Những lưu ý để tránh mất tiền oan khi gửi tiết kiệm ngân hàng

14:23' - 25/09/2017
BNEWS Gửi tiền nhàn rỗi vào ngân hàng được xem là một trong những lựa chọn an toàn. Tuy nhiên nếu không nắm rõ các quy trình gửi tiết kiệm, bạn sẽ rất dễ mắc phải những sai lầm cơ bản dẫn đến mất tiền oan.
Khách hàng nên gửi tiền tiết kiệm tại quầy để tránh những rủi ro đáng tiếc. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN

Thời gian vừa qua, nhiều vụ gian lận, lừa đảo tiền gửi của khách hàng đã bị phát giác gây tâm lý hoang mang cho người gửi tiền. Hầu hết các vụ lừa đảo này đều xuất phát từ việc khách hàng không nắm được tình trạng của các khoản tiết kiệm của mình trong ngân hàng. Khi nào khoản tiết kiệm đến hạn? Lãi nhập gốc ra sao? Hay các biến động khác của khoản tiết kiệm...

Theo giới chuyên gia, với công nghệ phát triển như hiện nay, khách hàng nên sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến giúp dễ dàng truy vấn thông tin biến động tài khoản tiết kiệm qua điện thoại hoặc email một cách nhanh chóng.

Thông qua dịch vụ này, mọi thông tin về sổ tiết kiệm gửi trực tiếp tại quầy hay gửi online đều thể hiện rõ, giúp bạn dễ dàng quản lý số tiền gửi, lãi suất, kỳ hạn, ngày đến hạn của sổ.

Đây là phương pháp hiệu quả nhất giúp người gửi tiền có thể dễ dàng quản lý khoản tiết kiệm mọi lúc, mọi nơi và nhanh chóng có phương án xử lý trong trường hợp xảy ra những giao dịch bất thường.

Tuy nhiên trước khi gửi tiền, để tránh sổ tiết kiệm bị "bốc hơi", khách hàng cần thận trọng mỗi khi đặt bút ký. Nhiều khách hàng vì thân quen với nhân viên ngân hàng hay đã giao dịch nhiều lần tại ngân hàng đó nên tin tưởng và thường bỏ qua việc đọc kỹ nội dung chi tiết và các thông tin trên các biểu mẫu giao dịch.

Đồng thời, người gửi tiền không nên để trống các ô quan trọng trong biểu mẫu như: số tiền bằng cả chữ và số, số tài khoản, kỳ hạn, diễn giải nội dung…, kiểm tra các thông tin khớp đúng, chính xác mới tiến hành ký, tránh trường hợp ký khống giấy tờ.

Thêm nữa, khách hàng nên gửi tiền trực tiếp tại quầy thay vì yêu cầu nhân viên ngân hàng tới giao dịch tại nhà. Tuy cách làm này rất thuận tiện cho bạn và các nhân viên ngân hàng cũng rất nhiệt tình đáp ứng yêu cầu nhưng rủi ro khá cao. Bởi đã có nhiều trường hợp nhân viên ngân hàng giao sổ tiết kiệm giả mạo hoặc sau đó không đưa tiền về ngân hàng.

Việc bạn giao dịch ngay tại quầy sẽ được camera ghi nhận và có thể xem là bằng chứng chứng minh bạn đã có giao dịch và ngân hàng phải trả tiền cho bạn trong trường hợp nhân viên ngân hàng chiếm đoạt tiền của bạn.

Khi đã sở hữu cuốn sổ tiết kiệm trong tay, bạn cũng đừng quên kiểm tra kỹ lại các thông tin trên sổ như: họ tên, số tiền, thời hạn gửi, lãi suất, có dấu của ngân hàng hay chưa, các chữ ký liên quan của giao dịch viên, kiểm soát viên, giám đốc ngân hàng...

>>> Nên và không nên làm gì để tránh tiền trong sổ tiết kiệm bị "bốc hơi"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục