Phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp

15:00' - 07/06/2016
BNEWS Chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội đất nước; đồng thời nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN

Tại hội thảo "Phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp", tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 7/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhận định: Chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội đất nước; đồng thời nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Vướng về vốn

Hiện tại, Việt Nam có số lượng doanh nghiệp đăng ký trên cả nước là hơn 900.000, nhưng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động và được cấp mã số thuế chỉ có khoảng 528.000.

Tuy nhiên, Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2020 đạt ít nhất phải có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động và được cấp mã số thuế, tăng gấp đôi so với hiện tại.

Theo đó, khởi nghiệp là một mô hình phù hợp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và phấn đấu phát triển Việt Nam thành một quốc gia khởi nghiệp.

Trong những năm gần đây, làn sóng khởi nghiệp đã và đang phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp và thế hệ trẻ Việt Nam.

Do đó, Việt Nam cần một hệ sinh thái khởi nghiệp tốt để phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp (startups).

Từ đó, startups với những sáng tạo và đột phá sẽ góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh năng suất lao động tăng thấp, các chính sách kinh tế vĩ mô hỗ trợ tổng cầu đã dần hết dư địa.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, để hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp cần hội tụ các yếu tố gồm: xây dựng khuôn khổ pháp lý thích hợp và thuận lợi cho startups; sự năng động và sáng tạo của startups; tham gia đầu tư và quỹ đầu tư; hoạt động hỗ trợ cho startups phát triển.

Cụ thể, trách nhiệm của Nhà nước, Chính phủ trong việc xây dựng và hoàn thiện các thể chế hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân.

Tuy nhiên, hiện nay nhận thức của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp và những người có khát vọng về vấn đề khởi nghiệp còn rất mới mẻ và nhiều hạn chế, vì Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm đối với lĩnh vực khởi nghiệp.

Mặt khác, một trong những thách thức lớn nhất đối với Việt Nam hiện nay là nguồn vốn cho hoạt động khởi nghiệp, do đặc thù tài trợ vốn cho các hoạt động khởi nghiệp khác với sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Khởi nghiệp không chỉ có sản phẩm là đủ, mà cần sự đổi mới và sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, nguồn vốn từ giai đoạn ươm mầm cho đến tăng tốc (bắt đầu giai đoạn thương mại hóa và đã thành lập doanh nghiệp).

Tuy nhiên, những người khởi nghiệp thường là những đối tượng thích sự mạo hiểm, nên kênh tài trợ vốn truyền thống trong lĩnh vực ngân hàng không phù hợp với các hoạt động khởi nghiệp vì rủi ro cao.

Bên cạnh đó, các hệ thống ngân hàng không dễ dàng chấp nhận cung ứng tài chính cho những hoạt động mang tính rủi ro cao.

Vì vậy, bản thân startups phải bỏ ra số lượng tài chính lớn để khởi nghiệp trước khi nhận được sự hỗ trợ và tài trợ từ các quỹ đầu tư.

Các startups thường huy động vốn khởi nghiệp từ nhiều nguồn như tài sản cá nhân, gia đình, bạn bè, người thân...

Cần hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm

Theo bà Lê Thanh Tâm, Giám đốc điều hành Tập đoàn IDG Đông Nam Á, khởi nghiệp là một hoạt động đầu tư mạo hiểm, rủi ro, nên tài trợ cho khởi nghiệp phần lớn là các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần...

Trong những năm gần đây, xuất hiện những sàn giao dịch chứng khoán chuyên biệt cho các hoạt động khởi nghiệp.

Điển hình, cách đây 20 năm tại Isael chỉ mới có quỹ đầu tư mạo hiểm của Chính phủ, nhưng hiện nay các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân đang chiếm thị phần lớn trên thị trường vốn; trong đó mỗi quỹ có quy mô vài tỷ USD.

Đồng thời, quỹ đầu tư mạo hiểm đã thành một loại hình kinh doanh mới nổi, mang lại giá trị GDP và doanh thu rất lớn cho Isael.

Bên cạnh đó, một đất nước phát triển nông nghiệp như Isael, nhưng tỷ trọng nông nghiệp chỉ chiếm 1,5% tổng GDP của cả nước, công nghiệp hơn 10%, còn lại là dịch vụ và một trong những dịch vụ đó chính là quỹ đầu tư mạo hiểm.

Tương tự, ông Taehyun NOH, Tổng giám đốc Sàn KONEX, Sở giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc cho biết tại Hàn Quốc, hiện đang có quỹ đầu tư kiến thành để hỗ trợ và tài trợ cho các hoạt động khởi nghiệp.

Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN

Nếu cán bộ công chức phụ trách chỉ định tài trợ vốn cho các dự án khởi nghiệp, nhưng dự án thất bại thì Luật Hàn Quốc quy định miễn trách nhiệm hình sự đối với cán bộ công chức và startups, vì Chính phủ sẵn sàng chấp nhận thất bại.

Trước những mô hình hoạt động khởi nghiệp thành công và kinh nghiệm cung ứng nguồn vốn cho khởi nghiệp từ các nước, các chuyên gia cho rằng Việt Nam nên có những quỹ đầu tư của Chính phủ để hỗ trợ và tài trợ cho startups.

Mặt khác, để quỹ đầu tư này hoạt động hiệu quả, tránh hiện tượng thành lập có tính chất "phong trào", Chính phủ cần xây dựng thể chế rõ ràng, minh bạch.

Mặc dù là quỹ đầu tư của Chính phủ nhưng phải đảm bảo hoạt động trên nguyên tắc cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế.

Song song đó, Chính phủ cần có chính sách thu hút sự tham gia của các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần... vào Việt Nam.

Ngoài ra, xúc tiến việc nghiên cứu hình thành sàn giao dịch chứng khoán chuyên biệt cho các hoạt động khởi nghiệp.

Để hình thành sàn giao dịch chứng khoán chuyên biệt cần triển khai nhanh chóng những mô hình thí điểm, với những khuôn khổ pháp luật và quy định hoạt động minh bạch theo cơ chế thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục