Những xu hướng cần "cảnh giác" trong năm 2018

11:18' - 15/05/2018
BNEWS Các vấn đề địa chính trị ngày càng gia tăng, "sóng gió" trên chính trường Mỹ và xu hướng tăng lãi suất trên toàn thế giới có thể sẽ đem đến nhiều thăng trầm cho các thị trường vốn trong năm nay.

Những năm qua, ngân hàng trung ương của nhiều nước trên thế giới đã tiến hành nới lỏng định lượng, giảm lãi suất và nới lỏng chính sách tiền tệ của mình. Lãi suất ở nhiều nền kinh tế tiên tiến vẫn ở các mức siêu thấp.

BoE có thể sẽ tăng lãi suất trong năm nay. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, chuyên gia Jeff Knight thuộc Columbia Threadneedle Investments cho rằng xu hướng này sẽ thay đổi trong năm 2018. Nhiều chuyên gia dự đoán Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Anh và Ngân hàng trung ương Canada sẽ nâng lãi suất trong năm nay.

Dù tăng lãi suất có thể là dấu hiệu tích cực cho thể trạng của nền kinh tế, song quá nhiều đợt tăng lãi suất dồn dập có thể khiến các thị trường rơi vào cảnh hỗn độn.

Ông Knight cho rằng lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn của Mỹ có thể đảo chiều và giảm xuống thấp hơn lợi suất trái phiếu chính phủ ngắn hạn nếu giới đầu tư tin rằng chính sách tiền tệ đang quá thắt chặt.

Hiện tại, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm đang ở mức khoảng 3,1%, trong khi con số này của trái phiếu kỳ hạn 5 năm là gần 2,8%.

Ông Jeff Knight nhận định rằng thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức có thể trở thành một “cơn gió ngược” đối với tăng trưởng kinh tế, điều đã từng xảy ra vào năm 2006 sau một loạt các đợt nâng lãi suất liên tiếp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc đang dần trở thành một lực lượng ngày càng nổi trội trên trường quốc tế cũng là một yếu tố tác động đến các thị trường. Ngày 11/3 vừa qua, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa XIII đã thông qua các nội dung sửa đổi hiến pháp, trong đó có đề xuất xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với vị trí Chủ tịch nước. Điều này sẽ mở đường cho Chủ tịch Tập Cận Bình có thể tiếp tục nắm quyền sau khi nhiệm kỳ thứ hai của ông kết thúc vào năm 2023.

Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: THX/ TTXVN

Ông Kim Catechis, người phụ trách các thị trường mới nổi của công ty đầu tư Martin Currie cho rằng trong nhiều trường hợp, điều này có thể giúp ổn định các thị trường toàn cầu, khi Chủ tịch Tập Cận Bình đã từng nói rằng ông muốn cải thiện các điều kiện về môi trường ở Trung Quốc, nâng cấp dịch vụ y tế và kiến tạo một nền kinh tế cân bằng hơn.

Trung Quốc cũng đang gia tăng mối quan hệ đối tác với nhiều quốc gia trên thế giới, và sáng kiến Vàng đai và Con đường của Bắc Kinh sẽ tạo ra những tuyến đường nối liền Trung Quốc, châu Âu, Nga và các nước lân cận khác. Đây là sự thay đổi “dài hơi” hơn trong trật tự thế giới, và những tác động đối với giới đầu tư hiện vẫn chưa rõ nét.

Ngoài ra, “ẩn số” mang tên Donald Trump cũng là một yếu tố mà giới đầu tư cần thận trọng. Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng 2,2% trong năm 2018, trong khi nhiều ngân hàng lớn như Goldman Sachs cũng dự đoán chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục đà khởi sắc của mình. Nhưng tất cả những phỏng đoán này có thể thay đổi nếu có diễn biến bất thường ở Washington.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN

Với một nước Mỹ ngày càng chia rẽ thì những vấn đề đối nội có thể cản đà đi lên của các thị trường ở Mỹ, từ đó lan sang các thị trường thế giới. Giới kinh tế học vẫn ví von rằng “khi Mỹ hắt hơi, thì các nước khác trên thế giới sẽ bị cảm lạnh”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục