong quy hoạch sử dụng đất và phát triển đô thị.

Các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, Nhà nước cần có những điều chỉnh, quy định chi tiết về yêu cầu phân tích chi phí - lợi ích giữa cơ chế hợp đồng xây dựng - chuyển giao và cơ chế Nhà nước đấu giá tài sản công để lấy tiền xây dựng hạ tầng, làm cơ sở cho quyết định thực hiện dự án hợp đồng xây dựng - chuyển giao; không cho phép giao đất để trả cho nhà đầu tư hạ tầng trước khi nghiệm thu, hoàn thành đánh giá chất lượng và định giá giá trị...

Đặc biệt, công khai minh bạch toàn bộ thông tin về dự án hợp đồng xây dựng - chuyển giao, tạo cơ chế để người dân địa phương tham gia giám sát và quy định về trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước có liên quan khi nhận được ý kiến giám sát của dân...

Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ nhiều bộ, ngành tập trung thảo luận những nội dung cơ bản như: Cơ sở khoa học và sự cần thiết của việc thực hiện các hợp đồng xây dựng - chuyển giao tại Việt Nam; cơ chế đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao; đánh giá thực trạng triển khai các dự án hợp đồng xây dựng - chuyển giao trong những năm gần đây; đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm quản lý hiệu quả dự án; giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán, công tác giám sát của các cơ quan dân cử, các tổ chức xã hội và của nhân dân đối với việc đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng-chuyển giao. /.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục