Những câu hỏi mới về mối quan hệ Mỹ - Nhật

06:30' - 16/11/2017
BNEWS Theo mạng tin của tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor, trong 7 thập niên qua, Mỹ là đồng minh song phương quan trọng nhất của Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong chuyến công du của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Nhật Bản, ông và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thể hiện những mối ràng buộc chặt chẽ giữa hai nước. Tuy nhiên, những thay đổi trong trật tự thế giới trong mấy năm qua đã làm dấy lên những câu hỏi mới về mối quan hệ đối tác này.
Đơn cử như sự trỗi dậy của Trung Quốc gây ra sự hoài nghi về việc liệu Nhật Bản có thể tiếp tục dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh của mình hay không? Chiến lược tốt nhất của Nhật Bản để chèo lái qua giai đoạn địa chính trị mới này là duy trì quan hệ càng thân càng tốt với Mỹ, đồng thời tìm kiếm những thỏa thuận mới với những nước có thể giúp bảo vệ lợi ích của họ.
Trong 3 thập niên qua, Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, vươn lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng kinh tế thế giới. Cùng với đó, Bắc Kinh tăng cường sức mạnh quân sự, trong đó có hải quân, và mở rộng ảnh hưởng tại khu vực, nhất là tại Biển Đông.

Thực tế này cùng với 70 năm tự áp đặt chủ nghĩa hòa bình đã kìm hãm quân đội Nhật Bản chỉ giới hạn ở một lực lượng nhỏ, tuy có tài. Năm nay, Thủ tướng Sinzo Abe tuyên bố chính quyền sẽ bãi bỏ những hạn chế truyền thống giới hạn chi tiêu quân sự ở mức 1% GDP của Nhật Bản.

Tuy nhiên, có lẽ quốc gia này không thể dành đủ số tiền để duy trì khả năng hạn chế hiện nay của quân đội, chứ chưa nói đến là hiện đại và cải thiện họ.
Tuy nhiên, khả năng răn đe quân sự chỉ là một trong những biện pháp để tránh khủng hoảng. Ngoại giao là phương án khả thi hơn đối với Nhật Bản. Quốc gia này lâu nay đã sử dụng tài sản mà họ dư thừa, đó là vốn, để bổ trợ cho những chiến lược địa chính trị của mình thông qua đầu ra nước ngoài, cả khu vực công lẫn khu vực tư nhân.

Đơn cử như sau hàng thập niên đầu tư vào các quốc gia ASEAN, Nhật Bản đã giành được thiện cảm của các thành viên khối này (60% lượng dầu nhập khẩu của Nhật Bản đi qua Eo biển Malacca, nơi có biên giới của 4 quốc gia ASEAN).

Trong 12 tháng qua, Nhật Bản đã đẩy nhanh những nỗ lực tăng cường quan hệ với những quốc gia này; ông Abe đã gặp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte 4 lần kể từ khi ông này lên cầm quyền ở Manila hồi năm ngoái. Nhật Bản cũng ký sáng kiến quốc phòng đầu tiên với ASEAN hồi năm ngoái như một phần của chiến dịch ngoại giao thân thiện.
Xa hơn nữa về mặt địa lý, quan hệ song phương mới gây dựng giữa Nhật Bản và Ấn Độ đang ngày càng nhận được sự chú ý. Hai cường quốc này - đều thận trọng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc - đang làm thành một "cặp đôi hoàn hảo", và mối quan hệ song phương có vẻ sẽ được làm sâu sắc hơn trong những năm tới.

Kể từ năm 2016, Nhật Bản đã công khai tuyên truyền chính sách một "Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở cửa". Ngoài ra, Tokyo đã tham gia cùng với Mỹ và Ấn Độ vào cuộc tập trận hải quân thường niên Malabar năm 2015 và đang trợ giúp quốc gia Nam Á này phát triển quân sự cho quần đảo Andaman chiến lược, nằm gần Eo biển Malacca.

Tokyo và New Delhi cũng khai trương dự án kinh tế chung kết nối Nam Á và Đông Á thông qua những đường biển tương tự nối liền Nhật Bản và Trung Đông. Tương tự, Nhật Bản và Ấn Độ đều đầu tư vào dự án phát triển cảng Chabahar ở Iran.
Một cách tiếp cận khác mà Nhật Bản có thể thực hiện để xử lý những rủi ro đối với các tuyến đường cung cấp của họ là đa dạng hóa các nguồn năng lượng, thay vì chỉ dựa vào Trung Đông.

Tokyo đã và đang theo đuổi chiến lược này với Australia, một đồng minh quan trọng hơn bao giờ hết đối với Nhật Bản do quốc gia này có sức mạnh hải quân đáng kể tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Thậm chí, Tokyo còn từng tìm cách lôi kéo Australia tham gia đối thoại đối tác với Mỹ và Ấn Độ năm 2017 bằng cách khôi phục Đối thoại An ninh Bốn bên. Mặc dù kết cấu này đã thất bại ngay sau đó, song Nhật Bản lại vừa mới nêu lại ý tưởng này, và 4 nước dự kiến nhóm họp bên lề Hội nghị cấp cao Đông Á vào tuần tới. 
Bên ngoài khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Nhật Bản đang để mắt đến Nga như một đối tác tiềm tàng. Bất chấp cuộc tranh chấp kéo dài với Moskva xung quanh quần đảo Kuril, Tokyo có thể được lợi từ việc thúc đẩy quan hệ với Nga.

Ví dụ như quốc gia này đang chuyển trọng tâm từ các thị trường năng lượng ở phía tây sang xây dựng hạ tầng cơ sở cần thiết để phục vụ các nhà nhập khẩu ở phía đông; Nga dự kiến vận chuyển 30% lượng dầu của họ sang phía đông tính đến cuối năm nay.

Ngoài ra, đề xuất đường ống dẫn dầu từ đảo Sakhalin của Nga tới Hokkaido sẽ là "lộc trên trời rơi xuống" đối với Nhật Bản, đem lại đường ống dẫn năng lượng không phụ thuộc vào các tuyến đường biển lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại của quốc gia này.

Mặt khác, việc tạo dựng quan hệ thân thiết hơn với Moskva có thể giúp Tokyo đối phó với quan hệ đối tác mới hình thành giữa Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, khiến Nga không quan tâm tới Bắc Kinh nữa là điều không dễ dàng - đó là chưa kể đến việc khó có thể dàn xếp tranh chấp xung quanh Kurils.
Cuối cùng, Nhật Bản có thể có những bước đi nhằm giảm thiểu nhu cầu nhiên liệu hóa thạch. Trong mấy năm qua, quốc gia này đã có một số bước đi theo hướng này. Đơn cử như sau thảm họa Fukushima, người dân Nhật Bản đã đoàn kết cùng nhau giảm bớt nhu cầu năng lượng bằng cách tạo ra một số thói quen tiết hiệm hơn.

Vì Nhật Bản là quốc gia tiên phong về các công nghệ mới, nên nước này hoàn toàn có thể sử dụng những phát minh thân thiện với môi trường như là xe không chạy bằng xăng và công nghệ lưu trữ năng lượng. Tuy nhiên, với nhu cầu cao như hiện này, sự phụ thuộc của Nhật Bản vào nhiên liệu hóa thạch sẽ không thể biến mất một sớm một chiều.
Trong bối cảnh đó, Nhật Bản không thể lơ là quan hệ với Mỹ. Trong một kịch bản lý tưởng, Mỹ sẽ vẫn là đối tác vừa sẵn lòng, vừa hoàn toàn có thể đảm bảo an ninh cho đường biển của Nhật Bản. Tuy nhiên, Tokyo sẽ cần xây dựng một kết cấu liên minh mới để bảo vệ vị thế của mình trong trật tự thế giới mới.

Từ nay cho tới khi thực hiện được nhiệm vụ này, Nhật Bản cần phải duy trì sự quan tâm của Washington đối với khu vực ở mức như từ trước đến nay. Nếu không, quốc gia nằm giữa biển này có thể bị cắt đứt nguồn cung dầu - mối lo sợ địa chính trị lớn nhất của họ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục