Nhật Bản: Ngân sách bổ sung thứ hai đưa tổng ngân sách tài khóa 2016 vượt 100 nghìn tỷ yen

19:43' - 25/08/2016
BNEWS Chính phủ Nhật Bản vừa thông qua dự thảo ngân sách bổ sung thứ hai cho tài khóa 2016 để kích thích nền kinh tế, đưa tổng ngân sách trong tài khoá này lên trên 100 nghìn tỷ yen (996 tỷ USD).
Nhật Bản: Ngân sách bổ sung thứ hai đưa tổng ngân sách tài khóa 2016 vượt 100 nghìn tỷ yen. Ảnh: TTXVN

Việc phê chuẩn ngân sách bổ sung kể trên cho thấy nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe để đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới ra khỏi tình trạng giảm phát kinh niên.

Tuy nhiên, động thái này cũng cho thấy sự phụ thuộc của Chính phủ Nhật Bản vào chi tiêu công. cam kết khôi phục tình hình tài chính hiện là tồi tệ nhất trong số các nước phát triển hàng đầu thế giới.

Tổng ngân sách ban đầu và hai ngân sách bổ sung của Nhật Bản cho tài khóa 2016 (kết thúc vào tháng 3/2017) là 100,01 nghìn tỷ yen, vượt mốc 100 nghìn tỷ yen lần đầu tiên trong ba năm. Ngân sách được thông qua lúc đầu là 96,72 nghìn tỷ yen trong bối cảnh dân số già hóa nhanh chóng khiến các khoản chi cho an sinh xã hội gia tăng.

Trong 4,11 nghìn tỷ yen chi mới, 3,99 nghìn tỷ sẽ được tài trợ cho gói kích thích kinh tế trị giá 28 nghìn tỷ yen đã được chính phủ thông qua trong tháng này, bao gồm việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng nhằm thu hút du khách nước ngoài, thúc đẩy xuất khẩu nông sản và đẩy mạnh các biện pháp an sinh xã hội nhằm khuyến khích chi tiêu tiêu dùng.

Chính phủ Nhật Bản sẽ phát hành trái phiếu xây dựng trị giá 2,75 nghìn tỷ yen khi nguồn thu giảm sút, với tổng mức phát hành trái phiếu tăng so với tài khóa trước lần đầu tiên trong bốn năm.

Phát biểu với báo giới sau khi chính phủ thông qua ngân sách bổ sung, Bộ trưởng Tài chính Taro Aso nói chính phủ vẫn giữ vững mục tiêu đạt thặng dư ngân sách cơ bản (chưa tính số tiền dùng để trả nợ) vào tài khóa 2020, cam kết duy trì mục tiêu cải cách tài chính.

Ông cũng bày tỏ hy vọng các biện pháp kích thích sẽ góp phần cải thiện lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, khi chính phủ sẽ thúc đẩy các dự án đầu tư lớn như xây dựng cơ sở hạ tầng, tranh thủ lãi suất thấp.

Kinh tế Nhật Bản tăng trì trệ trong quý II năm nay, xuất khẩu giảm mạnh trong tháng trước và lòng tin của doanh nghiệp quay lại mức trước khi chính sách phục hồi nền kinh tế của Thủ tướng Abe được thực hiện.

Tất cả những điều đó khiến các nhà hoạch định chính sách gặp khó khăn hơn để thay đổi tình trạng giảm phát, trong lúc đã đối mặt với những rủi ro từ bên ngoài.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục