Những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong kinh tế doanh nghiệp trong năm 2017 (Phần 1)

05:30' - 05/01/2018
BNEWS 2017 được coi là một năm có nhiều thăng trầm không chỉ với nền kinh tế vĩ mô nói chung, mà còn đối với cả giới doanh nghiệp – những đối tượng được coi là “chiếc xương sống” của từng nền kinh tế.
Biểu tượng Samsung tại văn phòng ở Seoul, Hàn Quốc ngày 31/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Chaebol sảy chân, đại gia Takata sụp đổ, đồng tiền ảo bitcoin và người máy Sophia là những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2017. Hãy cùng nhìn lại bức tranh đa sắc với những mảng màu sáng – tối đan xen của các tập đoàn lớn trên thế giới trong năm vừa qua.

Các Chaebol sảy chân

Cú sốc đầu tiên trong năm 2017 diễn ra tại “xứ Kim Chi”, với sự kiện Phó Chủ tịch Samsung Electronics là ông Lee Jae-yong bị bắt từ tháng Hai do được cho là có liên quan đến vụ bê bối chính trị đã khiến cựu Tổng thống Park Geun-hye mất chức và bị kết án. Đến tháng 8/2017, ông Lee Jae-yong chính thức bị kết án 5 năm tù vì nhiều tội danh, trong đó có đưa hối lộ, tham nhũng và khai man.

Đây được coi là một vết nhơ lớn đối với tập đoàn kinh tế lớn nhất Hàn Quốc, khiến không chỉ Samsung mà cả “xứ Kim Chi” chấn động mạnh vì nó đã phơi bày ra mối quan hệ mờ ám giữa một Chaebol (tên gọi chung cho các tập đoàn tài phiệt lớn của Hàn Quốc) hàng đầu và tầng lớp chính trị gia cao cấp.

Trong khi đó, một “đại gia” khác là Hyundai Motor Group cũng vừa có một hành trình đầy gian nan trong năm nay khi trở thành mục tiêu chính trong chính sách cải cách các tập đoàn gia đình trị mà chính phủ mới của Hàn Quốc đề ra.

Bên cạnh đó, căng thẳng ngoại giao giữa Seoul và Bắc Kinh liên quan đến việc Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giao đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ nước này cũng gây ảnh hưởng đến Hyundai khi Trung Quốc đưa ra nhiều biện pháp trả đũa kinh tế đối với các công ty Hàn Quốc.

Hậu quả là trong giai đoạn tháng 1-7/2017, Hyundai Motor và Kia Motors, hai “cánh tay” của tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất Hàn Quốc Hyundai Motor Group, đã ghi nhận doanh số bán hàng giảm 46% so với năm 2016. Trong đó, doanh số bán cho đối tượng khách hàng Trung Quốc đã giảm xuống chỉ còn 500.964 chiếc xe, từ mức 919.380 chiếc của năm trước đó.

Vận xui của các “đại gia” Nhật Bản

Hãng sản xuất túi khí ô tô lớn nhất thế giới Takata của Nhật Bản ngày 26/6/2017 đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản, qua đó đánh dấu vụ sụp đổ doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất của “xứ hoa anh đào” kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Theo nguồn tin từ hãng Bloomberg, Takata phá sản do sức ép nợ nần quá lớn từ việc phải thu hồi hàng triệu túi khí ô tô sau khi túi khí do hãng sản xuất bị cho là có liên quan tới nhiều cái chết của người dùng ôtô.

Tiếp đó, đến tháng 10/2017, làng công nghệ thế giới lại một lần nữa chấn động khi nghe tin tập đoàn sản xuất thép của Nhật Bản Kobe Steel Ltd. đã làm giả dữ liệu chất lượng sản phẩm và chuyển giao các sản phẩm không đáp ứng đủ quy cách về kỹ thuật mà khách hàng đưa ra.

Vụ bê bối này đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm tại Nhật Bản và gây ảnh hưởng tới những sản phẩm cung cấp cho khoảng 500 doanh nghiệp, trong đó có sáu nhà sản xuất ô tô nổi tiếng của Nhật Bản gồm Toyota, Mitsubishi Motors, Subaru, Mazda, Nissan và Honda. Vụ bê bối đã kéo giá cổ phiếu của Kobe Steel giảm đến hơn 40%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục