Phát triển ngành công nghiệp dầu khí Mỹ sẽ chạm ngưỡng “chưa từng có”

05:30' - 10/12/2017
BNEWS Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã thừa nhận rằng Mỹ sẽ dành vị trí thống trị trên thị trường dầu khí toàn cầu vào giữa những năm 2020.
Trạm bơm tại mỏ dầu Kern River ở Bakersfield, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Sự phát triển của ngành công nghiệp dầu khí Mỹ trong thập kỷ tới sẽ chạm tới ngưỡng "chưa từng có, và vượt qua tất cả các kỷ lục trong lịch sử". Giới bình luận quốc tế đã quá vội vàng gạch tên Mỹ ra khỏi danh sách những thế lực đứng đầu về kinh tế và chiến lược.

Trước sự phát triển của ngành sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, trong tuần trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã phải thừa nhận rằng Mỹ sẽ dành vị trí thống trị trên thị trường dầu khí toàn cầu vào giữa những năm 2020.

Nhưng hai tổ chức này cho hay đặc tính của ngành sẽ có những thay đổi lớn khi Trung Quốc và Ấn Độ không còn sử dụng nhiên liệu hóa thạch cho ngành vận tải vào những năm 2030.

Các chính sách chống biến đổi khí hậu sẽ buộc ngành vận tải phải điện khí hóa dù Tổng thống Mỹ Donald Trump có ủng hộ quyết định này hay không. Các chính sách này có thể sẽ gây ra những hậu quả không nhỏ cho Nga, các quốc gia tiêu thụ phần lớn nhiên liệu hydrocarbon và các công ty dầu khí lớn trên sàn giao dịch chứng khoán London.  

Điều này đồng nghĩa với việc giá dầu sẽ khôi phục cực kì chậm chạp cho đến lúc chạm "đỉnh" và xuống dốc không phanh khi quy mô thị trường xe điện (EV) được mở rộng.

Bản báo cáo triển vọng năng lượng thế giới của IEA dự đoán sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sẽ chiếm tới 80% lượng cung toàn cầu vào năm 2025, nâng mức sản lượng toàn cầu từ 5 triệu lên 13 triệu thùng/ngày và mức tổng sản lượng của Mỹ lên tới 17 triệu thùng/ngày.

Mỏ khí ở lưu vực Marcellus ở Appalachia với sản lượng lớn hơn cả mỏ Bắc Qatar sẽ biến Mỹ thành nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hoá lỏng lớn nhất thế giới vào những năm 2020. Fatih Birol, Giám đốc IEA, cho hay: "Mỹ chắc chắn sẽ trở thành nhà thống trị thị trường dầu khí toàn cầu trong nhiều thập kỷ tới. Sự tăng trưởng của ngành dầu khí Mỹ là chưa từng có và vượt qua tất cả các kỷ lục trong lịch sử".

Sự phát triển của ngành dầu khí Mỹ đã vượt qua kỷ lục của mỏ Ghawar tại Saudi Arabia với 5,7 triệu thùng/ngày vào những năm 70 và mỏ khí khổng lồ của Tây Siberia được phát hiện vào thời kỳ hoàng kim của Xô-viết.

Sản lượng dầu thô và khí đốt của Mỹ ước tính sẽ đạt 31 triệu thùng/ngày. Saudi Arabia cho rằng mức giá dưới 50 USD/thùng cũng không thể gây khó dễ cho ngành sản xuất dầu đá phiến của Mỹ khi OPEC thua đậm trong cuộc chiến còn Venezuela hiện đang phá sản.

"Ông vua của Permian" Scott Sheffield, người sáng lập Pioneer cho hay chi phí hòa vốn cho các giếng dầu ở vùng Tây Texas của công ty ông đã giảm xuống còn 25 USD/thùng vào đầu năm nay do sản lượng từ mỗi giếng đã tăng gấp đôi nhờ sự phát triển của công nghệ.

"Miễn là giá dầu thô dao động từ 50 đến 55 USD/thùng, chúng tôi sẽ vẫn có thể ung dung. Đáng lẽ chúng tôi phải mất 40 ngày để khoan giếng dầu vào năm 2014 nhưng hiện nay chúng tôi chỉ mất khoảng 20 ngày".

Mỹ đã từng phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2008 khi sản lượng dầu thô nhập khẩu tăng vọt, tổng sản lượng nhiên liệu và sản phẩm hóa dầu nhập khẩu chiếm 3,5% GDP trong thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ.

Tuy nhiên, vào năm 2025, sản lượng này ước tính sẽ đóng góp 2% vào thặng dư của Mỹ, đồng thời thay đổi triển vọng dự tính của đồng USD và mức cân bằng toàn cầu.

Ngành xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ đã phá tan các hợp đồng cung cấp khí đốt qua đường ống của Nga và các nước châu Âu. Thế nhưng nước Mỹ lại đang được điều hành bởi một vị Tổng thống có xu hướng từ bỏ vị trí lãnh đạo của Mỹ và đe dọa phá hủy trật tự đa phương toàn cầu.

Tuy nhiên, sự thịnh vượng của ngành năng lượng Mỹ chắc chắn sẽ kéo dài hơn nhiệm kỳ của ông Trump.

Vào đầu những năm 2020, theo một số quan điểm, Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc sẽ thất bại trong việc cải cách chế độ, tăng trưởng kinh tế sẽ giảm xuống 2%, khiến đất nước này bị mắc kẹt trong tầng lớp thu nhập trung bình và dân số già.  Bởi vậy quyền lực không thể chuyển từ tay Mỹ sang Trung Quốc.

Tiến bộ của công nghệ xe điện sẽ tạo ra mối đe dọa đối với thị trường dầu mỏ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Đối với OPEC, sự tăng trưởng vượt trội của ngành sản xuất dầu đá phiến của Mỹ là một thảm hoạ. Các nhà sản xuất dầu khí OPEC đã nhanh chóng khóa các hợp đồng tương lai ngay khi giá dầu thô đạt mức 50 - 55 USD/thùng và đảm bảo một chu kỳ cung cấp ngắn ngày.

Đó là một vấn đề nan giải đối với OPEC. Doanh thu dầu mỏ của OPEC đã giảm từ mức kỷ lục 1.200 tỷ USD/năm xuống còn 400 tỷ USD/năm, trong khi đó Saudi Arabia đã vận hành hệ thống phúc lợi xã hội và bộ máy quân sự của mình với giả định giá dầu đạt mức 120 USD/thùng.

Từ khi giá dầu xuống dốc, Saudi Arabia đã chấp nhận cắt giảm "chi phí dự phòng tài chính", nhưng không đủ để ngăn sự suy giảm của dự trữ ngoại tệ.

Những dấu hiệu căng thẳng trong bộ máy chính trị không thể bị che giấu. Cùng lúc đó, quá trình gia nhập với thế giới hiện đại của Saudi Arabia đã bị phá vỡ bởi những cuộc thanh trừng của Hoàng tử Mohammad bin Salman.

Tổ chức IEA cho rằng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ không thấp hơn sản lượng dầu trên toàn thế giới. Giá dầu sẽ tăng lên khoảng 80 USD/thùng vào đầu những năm 2020 dù sản lượng dầu đá phiến của Mỹ có cao thế nào đi chăng nữa.

Các quốc gia vùng Vịnh sẽ đạt đỉnh cao một lần cuối cùng cho đến khi nhu cầu dầu xuống dốc không phanh vào khoảng năm 2040. Ông Birol cho hay: "Còn quá sớm để khai tử ngành dầu khí".

OPEC dự đoán rằng nhiên liệu hóa thạch sẽ tiếp tục chiếm giữ 75% nhu cầu năng lượng thế giới vào năm 2040, tương đương với tỷ lệ hiện tại và Hiệp định khí hậu Paris sẽ chẳng khác gì một mẩu giấy vô dụng.

Điều này sẽ hủy hoại thế giới và chắc chắn sẽ bị các thế hệ trẻ phản đối. Nhưng chắc chắn sự phát triển công nghệ sẽ thay đổi mọi thứ. IEA ủng hộ việc sử dụng các phương tiện chạy bằng điện EV nhưng kế hoạch này dường như chưa thể được hoàn thiện.

Theo ước tính, số lượng EV sẽ không thể vượt quá 280 triệu trên tổng số 2 tỷ phương tiện giao thông vào năm 2040, nhưng nó sẽ cắt giảm nhu cầu dầu mỏ xuống còn khoảng 2,5 triệu thùng/ngày.

IEA cho rằng xe tải sẽ vẫn sử dụng dầu diesel mặc dù eTruck sắp được tung ra thị trường. Trong nhiều năm, IEA đã có những đánh giá sai và dù cho tới năm 2022 hoặc 2024, các nhà sản xuất EV mới có thể thu lại chi phí vốn, thì thời đại của xe điện sẽ tới và thay đổi thị trường. Nhưng chắc chắn thị trường sẽ bị điều phối bởi quyền lực chính trị.

Trung Quốc đang yêu cầu hạn ngạch phát thải không quá 10% vào năm 2019 đối với xe ô tô mới do tự tin rằng quốc gia này có thể chiếm vị thế dẫn đầu trong sản lượng pin lithium, thống trị thời đại EV và vượt mặt những nhà sản xuất ô tô phương Tây sản xuất động cơ đốt trong.

Bằng cách bắt buộc điện khí hóa thị trường ô tô lớn nhất thế giới, Trung Quốc chắc chắn có thể thúc đẩy thời đại của EV. OPEC cũng sẽ chẳng còn cơ hội khi mà dầu đá phiến của Mỹ mất thị phần vào cuối năm 2020. Nhu cầu cân bằng dài hạn đối với dầu thô, đặc biệt đối với dầu hóa lỏng, là dưới 70 triệu thùng/ngày, 2/3 so với mức hiện tại.

Sự tăng trưởng của ngành năng lượng cho phép Mỹ giữ thế lực của mình trong vòng 25 năm nữa. Tuy nhiên, nhà tiên phong trong công cuộc thúc đẩy sử dụng EV cũng là một công ty Mỹ, đó là Tesla.

Trong vòng một thập kỷ tới, EV sẽ được trang bị công nghệ trí thông minh nhân tạo. Những công nghệ này không cần tới Thung lũng Silicon mà sẽ trở thành sức mạnh của Mỹ và cũng không nên đánh giá thấp khả năng của Mỹ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục