Phát triển nhà ở xã hội vẫn cần có “trợ lực”

17:32' - 11/06/2018
BNEWS Thời gian qua, các doanh nghiệp bất động sản tỏ ra “thờ ơ” với việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng nhận định, để phát triển phân khúc này vẫn cần có những “trợ lực” nhất định.
Một góc khu chung cư nhà ở xã hội Hòa Lợi, thị xã Bến Cát, Bình Dương. Ảnh: Quách Lắm-TTXVN

Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Vũ Văn Phấn đánh giá, mặc dù chương trình nhà ở xã hội có ý nghĩa rất lớn nhưng các doanh nghiệp chưa mặn mà tham gia. Có nhiều lý do và một trong những nguyên nhân chính là tính hiệu quả. Thị trường bất động sản hiện nay đang rất tốt, không trầm lắng như giai đoạn năm 2010-2013.

Thời điểm khó khăn, thị trường trầm lắng, các dự án nhà ở thương mại không bán được nên Chính phủ cho phép ưu đãi đầu tư phát triển nhà ở xã hội và các chủ đầu tư này chủ động xin chuyển dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để phục vụ cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Lúc ý cũng cơ chế như bây giờ nhưng doanh nghiệp rất hào hứng để làm nhà ở xã hội - ông Phấn chia sẻ.

Cũng bởi thị trường lúc đó kinh doanh nhà ở thương mại rất khó khăn và đầu tư vào nhà ở xã hội thì có nhiều cơ chế ưu đãi, kể cả vốn vay gói 30.000 tỷ đồng trước đây. Doanh nghiệp có đủ điều kiện đã tập trung phát triển nhà ở xã hội nên phân khúc này chuyển mình rõ rệt.

Đến nay, thị trường đã phục hồi đã rất tốt, kinh doanh suôn sẻ nên các doanh nghiệp không còn “mặn mà” với nhà ở xã hội nữa. Các chuyên gia cho rằng, cái khó tiếp theo chính là lợi nhuận. Khi đầu tư nhà ở xã hội, theo quy định của pháp luật Luật Nhà ở và Nghị định 100, chủ đầu tư chỉ được hưởng lãi 10% nếu bán nhà ở xã hội. Còn nếu cho thuê mua hoặc cho thuê thì chỉ được hưởng lãi 15%.

Với mức lợi nhuận tối đa doanh nghiệp được hưởng chỉ là 15% thì giá nhà ở xã hội mới rẻ, người dân mới được hưởng lợi. Trong khi các doanh nghiệp bất động sản lại kỳ vọng hưởng mức lợi nhuận cao nhất. Điều này khiến họ không muốn tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, mặc dù Chính phủ yêu cầu các địa phương phải có trách nhiệm hỗ trợ chủ đầu tư trong việc giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào của dự án nhà ở xã hội... nhưng không phải địa phương nào cũng đáp ứng.

Trong khi đó, nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội lại ngày càng khó khăn. Gần 2 năm nay sau khi gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng kết thúc, không còn nguồn vốn cho chủ đầu tư vay nữa. Theo quy định, chỉ yêu cầu tạo điều kiện cho họ thực hiện dự án; ngay Luật Nhà ở cũng chỉ yêu cầu chủ đầu tư có từ 15-20% vốn thuộc sở hữu của mình để triển khai dự án, sau đó nguồn còn lại là vay ngân hàng hoặc huy động của người mua nhà.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp không mạnh, đa phần ở mức trung bình nên nếu không có nguồn vốn cho vay tiếp theo gói 30 nghìn tỷ đồng thì rất là khó khăn.

Theo Bộ Xây dựng, để thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội thì ngay từ các địa phương phải quan tâm hơn tới việc tăng nguồn cung của phân khúc này thông qua việc quy hoạch, bố trí quỹ đất cho nhà ở xã hội... Đặc biệt, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong giải phóng mặt bằng bởi đây là khâu khó khăn nếu thiếu hỗ trợ từ chính quyền địa phương; đồng thời, tạo điều kiện về thủ tục đầu tư...

Mới đây, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Chính phủ cấp bù lãi suất cho vay cho các tổ chức tín dụng với số tiền hơn 3.400 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội. Việc khơi thông dòng vốn được kỳ vọng là trợ lực tốt để phân khúc nhà ở xã hội nhanh chóng tăng nguồn cung phục vụ nhu cầu của người dân./.

Phát triển nhà ở xã hội: Không bố trí được nguồn vốn ngân sách

“Trợ lực” từ vốn và chính sách cho nhà ở xã hội

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục