Nhiều cơ hội để thu hút các nhà đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam

20:10' - 19/05/2018
BNEWS Tại một cuộc gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội, rất nhiều doanh nghiệp cũng đã đánh giá rất cao về môi trường và các chính sách thu hút đầu tư tại Việt Nam.

Kinh tế của Việt Nam đang tăng trưởng ổn định, thị trường vẫn còn rất nhiều lĩnh vực tiềm năng … đang kéo dòng vốn từ Hàn Quốc chảy vào Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt tiếp tục đổi mới để cùng phát triển và lớn mạnh nếu không muốn trở thành những “vị khách” trên chính sân nhà.

 Tăng vốn mở rộng đầu tư

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2018, Hàn Quốc đã dẫn đầu trong số 82 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 2,32 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng vốn đầu tư. Đây được đánh giá là một biểu hiện thực chất và có sức lan tỏa về niềm tin của nhà đầu tư Hàn Quốc đối với Việt Nam.

Ấn tượng trong danh sách các dự án FDI quy mô lớn đăng ký đầu tư tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay là Dự án LG Innotek Hải Phòng của Hàn Quốc với đề xuất tăng vốn đầu tư thêm 501 triệu USD, cũng được xem là “cú hích” góp phần gia tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm.

Được cấp chứng nhận đầu tư từ tháng 9/2016, mục tiêu của LG Innotek là xây dựng một nhà máy chuyên sản xuất module camera tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng), với tổng vốn đầu tư 550 triệu USD. Với việc tăng vốn lần này, LG Innotek có tổng vốn đăng ký 1,05 tỷ USD, đưa cả 3 dự án mà LG đầu tư tại Việt Nam đều có quy mô vốn trên 1 tỷ USD. Hai dự án còn lại là LG Display và LG Electronics đều có vốn đăng ký 1,5 tỷ USD.

Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã đánh giá rất cao về môi trường và các chính sách thu hút đầu tư tại Việt Nam. Ảnh minh họa: TTXVN

Tiếp đến là dự án Công ty TNHH Kefico Việt Nam, cấp phép năm 2009 với mục tiêu sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ tại Hải Dương điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 120 triệu USD.

Bên cạnh đó, vừa qua, Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) cho biết sẽ chuyển trụ sở chính của họ ở Đông Nam Á từ Singapore tới Việt Nam để hỗ trợ các công ty Hàn Quốc đang hoạt động ở thị trường đang phát triển nhanh này. KOTRA cho hay quyết định này được đưa ra sau khi xem xét số công ty Hàn Quốc có trụ sở ở Việt Nam hay doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư vào Đông Nam Á ngày càng gia tăng.

Ngoài ra, KOTRA cũng có kế hoạch mở các trung tâm thương mại mới ở Ahmedabad, thành phố công nghiệp ở miền Tây Ấn Độ và ở Đà Nẵng, trung tâm thương mại ở miền Trung Việt Nam. Theo Giám đốc điều hành của KOTRA Kwon Pyung-oh, cơ quan này sẽ mở rộng các trung tâm thương mại ở các thị trường đầy tiềm năng để thích ứng với môi trường thương mại đang thay đổi.

Tại một cuộc gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội, rất nhiều doanh nghiệp cũng đã đánh giá rất cao về môi trường và các chính sách thu hút đầu tư tại Việt Nam.

Ông Gunjae Kim, Chủ tịch Công ty thuốc thú y Hwasung Co, Ltd (Hàn Quốc) cho biết, hiện có rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc thuộc các lĩnh vực đã thâm nhập và hoạt động khá lâu tại Việt Nam. Riêng lĩnh vực thuốc thú y của Hàn Quốc cũng mới nổi lên và dành sự quan tâm tới thị trường Việt Nam. Do vậy, hội thảo này là cơ hội để Công ty Hwasung tìm hiểu thị trường có thực sự phù hợp để xúc tiến hay chưa.

Ông Gunjae Kim cho biết, trước đây từng có rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, do chính sách thu hút đầu tư ở Việt Nam hiện tốt hơn rất nhiều, môi trường đầu tư cũng được cải thiện và thông thoáng hơn nên kéo theo xu hướng hàng loạt doanh nghiệp Hàn Quốc đổ sang thị trường Việt Nam. Điều đó cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc đang và sẽ đầu tư tại Việt Nam đánh giá rất cao về môi trường và các chính sách thu hút đầu tư tại đây.

Khi được hỏi về ý định thâm nhập và phát triển tại thị trường Việt Nam, ông Gunjae Kim cho biết, hiện tại, doanh nghiệp chưa có ý định mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam, song rất mong muốn tìm kiếm cơ hội giao thương, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu với các doanh nghiệp Việt Nam trong cùng lĩnh vực.

Với những hoạt động tích cực từ các doanh nghiệp Hàn Quốc, Việt Nam đang kỳ vọng, sẽ trở thành cứ điểm sản xuất và giống như “quê hương” thứ hai của các doanh nghiệp Hàn Quốc.

 Niềm tin của các nhà đầu tư

Mặc dù, bên cạnh những tín hiệu tích cực từ các nhà đầu tư nhưng vẫn còn không ít ý kiến bày tỏ quan ngại về sự sụt giảm trong thu hút FDI khi 4 tháng đầu năm 2018, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam chỉ đạt 8,06 tỷ USD, bằng 76,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Nguyên nhân là do thiếu vắng các dự án tỷ USD (3 tháng năm ngoái, chỉ riêng Dự án Samsung Display đã tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD). Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận là, nếu không có niềm tin thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ không dốc thêm vốn để đầu tư.

Câu chuyện của LG, tập đoàn Hàn Quốc đang từng bước mong muốn Việt Nam trở thành điểm sản xuất của mình, giống như Samsung; hay Banyan Tree, sau nhiều năm gặp không ít trở ngại, vẫn kiên trì mục tiêu đầu tư lâu dài tại Việt Nam với việc mở rộng Dự án Laguna Lăng Cô... là một ví dụ.

Những vướng mắc, khó khăn trong thu hút FDI của Việt Nam trong năm 2018 thực tế đã được nhận diện ngay từ các tháng cuối năm 2017. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, đang và sắp có những tác động thuận lợi trong thu hút FDI trong năm nay.

Đại diện các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Một điều tích cực đáng ghi nhận nữa, theo ông Hoàng, là vốn FDI giải ngân vẫn tiếp tục gia tăng. Từ đầu năm đến ngày 20/4/2018, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 5,1 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Để cải thiện thu hút FDI, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, chúng ta phải thay đổi tư duy trong thu hút đầu tư nước ngoài. “Đề nghị cần thay đổi cơ bản về định hướng đầu tư nước ngoài, đặc biệt cần xúc tiến đầu tư có mục tiêu chứ không phải xúc tiến đầu tư theo kiểu đại trà.

“Chúng ta cần nâng cao chất lượng đầu tư FDI, gắn kết FDI và doanh nghiệp tư nhân để tham gia nhiều hơn, hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nếu làm được thì tăng trưởng rất nhanh”, GS Nguyễn Mại nhấn mạnh.

Ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trước mắt, cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp về hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư theo hướng nhất quán, công khai, minh bạch; tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và có tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần chọn lọc các dự án có chất lượng, công nghệ cao, thân thiện môi trường, sản phẩm có sức cạnh tranh cao và phù hợp với định hướng tái cấu trúc nền kinh tế của từng vùng, từng ngành và quốc gia.

“Thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh cao tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, các doanh nghiệp phụ trợ”, ông Quang nhấn mạnh.

Ngoài việc thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn và tập đoàn đa quốc gia, Việt Nam cũng cần chú trọng việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, không thu hút các dự án tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng, công nghệ lạc hậu và sử dụng không hiệu quả đất đai, tài nguyên; đồng thời, phải chú trọng huy động mọi nguồn lực để thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; nhất là hệ thống giao thông kết nối giữa các vùng miền, các khu vực trọng điểm về kinh tế; nhanh chóng triển khai hiệu quả phương thức đầu tư theo hình thức PPP. Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, Hiệp định CPTPP đã ký và khả năng sẽ đem lại nhiều tín hiệu tốt giúp thu hút được luồng vốn đầu tư có chất lượng hơn.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực từ phía các nhà đầu tư; đặt biệt đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc, cùng với đó là các giải pháp luôn được đặt ra cho thấy, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam tiếp tục được củng cố và gia tăng./.

>>> Hợp tác với Samsung đào tạo nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục