Những điều cần biết về bệnh cúm A/H7N9 và một số biện pháp phòng tránh

06:12' - 27/02/2017
BNEWS Tỷ lệ tử vong do nhiễm cúm A/H7N9 trước đây là gần 50%, nay giảm còn 30% nhưng bệnh trở nặng rất nhanh nên không được chủ quan khi có dấu hiệu nghi ngờ.
Bệnh cúm A/H7N9 là bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng, do virus cúm A/H7N9 trên gia cầm lây sang người. Ảnh minh họa: EPA

Dịch cúm A/H7N9 được ghi nhận tại 17 tỉnh của Trung Quốc với số ca tăng nhanh nhất từ trước đến nay (hơn 425 ca mắc), trong đó có hai tỉnh giáp biên giới với Việt Nam là Quảng Tây và Vân Nam.

Do đó, mặc dù chưa ghi nhận các ca mắc cúm A/H7N9 trên người cũng như trên gia cầm, nhưng theo các chuyên gia, Việt Nam cần tăng cường giám sát trên gia cầm, người bởi nguy cơ dịch bệnh lây lan vào nước ta là rất lớn.

Nguyên nhân gây bệnh cúm A/H7N9

Bệnh cúm A/H7N9 là bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng, do virus cúm A/H7N9 trên gia cầm lây sang người, bệnh tiến triển nhanh và có tỷ lệ tử vong cao. Năm 2013 tại Trung Quốc lần đầu tiên báo cáo có ca nhiễm virus H7N9 ở người.

Virus cúm A/H7N9 thuộc nhóm ARN-virus, họ Orthomyxoviridae, giống Influenzavirus A, có chứa kháng nguyên bề mặt haemaglutinin 7 (H7) và kháng nguyên neuraminidase 9 (N9), có khả năng gây ra bệnh dịch cúm ở các loài lông vũ (avian infl uenza).

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) thì chủng virus A/H7N9 là kết quả của sự tái tổ hợp của genom từ 3 chủng virus cúm đang lưu hành là virus cúm vịt nhà (A/H7N3), virus cúm chim hoang dã (A/H7N9) và virus cúm gà (A/H9N2).

Virus cúm A/H7N9 có khả năng nhân lên trong các cơ quan hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu của loài chim và gia cầm, sinh sản ở đó và có mặt trong chất tiết của các cơ quan trên. Chủng A/H7N9 gây nhiễm cho gia cầm là chính và có khả năng lây nhiễm và gây bệnh cho người.

Độc lực của virus cúm A/H7N9 thể hiện trên gia cầm thường yếu hoặc hầu như không có (tức là con gia cầm hoàn toàn khoẻ mạnh nhưng lại mang virus cúm).

Tỷ lệ tử vong do nhiễm cúm A/H7N9 trước đây là gần 50%. Ảnh: EPA/TTXVN

Tuy nhiên, trên người độc lực lại thể hiện rõ ở 4 mức độ là loại cao (highly virulent/pathogen), loại vừa và nhẹ (moderately and mildly virulent) và loại không có độc lực (avirulent) thường là nhiễm virus không có triệu chứng và không gây tử vong.

Kháng nguyên virus có thể phát hiện bằng phản ứng chuỗi trùng hợp (PR-PCR) từ dịch họng hay dịch đường hô hấp dưới trong khi kháng thể đặc hiệu ở máu có thể sử dụng kỹ thuật sinh hóa (ELISA).

Theo đại diện Bộ Y tế cho biết, tỷ lệ tử vong do nhiễm cúm A/H7N9 trước đây là gần 50%, nay giảm còn 30% nhưng bệnh trở nặng rất nhanh nên không được chủ quan khi có dấu hiệu nghi ngờ.

Theo phân tích đặc điểm dịch tễ học mới nhất, hơn 90% số ca mắc có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, trong đó có 30 chùm ca bệnh. Virus được phân lập từ người bệnh cùng chùm ca bệnh có kết quả giống nhau với tỷ lệ rất cao. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng về sự lây truyền dễ dàng và bền vững từ người sang người.

Khả năng xâm nhập của dịch bệnh cúm A/H7N9 vào nước ta là rất cao

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tình hình dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc hiện đang diễn biến rất phức tạp, với số ca mắc tăng cao đột biến và tỷ lệ tử vong cao; còn tại tỉnh Svayrieng (Campuchia) - là tỉnh có chung đường biên giới với nước ta trong tháng 1-2017, cũng đã có một số ổ dịch cúm A (H5N1). Vì vậy, khả năng xâm nhập của dịch bệnh vào nước ta là rất cao.

Cán bộ kiểm dịch Y tế cửa khẩu Hữu Nghị kiểm tra thân nhiệt của khách nhập cảnh bằng máy test nhanh. Ảnh: Thái Thuần - TTXVN

Theo đại diện Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dù Việt Nam chưa ghi nhận dịch cúm A/H7N9 trên gia cầm, tuy nhiên từ đầu năm 2017 đến nay, trong nước đã phát hiện nhiều ổ dịch cúm gia cầm. Ổ dịch cúm gia cầm mới nhất được phát hiện trong ngày 20-2 tại xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.

Trước đó, trong tháng 2-2017, ngành chức năng đã phát hiện 3 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 ở tỉnh Bạc Liêu và Nghệ An. Cũng trong thời gian này, đã ghi nhận ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

Một số triệu chứng ở người nghi ngờ mắc bệnh cúm A/H7N9 và khuyến cáo của Bộ Y tế

- Triệu chứng nghi ngờ mắc cúm A/H7N9

+ Sốt cao 39 - 40 độ C.

+ Đau mỏi các khớp xương, nhức đầu, buồn nôn, nôn.

+ Một số bệnh nhân có biểu hiện viêm long đường hô hấp trên như sổ mũi, hắt hơi, đau họng…

+ Ho, tức ngực, khó thở tăng dần.

+ Các triệu chứng suy hô hấp: tím môi, đầu chi, thở nhanh, co kéo cơ hô hấp.

+ Các biểu hiện nặng, nguy kịch bao gồm: thiểu niệu hoặc vô niệu, phù, suy tim, đông máu nội quản rải rác, suy gan nặng, hôn mê…

+ Chụp X-quang phổi thấy có hình ảnh tổn thương giống như do cúm A/H5N1: các đám mờ không đồng đều, lúc đầu thường xuất hiện ở một thùy phổi sau lan ra khắp 2 phổi nếu không được điều trị kịp thời. Mức độ tổn thương phổi trên phim X-quang cũng tương ứng với độ nặng, nhẹ của bệnh nhân trên lâm sàng.

- Biện pháp phòng tránh bệnh cúm A/H7N9

Để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của virus cúm A/H7N9 sang người, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

+ Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc. Đảm bảo ăn chín, uống chín. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

+ Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

+ Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

+ Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời./.

[Nguồn: Bộ Y tế, TTXVN]

>>> Xuất hiện nhiều ổ dịch cúm gia cầm

>>> Siết chặt các biện pháp ngăn chặn vi rút cúm gia cầm A/H7N9 vào Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục