Những điểm mới trong mùa thi 2016

07:46' - 16/05/2016
BNEWS Kỳ thi THPT quốc gia 2016 có nhiều điều chỉnh tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh, giảm áp lực, gánh nặng cho xã hội, bảo đảm chất lượng nguồn tuyển cho các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ).

Mỗi tỉnh có một cụm thi do trường ĐH chủ trì

Bộ GD&ĐT quyết định mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất một cụm thi do trường ĐH chủ trì, một cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì. Một số thành phố tập trung nhiều trường ĐH như Hà Nội, TPHCM có thể tổ chức nhiều cụm thi do trường ĐH chủ trì.

Kỳ thi THPT quốc gia 2016 sẽ có nhiều điều chỉnh tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Ảnh minh họa: TTXVN
 

Dữ liệu thi sẽ được chia sẻ cho các trường, địa phương
Bộ GD&ĐT cam kết sẽ chia sẻ dữ liệu điểm thi cho các trường, địa phương để tránh tình trạng tắc nghẽn những ngày đầu công bố điểm thi đồng thời tạo thuận lợi cũng như sự chủ động cho các trường ĐH, CĐ trong công tác xét tuyển.
Các trường ĐH có thể xét tuyển chung
Với phương thức xét tuyển chung, phần mềm sẽ thực hiện xét tuyển trên một hệ cơ sở dữ liệu đăng ký xét tuyển duy nhất đối với tất cả các thí sinh đã đăng ký. Cơ sở dữ liệu này được quản trị thống nhất, được bảo mật ở mức độ cao nhất, bảo đảm tính chính xác. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng khẳng định việc các trường tham gia xét tuyển chung trên cơ sở tự nguyện.
Rút ngắn đợt xét tuyển
Bộ GD&ĐT quy định các đợt xét tuyển trên cơ sở các mức điểm khác nhau của thí sinh theo thứ tự từ cao xuống thấp để giảm rủi ro cho thí sinh và giảm thí sinh ảo cho các trường. Đồng thời, mỗi đợt xét tuyển diễn ra từ 5-7 ngày.
Đợt xét tuyển đầu tiên bắt đầu từ ngày 1/8/2016, thời gian đăng ký xét tuyển và xét tuyển là 12 ngày; mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành đào tạo.
Thời gian đăng ký xét tuyển và xét tuyển mỗi đợt tiếp theo là 10 ngày; mỗi thí sinh đăng ký xét tuyển mỗi đợt tối đa 3 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành đào tạo.
Khi đã đăng ký xét tuyển thí sinh không được phép rút hồ sơ.

Hạn cuối cùng của đợt xét tuyển đến hết ngày 20/10 đối với hệ ĐH và đến hết ngày 15/11 đối với hệ CĐ. Ảnh minh họa: TTXVN

Điều chỉnh điểm cộng ưu tiên
Bộ GD&ĐT siết chặt hơn nữa các điều kiện ưu tiên về khu vực và đối tượng. Điều này nhằm giảm thiểu thiệt thòi cho những thí sinh nằm ngoài khu vực ưu tiên do chênh lệch điểm cộng ưu tiên quá cao.
Thí sinh học liên tục và tốt nghiệp THPT tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó.
Nếu trong 3 năm học THPT có chuyển trường thì thời gian học ở khu vực nào lâu hơn được hưởng ưu tiên theo khu vực đó.
Nếu mỗi năm học một trường thuộc các khu vực có mức ưu tiên khác nhau hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian học ở trường kia thì tốt nghiệp ở khu vực nào, hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Quy định này áp dụng cho tất cả thí sinh, kể cả thí sinh đã tốt nghiệp từ trước năm tuyển sinh.
Học sinh có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học THPT) trên 18 tháng tại các xã khu vực III và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi theo Quyết định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nếu học THPT ở địa bàn thuộc huyện, thị xã có ít nhất một trong các xã thuộc diện nói trên.
Quân nhân, công an nhân dân được cử đi dự thi, nếu đóng quân từ 18 tháng trở lên tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó hoặc theo hộ khẩu thường trú trước khi nhập ngũ, tùy theo khu vực nào có mức ưu tiên cao hơn; nếu dưới 18 tháng thì hưởng ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú trước khi nhập ngũ.
Bỏ quy định đợt xét tuyển sau phải có điểm cao hơn đợt trước
Trong các năm trước, Bộ GD&ĐT luôn có quy định từ đợt xét tuyển sau (từ nguyện vọng 2), điểm xét tuyển không thấp hơn điểm xét tuyển nguyện vọng trước. Việc bỏ quy định này sẽ mở rộng cơ hội cho học sinh vào ĐH cũng như các trường dễ dàng hơn trong tuyển sinh.
Các trường được liên kết tuyển sinh theo nhóm
Các trường có thể quy định hình thức, điều kiện, thời gian đăng ký xét tuyển của thí sinh. Các trường ĐH (đặc biệt là nhóm khoảng 30 trường đại học có sức hút thí sinh mạnh mẽ nhất năm 2015) có thể phối hợp với nhau thực hiện tuyển sinh bằng phần mềm xét tuyển và cơ sở dữ liệu thí sinh đăng ký chung vào nhóm trường này để giảm ảo, tạo thuận lợi cho cả thí sinh và nhà trường.
Hiện đã có 3 nhóm trường liên kết tuyển sinh gồm nhóm GX do Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì, nhóm ĐH Đà Nẵng trong miền Trung và nhóm 8 trường sử dụng kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội./.

Xem thêmĐiểm mới trong kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2016

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục