Đẩy mạnh thanh kiểm tra đột xuất an toàn thực phẩm

20:36' - 06/02/2018
BNEWS Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, các đơn vị, địa phương phải đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Hội nghị trực tuyến “Triển khai kế hoạch hành động đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018”. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Tại hội nghị trực tuyến “Triển khai kế hoạch hành động đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018”chiều 6/2 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám nhấn mạnh cần quyết liệt thực hiện để đạt được kết quả tốt nhất. Việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phải gắn với tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới.

Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, các địa phương tập trung nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ… đặc biệt là liên kết các hộ sản xuất nhỏ lẻ, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác.

Bên cạnh việc hoàn thiện các thể chế, việc thanh tra, kiểm tra vẫn cần đẩy mạnh tiến hành đột xuất, nhất đối với các nhóm sản phẩm, công đoạn sản xuất có nguy cơ cao.

Trước mắt, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, các đơn vị, địa phương phải đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Đáng chú ý là tăng cường kiểm soát dịch bệnh, không để xảy ra dịch bệnh để không ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm, bởi đây là khoảng thời gian dễ xảy ra dịch bệnh nhất. Tập trung thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ, sản phẩm tươi sống, đơn vị cung ứng thực phẩm cho thị trường để người tiêu dùng yên tâm sử dụng thực phẩm trong dịp Tết này.

Thời gian qua, vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi được giải quyết dứt điểm, tình trạng bơm tạp chất vào tôm giảm thiểu rõ rệt, nhiều rào cản tại thị trường xuất khẩu được hóa giải… là những kết quả cho thấy sự khởi sắc rõ rệt trong quản lý vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2017, việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, xử lý vi phạm đã được chú trọng đầu tư tăng cường năng lực và đổi mới phương thức tổ chức. Cụ thể, thanh, kiểm tra chuyên ngành chuyển từ theo kế hoạch là chủ yếu sang thanh tra, kiểm tra đột xuất là chủ yếu; đồng thời tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra cao điểm theo chuyên đề dựa trên đánh giá rủi ro và diễn biến thực tiễn sản xuất, kinh doanh...

Nhờ vậy, việc thanh, kiểm tra đã góp phần giải quyết dứt điểm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giảm thiểu lạm dụng hóa chất kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, đưa tạp chất vào tôm, tiêm thuốc an thần cho gia súc trước khi giết mổ...

Năm 2017, toàn ngành đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 59.323 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông, lâm, thủy sản, phát hiện 10.756 cơ sở vi phạm, xử phạt 9.967 cơ sở với tổng số tiền xử phạt hơn 80,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức thanh, kiểm tra 293 cơ sở, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 3,9 tỷ đồng đối với 100 cơ sở bơm chích tạp chất, sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) cho biết, năm qua, điểm tích cực là điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và chỉ số an toàn thực phẩm các nhóm sản phẩm chủ lực đã có sự chuyển biến đáng kể.

Bằng chứng là tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đã tăng lên 97,33% so với 91% của năm 2016; không phát hiện mẫu vi phạm chất cấm salbutamol trong 8.090 mẫu nước tiểu, 1.052 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ... Ngoài ra, hầu hết các tỉnh đã triển khai vận động, hỗ trợ sản xuất nông sản, thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP. Tính đến nay đã có 1.406 cơ sở trồng trọt được chứng nhận VietGAP với diện tích khoảng hơn 18.200ha.

Đối với xuất khẩu, điểm đáng ghi nhận là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã giải quyết khá linh hoạt, hiệu quả các rào cản kỹ thuật, duy trì xuất khẩu sang các thị trường truyền thống. Hiện nay, số doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản sang EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Liên bang Nga tăng đáng kể. Ngoài ra, đã có 62 doanh nghiệp tiếp tục được xuất khẩu cá da trơn vào Hoa Kỳ.

Ngoài ra, nông sản Việt cũng được mở rộng xuất khẩu sang một số thị trường mới (xuất khẩu thịt gà sang Nhật; chanh leo sang Pháp; xoài, vú sữa sang Hoa Kỳ...), góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2017 lên 36,37 tỷ USD.

Tuy nhiên, năm 2017 vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản; giết mổ không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm... vẫn còn, chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các cấp đưa tiêu chí an toàn thực phẩm trở thành một tiêu chí chính trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương để trên cơ sở đó tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực.

Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Quốc Đạt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam kiến nghị, cần ban hành thêm các cơ chế để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất nông sản sạch theo chuỗi giá trị. Trình độ thanh tra chuyên ngành ở cấp cơ sở, huyện và xã còn nhiều hạn chế, đề nghị Bộ có cơ chế tạo điều kiện cho địa phương triển khai đào tạo các cán bộ thanh tra theo chuyên ngành để đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục