Nuôi tôm công nghệ cao ứng phó với biến đổi khí hậu

06:54' - 01/11/2017
BNEWS Với điều kiện của tỉnh ven biển, Trà Vinh được đánh giá là có nhiều tiềm năng để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, nhất là nghề nuôi tôm nước mặn và nước lợ với diện tích lên đến 95.000 ha.
Nghề nuôi tôm nước mặn và nước lợ tại Trà Vinh với diện tích lên đến 95.000 ha. Ảnh minh họa: Hồng Nhung - TTXVN

Mùa vụ nuôi vùng ven biển năm nay ở tỉnh Trà Vinh thắng lợi lớn. Không những người dân nuôi tôm trúng mùa, được giá mà còn mở ra cho tỉnh sự hoạch định về con đường phát triển nuôi tôm công nghệ cao để đảm bảo bền vững và nâng cao giá trị sản xuất.

“Nút thắt” trong tiềm năng

Với điều kiện của một tỉnh ven biển, tỉnh Trà Vinh được đánh giá là có nhiều tiềm năng để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, nhất là nghề nuôi tôm nước mặn và nước lợ với diện tích lên đến 95.000 ha. Với lợi thế đó nên trong cơ cấu kinh tế luôn được tỉnh xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn.

Chỉ tính trong giai đoạn 2010 - 2015, tỉnh đã đầu tư hơn 233 tỷ đồng cho chương trình phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Nguồn kinh phí này được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật về hệ thống thủy lợi, điện sản xuất và giao thông để phục vụ nghề nuôi trồng thủy sản vùng ngập mặn….

Tuy nhiên, sự đầu tư lớn của tỉnh chỉ mới đem lại kết quả là mở rộng được diện tích nuôi tôm và phát triển mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, góp phần tăng sản lượng thủy sản nuôi trồng.

Đến nay, tổng diện tích nuôi tôm vùng nước mặn và lợ của tỉnh hơn 24.000 ha; trong đó, có 7.000 ha nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh. Sản lượng tôm nuôi mỗi năm đạt bình quân khoảng 35.000 tấn. Tuy sản lượng đạt khá, nhưng mức thu nhập bình quân 1 ha đất nuôi tôm của tỉnh hiện nay chỉ mới đạt từ 100 - 150 triệu đồng/ha.

Có tiềm năng, lợi thế và quyết tâm đầu tư, nhưng cho đến nay con đường phát triển nghề nuôi trồng thủy sản của Trà Vinh vẫn chưa đạt thành tựu như mong muốn. Tổng kết thực tế đã qua cho thấy, nghề nuôi tôm ở Trà Vinh cứ 2 năm thành công thì có 1 năm rủi ro, thất bại. Trong 5 năm gần đây, không có năm nào nghề nuôi tôm ở tỉnh gặp thuận lợi ở thời gian đầu vụ nuôi.

Nguyên chính được ngành chuyên môn của Trà Vinh nhìn nhận là do quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng không theo kịp sự mở rộng diện tích nuôi tôm một cách tự phát nhanh chóng; việc quản lý và phát triển cơ sở sản xuất con giống tại địa phương; ý thức bảo vệ môi trường, quản lý dịch bệnh tôm nuôi kém của người dân là những nguyên nhân chính tạo nên “nút thắt” cản trở cho nghề nuôi tôm của tỉnh phát triển hiệu quả và bền vững trong suốt thời gian qua.

Con đường mới để phát triển bền vững

Theo chương trình tái cơ cấu ngành thủy sản giai đoạn 2015 - 2020 của tỉnh Trà Vinh là đưa giá trị gia tăng ngành thủy sản đạt hơn 6 %/năm. Tỉnh đề ra mục tiêu đạt sản lượng nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng từ 35.500 – 40.000 tấn/năm. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh sẽ huy động khoảng hơn 5.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển.

Cụ thể, tỉnh Trà Vinh sẽ ưu tiên đầu tư cho 3 nhóm dự án phát triển, gồm: thực hiện 25 dự án xây dựng kết cấu hạ tầng về thủy lợi, giao thông, điện sản xuất cho nghề nuôi trồng với vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng; đầu tư về cơ sở vật chất, tăng cường năng lực quản lý và hỗ trợ phát triển sản xuất cho nông dân và doanh nghiệp, vốn thực hiện 105 tỷ đồng; ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư cho 5 dự án sản xuất và chế biến, vốn đầu tư khoảng 1.650 tỷ đồng.

Tín hiệu vui nhất đối với tỉnh Trà Vinh là trong năm 2017, nghề nuôi tôm của tỉnh không chỉ thắng lợi mà còn mở ra con đường mới phát triển một cách hiệu quả cao và bền vững sau nhiều năm loay hoay với nhiều giải pháp. Con đường mới cho nghề nuôi tôm của tỉnh là áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao.

Vụ nuôi tôm năm nay, cũng cùng diện tích nuôi tôm là hơn 24.000 ha, lượng thả nuôi hơn 1,71 tỷ con tôm sú và gần 3,4 tỷ con tôm thẻ chân trắng. Đến nay, tổng sản lượng tôm nuôi đã thu hoạch đạt gần 32.000 tấn và ước sản lượng cả năm đạt 39.000 tấn tôm, gần đạt mục tiêu của chương trình tái cơ cấu ngành thủy sản của tỉnh vào năm 2020 là 40.000 tấn tôm/năm.

Sản lượng tôm nuôi tăng mạnh là nhờ năm nay, trong tỉnh có Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam và gần 100 hộ thực hiện hiệu quả mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh, với tổng diện tích 150 ha. Mô hình nuôi này đạt sản lượng 50 - 55 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng/ha.

Ông Phan Văn Hận, ở xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang được Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, với diện tích 3.200m2, mật độ thả tôm giống 178 con/m2.

Ông Hận cho biết, thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao đòi hỏi người nuôi phải có diện tích đất lớn; phải xử lý sạch nguồn nước, con giống phải đảm bảo sạch bệnh. Trong quá trình nuôi, việc cho tôm ăn hoàn toàn được thực hiện bằng máy tự động để tôm ăn liên tục, hạn chế thức ăn nằm lâu tan trong nước, gây ô nhiễm đáy ao… Với phương cách này, tôm phát triển đồng đều, tăng năng suất gấp 2 – 3 lần so với nuôi tôm thâm canh trong ao đất.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao này cũng có điều hạn chế là đòi hỏi về diện tích đất rộng, nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn. Bình quân, để xây dựng 1 ha nuôi tôm thẻ bằng ao lót bạt cần khoảng 3 tỷ đồng để xây dựng nhà lưới bao phủ các ao tôm, lót bạt dưới đáy ao, lắp đặt hệ thống phao, ô - xy đáy, thức ăn, thuốc thủy sản, con giống…

Tuy nhiên, ưu thế về tính an toàn, môi trường nước rất ít bị ô nhiễm, năng suất, chất lượng tôm nuôi đều vượt trội so với nuôi tôm thâm canh trong ao đất bằng kỹ thuật như từ trước đến nay.

Ông Phạm Minh Truyền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh thừa nhận, nuôi tôm công nghệ cao là một trong những hướng đi mới giúp giảm rủi ro do biến đổi khí hậu. Tuy vậy, ông Truyền cũng băn khoăn là do chi phí đầu tư khá lớn, trình độ quản lý và hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu nên mô hình chưa thu hút được các hộ nuôi trong tỉnh.

Để nâng cao hiệu quả mô hình này, TS. Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nuôi trồng thủy sản II khuyến cáo, tỉnh cần gấp rút quy hoạch cụ thể cho từng vùng nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp và quảng canh.

Bên cạnh đó, với trình độ sản xuất của người dân trong tỉnh hiện nay, cần xây dựng mạng lưới cộng tác viên kỹ thuật trên từng địa bàn vùng nuôi để chuyển giao khoa học kỹ thuật, giám sát dịch bệnh, quan trắc môi trường vùng nuôi và thông tin kịp thời cho người nuôi khi có dịch bệnh.

Với khuyến cáo của nhà khoa học, muốn phát triển nghề nuôi tôm theo công nghệ cao, tỉnh Trà Vinh có thể xúc tiến quy hoạch vùng nuôi. Nguồn vốn 5.000 tỷ đồng của chương trình tái cơ cấu ngành thủy sản có thể ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật về thủy lợi, điện sản xuất, quan trắc môi trường cho vùng quy hoạch nuôi tôm công nghệ cao.

Đối với diện tích đất, nguồn vốn đầu tư lớn, tỉnh có có thể vận động, khuyến khích các hộ dân có diện tích đất thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi tôm công nghệ cao để huy động về quỹ đất, nguồn vốn sản xuất. Nuôi tôm theo mô hình này còn là giải pháp giảm bớt được việc nuôi tôm nhỏ lẻ, tự phát khó kiểm soát dịch bệnh, nhiều rủi ro vốn tồn tại từ bao năm nay./.

>>> Các giải pháp quản lý, chấn chỉnh nuôi tôm gây ô nhiễm môi trường

>>> Giá tôm hùm tăng mạnh nhưng không có để bán

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục