Phiên phục hồi mong manh trên thị trường dầu châu Á

20:37' - 13/01/2016
BNEWS Tại phiên giao dịch ngày 13/1, giá dầu châu Á phục hồi từ đà giảm mạnh trước đó, sau khi chứng kiến giá dầu Mỹ xuyên thủng ngưỡng 30 USD/thùng và chạm mức thấp nhất trong hơn 12 năm qua.
Giá dầu tiếp tục đi lên trong phiên giao dịch ngày 13/1 trên thị trường châu Á. Nguồn: oilboomusa

Cuối phiên giao dịch buổi chiều tại sàn giao địch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 2/2016 tăng 38 xu Mỹ (1,25%), lên 30,82 USD/thùng. Giá dầu Brent Biển Bắc cũng tăng 26 xu Mỹ (0,84%), lên 31,12 USD/thùng.

Phiên trước đó, tại thị trường Mỹ, WTI có lúc trượt xuống 29,93 USD/thùng, mức thấp chưa từng thấy kể từ tháng 12/2003, trước khi khép phiên ở mức 30,44 USD/thùng. Giá dầu liên tục lao dốc khi các nhà phân tích hiện đã “bóng gió” về mức “đáy” mới 20 USD/thùng đã làm thị trường thêm chao đảo.

Trong một phát biểu mới đây, Bộ trưởng Dầu mỏ của Nigeria Emmanuel Ibe Kachikwu đã kêu gọi tổ chức cuộc họp khẩn giữa các nước thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vào đầu tháng Ba tới để tìm kiếm giải pháp cho tình trạng giá dầu lao dốc.

Các nhà đầu tư hiện đang nóng lòng chờ đợi báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ (DoE) về dự trữ dầu thô của nước này trong tuần trước (kết thúc ngày 8/1), với nhiều dự đoán rằng xu hướng tăng sẽ tiếp tục diễn ra, làm trầm trọng thêm tình trạng dư thừa nguồn cung toàn cầu, vốn là nhân tố chính đẩy giá dầu đi xuống liên tục trong 18 tháng qua.

Dù kết quả của phiên giao dịch 13/1 là tích cực, song giới phân tích vẫn cảnh báo rằng sự phục hồi của giá dầu rất mong manh. Theo ông Daniel Ang, chuyên gia phân tích của công ty Phillip Future (có trụ sở tại Singapore), sự chênh lệch quá mức giữa nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ vẫn tiếp tục gây cản trở đà tăng giá “vàng đen” trong thời gian tới, đặc biệt là sản lượng dầu của Mỹ vẫn rất dồi dào.

Trong khi đó, chuyên gia chiến lược Bernard Aw từ công ty IG Markets cũng dự báo rằng xu hướng giá dầu vẫn còn đi xuống trong dài hạn, một khi nguồn cung dầu mỏ không có dấu hiệu giảm.

Bất chấp những lời kêu gọi triệu tập một cuộc họp khẩn cấp bàn về các tác động của sự biến động giá dầu đến các thị trường chứng khoán và các công ty năng lượng, OPEC vẫn không đưa ra bất kỳ động thái nào nhằm cắt giảm sản lượng, qua đó hạ bớt áp lực về nguồn cung toàn cầu. Thay vào đó, tổ chức này vẫn kiên trì với “cuộc chiến” giành thị phần với các đối thủ lớn trên thế giới, đặc biệt là Mỹ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục