Nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp giúp chống sạt lở đê biển

13:23' - 21/11/2017
BNEWS Mặc dù nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp có hiệu quả, nhưng theo anh Lý Nguyên Vũ, ngụ ấp Kênh 4, xã Bình Giang, tiền vốn đầu tư ban đầu lớn nên nhiều người cũng ái ngại.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp vùng ven biển Hòn Đất. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghiệp đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ven biển xã Bình Giang và Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.
Mặc dù nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp có hiệu quả, nhưng theo anh Lý Nguyên Vũ, ngụ ấp Kênh 4, xã Bình Giang, tiền vốn đầu tư ban đầu lớn nên nhiều người cũng ái ngại.
Anh Vũ cho biết: "Với 2 ha diện tích, anh phải đầu tư 500 triệu đồng để thuê máy vào đào 4 ao nuôi; tiền mua máy, bạt, thiết bị ô xy…"
Nhưng ưu điểm của loại hình nuôi công nghiệp là tôm ít bị thiệt hại, nuôi có lãi. Dẫn chứng cụ thể trường hợp của mình, anh Vũ cho hay, trung bình mỗi ao (rộng 500 m2) thả nuôi tôm thẻ chân trắng, sau gần 3 tháng, sẽ cho thu về 1 tấn tôm, với giá bán hiện nay từ 120.000 - 130.000 đồng/kg thì cũng có trên 120 triệu đồng.
Trước hiệu quả rõ rệt của mô hình mới, ông Lê Văn Tiễn, Bí thư Đảng ủy xã Bình Giang, huyện Hòn Đất cho biết, đây chỉ là định hướng quy hoạch của xã Bình Giang vì thấy hiệu quả kinh tế của nó và lợi ích của việc bảo vệ rừng, bảo vệ đê biển.
Vì vậy, xã Bình Giang đang kiến nghị về huyện Hòn Đất cho chuyển đổi mục đích từ nuôi sò, nuôi ba khía, nuôi tôm dưới tán rừng phòng hộ sang nuôi tôm công nghiệp để giúp người dân phát triển kinh tế gia đình và bảo vệ được diện tích rừng, chống sạt lở đê biển.

Hiện xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất có 50 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghiệp với quy mô nhỏ lẻ. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Cũng mạnh dạn tìm hướng đi mới, bà Lâm Thị Nga, ngụ ấp Vàm Biển, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất chia sẻ, khởi nghiệp từ mô hình nuôi trồng thủy sản theo hình thức quảng canh, nhưng hiệu quả kinh tế không ổn định.
Gần một năm nay, bà Nga tìm tòi, học hỏi kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng ở nhiều địa phương để áp dụng thả nuôi.
Với diện tích 3 ha, trong đó, 1,5 ha bà Nga nuôi theo hướng công nghiệp, còn lại nuôi quảng canh. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật và biện pháp chăm sóc phòng bệnh một cách nghiêm ngặt, nên mỗi vụ tôm cho thu hoạch hơn 4 tấn, bán trên 400 triệu đồng (lãi 50%).
Hiện xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất có 50 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghiệp với quy mô nhỏ lẻ. Với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm rủi ro do dịch bệnh, bảo vệ môi trường và tạo sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng hiệu quả kinh tế, các ngành chuyên môn tại huyện Hòn Đất đã phối hợp với xã Bình Sơn, Bình Giang khảo sát và tổ chức lớp đào tạo nghề nuôi tôm thẻ chân trắng giúp các hộ dân dễ dàng kiểm soát mầm bệnh, tiết kiệm chi phí trong sản xuất.

>>> Thu hồi vốn nhanh nhờ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục