Xuân về trên biên cương

21:22' - 17/02/2018
BNEWS Những ngày này, Xuân đã về trên những cành hoa đào bung nở sắc hồng. Những tràn ruộng bậc thang được tô điểm bởi sắc vàng hoa cải...

Hằng năm, khi những cơn mưa cuối cùng của mùa hạ chấm dứt, mảnh đất biên cương thuộc xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương (Lào Cai) lại bước vào mùa thiếu nước trầm trọng.

Tuy vậy, đồng bào các dân tộc Thu Lao, Phù Lá, Tu Dí, Mông… sinh sống trên mảnh đất này vẫn luôn bám đất sản xuất, cùng chiến sĩ Biên phòng bảo vệ biên giới.

Cõng nước cùng dân

Trước Tết cổ truyền ít ngày, được sự giúp đỡ của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai, chúng tôi đã có chuyến công tác lên Tả Gia Khâu. Từ thị trấn Mường Khương chỉ có một cung đường duy nhất ngược hướng Bắc theo Quốc lộ 4D để đến Tả Gia Khâu. Trên đường đi, những làn mây mỏng vờn ngang lưng núi; bản làng, cây lá ẩn hiện phía xa xa.

Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu được giao nhiệm vụ bảo vệ 12,5 km đường biên, địa hình vô cùng hiểm trở, nhiều núi cao, vực thẳm. Địa bàn này có hơn 5.000 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Đường biên giới hoàn toàn là sông, suối với vách núi cao quẩn trắng sương mù, vực thẳm sâu hun hút.

Ai đã từng đến mảnh đất này đều nhận thấy ở đây gắn với "3 cái nhất": Xa nhất, ít dân nhất và thiếu nước nhất trong huyện Mường Khương. Gian khổ là thế nhưng cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng vẫn duy trì nề nếp tuần tra. Cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã triệt phá nhiều vụ án ma túy, ngăn chặn tình trạng mua bán phụ nữ, trộm cắp trâu bò qua biên giới.

Chúng tôi theo chân Thượng tá Phan Đức Mạnh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu đến thôn Sín Pao Chải. Con đường bê-tông rộng mở, thấp thoáng sắc đào phai bình dị. Những ngày này, bà con đã tạm gác việc đồng áng, tập trung gói bánh chưng, chuẩn bị đón Tết, đặc biệt là dự trữ nước để phục vụ sinh hoạt trong những ngày Xuân.

Thượng úy Giàng A Trú, Đội trưởng đội vận động quần chúng nhân dân của Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu cho biết, nước ở đây rất hiếm, thổ nhưỡng ở đây cũng rất lạ, bình thường đất tươi xốp, trông có vẻ màu mỡ nhưng khi có cơn mưa lớn ào ạt như thác đổ, nước trôi đi đâu hết, không có khe trũng nào ở vùng núi đá vôi này giữ nổi nước.

Bao nhiêu năm nay “thiếu nước” là đề tài muôn thuở ở Tả Gia Khâu. Khó khăn là vậy nhưng các chiến sĩ của đồn luôn đặt mục tiêu muốn giữ yên biên giới, Bộ đội Biên phòng luôn đồng hành cùng nhân dân, giúp người dân ổn định đời sống ngay trên quê hương mình; trong đó, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt là việc vô cùng quan trọng. Vào những ngày thường, đơn vị cử 3- 4 chiến sĩ xuống thôn cùng dân bản gùi nước về nhà; còn những ngày giáp Tết, đơn vị bổ sung 6-7 chiến sĩ đến giúp bà con.

Anh Vàng Seo Pao phấn khởi nói: “Nhờ có Bộ đội Biên phòng giúp sức, gia đình tôi cũng dự trữ vừa đủ nước để sinh hoạt. Bên cạnh đó, bộ đội còn xuống tận nhà vận động trồng giống lúa mới trên ruộng bậc thang, trồng rừng giữ nguồn nước, chăn nuôi trâu bò. Nhờ thế, gia đình tôi đã có tiền mua sắm được nhiều thiết bị hiện đại, đã bớt đói, nghèo, con cái được đi học đầy đủ”.

Ngập tràn sắc Xuân

Những ngày này, Xuân đã về trên những cành hoa đào bung nở sắc hồng. Những tràn ruộng bậc thang được tô điểm bởi sắc vàng hoa cải. Trên các vạt nương cheo leo bên vách đá, những bắp ngô vàng đã được thu hoạch.

Theo tiếng địa phương, Tả Gia Khâu có nghĩa là cái “yên ngựa lớn”. Từ trên cao nhìn xuống, toàn bộ con đường đi qua thôn trung tâm Tả Gia Khâu xuống Na Măng, Lao Tô Chải như một cái yên ngựa khổng lồ. Trước kia Tả Gia Khâu nghèo lắm, cái đói như quẩn quanh từng nếp nhà, dân trí thấp và còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu.

Giờ đây, vùng đất này như đã được "thay áo mới" nhờ sự đồng lòng “xua tan cái nghèo” của bà con dân bản, chính quyền địa phương và sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng. Trong những năm qua, cán bộ và chiến sĩ Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu đã thực hiện phương châm “bốn biết” ( biết phong tục tập quán; biết nhân thân, lý lịch; biết ngôn ngữ; biết thực trạng) và “bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng tiếng nói) để thuận lợi cho công tác vận động quần chúng.

Các chiến sĩ của Đồn luôn xuống bản cầm tay chỉ việc hướng dẫn người dân tìm nguồn nước canh tác lúa, trồng ngô lai giống mới, trồng cỏ nuôi gia súc...

Tết đã về với các hộ dân ở bản Na Măng. Bên ngoài, những người đàn ông đang mổ lợn, trong bếp lửa hồng tí tách, chị em xúng xính váy áo sặc sỡ nói cười rôm rả. Mùi xôi nếp lan tỏa khắp căn nhà. Không khí vui tươi xóa đi vẻ u tịch của chốn “thâm sơn cùng cốc”.

Được Thượng tá Mạnh giới thiệu có các nhà báo đến thăm, Trưởng bản Giàng Phủ Sẻng hồ hởi cho biết: “Chúng tôi cảm ơn bộ đội ở đồn Tả Gia Khâu nhiều lắm, các đồng chí ấy không chỉ giữ biên giới, mà còn tham gia vận động trẻ em đến trường, lấy nước giúp dân, tuyên truyền người dân ăn ở hợp vệ sinh, đôi khi còn làm “thầy thuốc bất đắc dĩ”, rồi kiêm luôn vai trò “hòa giải viên”.

Ngược lên Lao Tô Chải, chúng tôi thấy nhiều ngôi nhà lợp ngói xi – măng sáng lên trong nắng Xuân, những hàng trẩu và thông mã vĩ đang khép tán xanh ngắt trên những triền đồi chạy dọc biên giới. Những cây đào rừng bừng nở khoe sắc giữa cao nguyên đá.

Người già, con trẻ đồng bào dân tộc Thu Lao ùa ra đón khách như người thân trong gia đình, ai cũng mời vào uống chén rượu ngô thơm nồng, ăn miếng bánh dày nếp mới, tình cảm quân dân gắn bó thật sâu nặng.

Xuân đang về trên khắp nẻo biên cương Tả Gia Khâu với sự khoe sắc của hoa đào, hoa mơ, hoa mận. Những đụn khói bốc lên từ những nóc nhà của đồng bào đã thể hiện sự ấm no, bình yên.

Những kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của những người lính Biên phòng đang ngày đêm âm thầm băng rừng, vượt dốc, vững tay súng để bảo vệ từng tấc đất biên cương và những mùa Xuân của Tổ quốc./.

>>> Ngôi chùa đầu tiên trên mảnh đất biên cương phía Bắc của Tổ quốc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục