Xây dựng liên kết chuỗi trong nuôi tôm

12:33' - 20/11/2017
BNEWS Tỉnh Cà Mau đang tích cực triển khai xây dựng liên kết chuỗi trong nuôi tôm, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh nói chung và ngành tôm Cà Mau nói riêng.
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tại Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Thế Anh - TTXVN

Theo thống kê, diện tích nuôi tôm công nghiệp của toàn tỉnh hiện khoảng 9.660 ha, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến trên 99.000 ha, đây là lợi thế lớn của địa phương.

Nếu phát huy tốt việc nhân rộng các mô hình nuôi tôm có hiệu quả, chú trọng xây dựng liên kết chuỗi khép kín trong nuôi tôm sẽ giúp người dân giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sản xuất thân thiện với môi trường do có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi và tuân thủ nghiêm ngặt trong bảo vệ môi trường.

Điều quan trọng nữa, các hộ nuôi tôm chủ động sản xuất, sản phẩm tiêu thụ ổn định nhờ các doanh nghiệp ký kết thu mua phục vụ chế biến xuất khẩu.

Từ lợi ích trước mắt và lâu dài, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng liên kết chuỗi trong quá trình nuôi tôm. Đồng thời, khuyến khích người nuôi tôm ở Cà Mau có phương án sản xuất cụ thể, chọn lựa mô hình nuôi phù hợp, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật nuôi tôm, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch..., nhằm hạn chế những rủi ro, thất thoát trong sản xuất.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, tỉnh chủ trương giao Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh nghiên cứu xây dựng liên kết chuỗi khép kín, bền vững.

Đặc biệt, trong chuỗi liên kết này phải có sự tham gia của ngân hàng và doanh nghiệp thu mua, sản xuất tôm giống, chế biến thủy sản xuất khẩu để trực tiếp hỗ trợ người dân về vốn, quy trình kỹ thuật nuôi tôm, cung cấp vật tự nông nghiệp và con giống đảm bảo chất lượng, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các sở, ngành có liên quan rà soát và lựa chọn những doanh nghiệp sản xuất tôm giống có chất lượng, uy tín để liên kết cung cấp cho người dân.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra về vật tư phục vụ nuôi tôm, công khai cơ sở kinh doanh hàng hóa kém chất lượng trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết.

Ngoài ra, cơ quan chuyên môn cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi tôm, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và hướng cách sử dụng điện an toàn trong nuôi tôm công nghiệp.

>>>Việt Nam sắp tự chủ được nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh và chất lượng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục