Pháp luật mới về an toàn thực phẩm sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp

16:08' - 23/02/2018
BNEWS Việc thực thi quy định pháp luật mới về an toàn thực phẩm sẽ giúp tiết kiệm 10 nghìn ngày công và 10 nghìn tỷ đồng chi phí cho doanh nghiệp

"Việc thực thi quy định pháp luật mới về an toàn thực phẩm sẽ giúp tiết kiệm 10 nghìn ngày công và 10 nghìn tỷ đồng chi phí cho doanh nghiệp", Thứ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thanh Long đã khẳng định như vậy tại hội thảo "Phổ biến Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Hội thảo "Phổ biến Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Sự kiện vừa diễn ra sáng ngày 23/2 tại Hà Nội, do Bộ Y tế phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, với sự tham gia của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, các hiệp hội ngành nghề.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho hay, ngày 2/2, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Theo đó, cắt giảm nhiều thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nhằm tạo hành lang thông thoáng và điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

"Quy định pháp luật mới này sẽ không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm 90% thời gian và công sức trong việc thực thi các thủ tục hành chính, mà còn góp phần nâng trách nhiệm của doanh nghiệp với sức khỏe của người tiêu dùng lên mức tối đa 100%", ông Lộc nhấn mạnh.

Không chỉ vậy, việc thi hành Luật An toàn thực phẩm còn giúp hạ giá thành của thực phẩm và mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng. Đây là điểm sáng trong công cuộc cải cách thủ tục hành chính mà Bộ Y tế đang nỗ lực thực hiện.

So với các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trước đây, Nghị định 15/2018/NĐ-CP có một số điểm mới như cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm... Hoặc, các sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ cho việc sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân không tiêu thụ tại thị trường trong nước được miễn thực hiện thủ tục tự công bố sản phẩm.

Ngoài ra, quy định về hồ sơ, trình tự công bố sản phẩm, quy định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hay cơ quan kiểm tra Nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu và xuất khẩu; phương án xử lý thực phẩm không đạt yêu cầu thực phẩm nhập khẩu... là những nội dung được đông đảo doanh nghiệp quan tâm đặt câu hỏi.

Trước đây, Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm được coi là một trong những loại “giấy phép con” của ngành y tế. Do đó, sự ra đời của Nghị định 15/2018/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm.

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp chia sẻ, trước đây, doanh nghiệp thường phải chờ hàng giờ, phải xếp hàng để xin giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Thậm chí, có những doanh nghiệp phải xếp hàng hàng giờ, hàng tháng mới xin được giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Nhưng nay thì mọi thứ đã thay đổi và chắc chắn sẽ dễ thở hơn và giảm thiểu gánh nặng chi phí lo thủ tục hành chính cho vấn đề này.

Đại diện Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, sự ra đời của Nghị định 15/2018/NĐ-CP đã tạo nên thay đổi lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp, giúp cắt bỏ thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết. “Nghị định 15/2018/NĐ-CP thể hiện sự thay đổi căn bản trong phương thức quản lý an toàn thực phẩm của Bộ Y tế. Với sự ra đời của Nghị định 15, câu “chuyện giấy phép con” trong lĩnh vực y tế sẽ chấm dứt, sẽ không còn tình trạng 1 chiếc bánh cõng 13 chiếc giấy phép con như đã từng trước đây.

Hơn thế nữa, "sự thay đổi này không đơn thuần giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí mà còn thể hiện sự thay đổi tư duy quản lý Nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Trước chúng ta tiền hành kiểm tra theo phương thức tiền kiểm giờ chuyển hẳn sang hậu kiểm. Đây là sự thay đổi cơ bản, là thời cơ chín muồi trong lĩnh vực cải cách hành chính của Bộ Y tế", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục