Cần hơn một môi trường bình đẳng cho khu vực tư nhân

11:26' - 07/05/2016
BNEWS Doanh nghiệp có thể tự đi, tự lớn nhưng nếu môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, bình đẳng ... thì bài toán hiệu quả kinh tế, tận dụng tối đa các nguồn lực kinh tế sẽ có lời giải tốt.
Đại hội Đảng XII với định hướng kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Ảnh minh họa: TTXVN

Nếu như 30 năm trước, Đại hội Đảng lần thứ VI với đường lối Đổi mới được coi là nền tảng để khu vực kinh tế tư nhân phát triển như diện mạo ngày nay thì Đại hội Đảng XII với định hướng kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế sẽ là bước đệm để khu vực kinh tế tư nhân cất cánh và đáp ứng trong cuộc chơi hội nhập.

Định hướng này sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho kinh tế tư nhân mà đẩy mạnh đổi mới thể chế kinh tế là một giải pháp chủ đạo, bao quát nhất để phát huy nội lực của kinh tế tư nhân.

Trên tinh thần này, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch Đầu tư xây dựng dự án về Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngày 22/4 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những động thái này cho thấy rõ hành động của Chính phủ trong việc hỗ trợ và phát triển khối doanh nghiệp tư nhân để khối kinh tế này trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Ngay khi mới nhậm chức, Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp với thông điệp bao trùm: “doanh nghiệp là một động lực của phát triển kinh tế”, Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đây được coi là thông điệp lớn tới quyết tâm của Chính phủ cũng như Thủ tướng trong phát triển kinh tế tư nhân thơì gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 với chủ đề "Doanh nghiệp Việt Nam – Động lực phát triển kinh tế của đất nước". Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chỉ ra một một thực tế, chính sách có nhiều nhưng còn phân tán, thiếu minh bạch, doanh nghiệp khó tiếp cận, thực thi không đi vào cuộc sống. Rà soát các loại giấy phép con cho thấy với doanh nghiệp là rừng văn bản pháp lý, bản thân cơ quan nhà nước còn thấy khó.

Thậm chí, một số bộ, ngành vẫn tiếp tục ban hành giấy phép con, điều kiện kinh doanh trong thông tư, do đó cần phải được rà soát thường xuyên để đảm bảo tính nhất quán.

Ngoài sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp, kinh tế tư nhân cũng rất cần được mở ra nhiều cơ hội, được cạnh tranh công bằng và nhận được nhiều sự hỗ trợ của nhà nước. Để đóng góp vào sự thúc đẩy và phát triển của thành phần kinh tế tư nhân, chúng ta cần làm tốt hơn dịch vụ hành chính công đối với các doanh nghiệp, phục vụ hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân trong quá trình phát triển.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Phó Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh rằng, thực thi chính sách hết sức quan trọng như đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các giải pháp hỗ trợ về vốn, khoa học công nghệ… cho kinh tế tư nhân.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Bán lẻ Phú Thái kiêm Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam cho rằng, sự phát triển của kinh tế tư nhân không phải nhờ vào một văn bản, một nghị định mà là sự đồng thuận trong môi trường kinh doanh, môi trường chính sách đối với hoạt động đầu tư – kinh doanh.

Doanh nghiệp có thể tự đi, tự lớn nhưng nếu môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, bình đẳng trong các tiếp cận với các lợi thế kinh doanh, nguồn vốn… thì bài toán hiệu quả kinh tế, tận dụng tối đa các nguồn lực kinh tế sẽ có lời giải tốt.

Đội ngũ doanh nghiệp thì vẫn luôn tin tưởng, kỳ vọng và mong mỏi được đối xử công bằng và tạo nhiều cơ hội hơn để có thể phát triển từ đó có thể đóng góp nhiều hơn cho đất nước và xã hội.  

Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty Traphaco chia sẻ rằng: “Nhà nước hãy tạo động lực cho chúng tôi, chúng tôi sẽ phát triển, vươn lên và tạo ra nhiều của cải, cũng như đóng góp nhiều hơn cho xã hội”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục