Những “cột mốc sống” nơi biên cương

15:41' - 17/02/2018
BNEWS Khi vai trò của các già làng được phát huy, tinh thần cố kết cộng đồng trong đồng bào dân tộc thiểu số thêm phần được thắt chặt.

Là địa bàn vùng biên giới, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, những năm qua huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, tích cực phát huy tiếng nói của già làng, người có uy tín trong cộng đồng và xem đó là kênh thông tin quan trọng để chính quyền địa phương chuyển tải những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào.

Khi vai trò của các già làng được phát huy, tinh thần cố kết cộng đồng trong đồng bào dân tộc thiểu số thêm phần được thắt chặt. Nhờ đó, họ đã giúp nhau làm ăn, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo một cách bền vững.

Sau nhiều năm sử dụng, chiếc cầu treo dân sinh nằm trên tuyến đường huyết mạch của bản Hin Cáp, xã Mường Và đã xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa tính mạng của người dân, nhất là những giáo viên mầm non ngày ngày phải đi qua cầu để đến điểm trường trong bản dạy học.

Trước tình trạng này, ông Lò Văn Linh, là người uy tín, đồng thời cũng là Bí thư Chi bộ bản Hin Cáp đã thống nhất với Ban quản lý bản huy động thanh niên, đàn ông trong bản chặt gỗ sửa cầu. Chỉ sau một ngày, gần 20 người cùng nhau lao động, chiếc cầu được tu sửa chắc chắn hơn.

Là người thường xuyên đi qua cây cầu này, chị Hoàng Thị Thùy, giáo viên trường Mầm non Hoa Chăm Pa, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, chia sẻ: "Trước đây, cầu hư hỏng nhiều, các thầy, cô giáo đi dạy ở điểm lẻ phải qua đây rất nguy hiểm, nhất là vào những hôm mưa to, gió lớn. Nay cầu đã được bác Linh và người dân trong bản sửa xong, chúng tôi đi dạy yên tâm hơn."

Còn đối với ông Lò Văn Chiến, Bí thư Chi bộ, người có uy tín bản Hin Cáp, xã Mường Và, những công việc như vậy là hoạt động bình thường. Bởi người có uy tín phải là đầu tàu, gương mẫu trong việc chấp hành chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước, phải là người đi trước, làm trước; đồng thời tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện theo đường lối đó. Quan trọng nhất là phải được bà con tin tưởng, đồng lòng, như vậy việc khó mấy cũng thành công.

Thực tế nhiều năm qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã trở thành nòng cốt các phong trào, cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước, như cuộc vận động phòng chống tệ nạn xã hội, tệ nạn ma túy; ngăn chặn truyền đạo trái pháp luật, hòa giải các mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư.

Đồng thời, tiếng nói của những già làng, trưởng bản, người có úy tín còn giữ vai trò quan trọng trong việc vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội...

Ông Lò Văn Chiến, người có uy tín bản Mường Và, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, bộc bạch, bản thân ông luôn tuyên truyền hướng dẫn bà con triển khai thực hiện các mô hình như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Nhưng trước hết, chính bản thân ông và gia đình phải là những người thực hiện tốt và có hiệu quả. Khi đó, bà con mới tin tưởng, nghe theo.

Không chỉ là cầu nối giữa chính quyền với nhân dân, những già làng, trưởng bản, người có uy tín ở vùng biên còn tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, pháp luật vùng biên giới. Với 120 km đường biên chạy dài qua nhiều bản làng vùng sâu, vùng xa ở huyện Sốp Cộp, những già làng, trưởng bản, người có uy tín đã thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền.

Ngoài ra, họ còn là nguồn cung cấp thông tin kịp thời về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn, giúp lực lượng biên phòng xử lý kịp thời. Vì thế, họ được ví như là những “cột mốc sống” nơi biên cương. Với những người có uy tín, việc tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới không chỉ là trách nhiệm mà còn là vinh dự khi góp phần gìn giữ sự bình yên của Tổ quốc.

Thượng tá Phạm Văn Toan, Đồn trưởng đồn Biên phòng Nậm Lạnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại vùng biên giới, lực lượng biên phòng khi đi công tác ở các bản làng vùng sâu, vùng xa luôn nhận được sự giúp đỡ, đùm bọc của đồng bào các dân tộc, nhờ đó đã giúp cán bộ, chiến sỹ hoàn thành nhiệm vụ của mình trong bảo vệ an ninh trật tự và chủ quyền biên giới.

Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là lực lượng nòng cốt hết sức đặc biệt và là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Họ là những người dám mạnh dạn góp ý, phê bình cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các hương ước, quy ước của bản làng.

Là người được bà con suy tôn, kính trọng, tin yêu, những già làng, trưởng bản, người có uy tín chính là chỗ dựa tinh thần của cộng đồng dân cư. Giản dị, nhiệt huyết và đầy trách nhiệm, những già làng, người có uy tín ở khắp nơi đã và đang là tấm gương sáng, là điểm tựa tinh thần trong đồng bào các dân tộc thiểu số.

Bí thư Huyện ủy Sốp Cộp Đinh Thị Tuân cho biết, tại địa bàn huyện hiện có hơn 120 già làng, trưởng bản, người có uy tín tại các bản làng. Đây là lực lượng rất quan trọng giúp chính quyền địa phương triển khai các nhiệm vụ về phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh – quốc phòng đến đồng bào.

Hàng năm, vào những dịp lễ, tết, chính quyền địa phương đều có những hoạt động thăm hỏi, động viên người có uy tín.

Ngoài ra, huyện còn tổ chức các lớp bồi dưỡng cho người có uy tín; đưa người có uy tín đi tham quan, học tập các mô hình kinh tế trong và ngoài tỉnh, từ đó nâng cao nhận thức, kinh nghiệm để người có uy tín ngày càng phát huy được vai trò của mình, tiếp tục tuyên truyền vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương của huyện, nhất là chủ trương phát triển kinh tế, xây dựng, phát triển Đảng, giữ vững an ninh quốc phòng trên địa bàn./.

>>> Ngôi chùa đầu tiên trên mảnh đất biên cương phía Bắc của Tổ quốc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục