Phòng vệ thương mại: Đừng vì lợi ích nhỏ mà bỏ mặc

15:43' - 17/02/2016
BNEWS Gia nhập AEC, TPP hay các Hiệp định thương mại tự do là cánh cửa rộng mở để các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nhưng cũng là thử thách khi hàng hóa các nước ồ ạt vào Việt Nam với giá cả cạnh tranh.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp vẫn chưa có thói quen sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để tự bảo vệ chính quyền lợi của mình.

Xung quanh vấn đề này, BNEWS đã có cuộc trao đổi với ông Tô Thái Ninh, Phó Trưởng phòng Điều tra vụ kiện phòng vệ thương mại của doanh nghiệp trong nước, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương).

BNEWS: Thời gian gần đây, sau nhiều vụ kiện thương mại xảy ra các doanh nghiệp đã có ý thức hơn trong phòng vệ để bảo vệ chính mình. Điều này thể hiện qua việc các doanh nghiệp đã cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng để lấy cơ sở điều tra. Vậy ông đánh giá năng lực của các doanh nghiệp đang dừng ở mức độ nào?

Ông Tô Thái Ninh, Phó Trưởng phòng Điều tra vụ kiện phòng vệ thương mại của doanh nghiệp trong nước, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Ông Tô Thái Ninh: Trong quá trình mở cửa thị trường theo cam kết hội nhập, các nước có xu hướng gia tăng điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ) đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Dù phải liên tục chống đỡ các vụ phòng vệ thương mại, doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất bị động trong tự vệ và sử dụng rào cản phòng vệ thương mại tại sân nhà.

Cách đây vài năm khi Việt Nam mới tham gia các tổ chức thương mại nói chung cũng như chúng ta mới ký kết các FTA thì nhận thức của doanh nghiệp về công cụ phòng vệ thương mại rất hạn chế.

Số liệu thống kê cho thấy, có tới 90% doanh nghiệp Việt Nam có kiến thức và kỹ năng hiểu biết về phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, trong khoảng 1-2 năm trở lại đây sau khi Việt Nam chịu các tác động tiêu cực từ việc hàng hóa nước ngoài gia tăng nhập khẩu vào Việt Nam rất mạnh, nhất là các thị trường sát nách như Trung Quốc, Malaysia và Indonesia thì việc phòng vệ thương mại của các doanh nghiệp đã tăng lên đáng kể.

Theo dự đoán của Cục Quản lý Cạnh tranh, thời gian tới các doanh nghiệp sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ gia tăng nhiều hơn.

Hiện tại đã có nhiều doanh nghiệp tới làm việc với Cục Quản lý cạnh tranh để nhờ Cục tư vấn về việc sử dụng chuẩn bị thông tin, hồ sơ yêu cầu các biện pháp phòng vệ thương mại và cụ thể là các biện pháp để tự vệ và chống bán phá giá.

Thực tế các doanh nghiệp đã chủ động hơn trong việc tiếp cận với cơ quan điều tra. Bên cạnh kênh thông tin chính là tuyên truyền hội thảo, các doanh nghiệp đã chủ động thông qua Hiệp hội của mình để tiếp cận với Cục Quản lý Cạnh tranh để Cục cử cán bộ hỗ trợ hướng dẫn doanh nghiệp trong việc sử dụng công cụ phòng vệ này.

BNEWS: Vậy theo ông, công cụ phòng vệ thương mại có ý nghĩa như thế nào với các doanh nghiệp khi Việt Nam đang mở cửa và phải cạnh tranh với rất nhiều các sản phẩm đến từ các nước khác?

Ông Tô Thái Ninh: Có thể nói, công cụ phòng vệ thương mại được coi như van an toàn cuối cùng trong xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu và rộng hiện nay.

Các biện pháp về thuế quan, hành chính hay hàng rào kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ…đến nay đều chưa hẳn phù hợp với Việt Nam vì vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Cùng với đó, các biện pháp phòng vệ thương mại dù có những biện pháp và khó khăn nhất định nhưng đây vẫn là những công cụ dễ sử dụng hơn cả so với các công cụ khác mà cam kết WTO cho phép.

Chính vì vậy, tôi cho rằng các công cụ phòng vệ thương mại trong tương lai gần trở lại đây sẽ là công cụ rất hữu hiệu để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước.

BNEWS: Có ý kiến cho rằng hiện nay để doanh nghiệp bảo vệ chính mình trong thị trường nội địa đang gặp khó bởi văn bản pháp lý chưa đủ mạnh vì chưa có luật về phòng vệ thương mại. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Ông Tô Thái Ninh: Thực ra Luật về Phòng vệ thương mại đã có qui định rất rõ trong 3 pháp lệnh được ban hành từ 2002 và 2004. Xét về mặt pháp lý thì 3 pháp lệnh này cũng có hiệu lực tương đương với luật.

Không những thế, nhiều nước trên thế giới cũng chỉ ban hành những pháp lệnh để hướng dẫn những thực thi về phòng vệ thương mại.

Do đó, theo quan điểm của tôi trong thời điểm hiện tại các qui định về lĩnh vực này cũng đã có đủ cơ sở áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Chẳng hạn như từ năm 2009 đến nay Việt Nam đã có một số vụ việc áp dụng phòng vệ thương mại được khởi xướng để điều tra và đi đến kết quả cuối cùng là áp dụng các biện pháp thuế quan để bảo vệ doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Phòng vệ thương mại trong tương lai gần sẽ là công cụ hữu hiệu để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước. Ảnh: Hoàng Hùng-TTXVN

BNEWS: Trong những vụ việc về phòng vệ thương mại từ trước đến nay thì hầu hết đều là những doanh nghiệp lớn, trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ và lĩnh vực rất dễ tổn thương khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thì lại ít tham gia. Vậy ông đánh giá như thế nào về tính phối hợp trong thời gian vừa qua?

Ông Tô Thái Ninh: Trước tiên là tính đặc thù của phòng vệ thương mại, để áp dụng được thì chúng ta phải thực hiện được một số điều kiện nhất định. Trong đó, điều kiện lớn nhất là về tư cách để khởi xướng điều tra.

Theo qui định về pháp luật của phòng vệ thương mại nói chung, để có thể khởi xướng điều tra thì bên yêu cầu phải đáp ứng được ít nhất 25% tổng sản lượng hàng hóa sản xuất trong nước.

Vì vậy, để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đứng ra sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại thì họ phải tập hợp được lực lượng. Bởi để có được điều kiện 25% tổng sản lượng sản xuất trong nước thì chỉ một hai doanh nghiệp vừa và nhỏ đáp ứng đủ điều kiện đó mà thôi.

Không dừng lại ở đó, các doanh nghiệp muốn khởi xướng và ủng hộ vụ việc thì tổng sản lượng của họ lại phải chiếm trên 50% tổng sản lượng mà các doanh nghiệp có ý kiến với vụ việc. Vì thế, đây là hai điều kiện tiên quyết mà các doanh nghiệp có thể áp dụng với vụ việc.

Đặc thù của phòng vệ thương mại là phải tập hợp được lực lượng tương đối thì mới có thể đáp ứng được điều kiện về tư cách nguyên đơn để có thể khỏi xướng điều tra.

Chính vì lẽ đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn sử dụng hiệu quả các biện pháp này phải đoàn kết, gạt bỏ những mâu thuẫn, xung đột về lợi ích cá nhân và nhìn về một lợi ích lâu dài đó là bảo vệ ngành sản xuất cũng như bảo vệ sân chơi của mình.

Một lời khuyên đối với các doanh nghiệp khi Việt Nam đã chính thức hội nhập AEC và TPP là không nên nhìn vào những lợi ích nhỏ của từng công ty mà bỏ đi biện pháp phòng vệ. Bởi khi hàng hóa nước ngoài tràn vào Việt Nam sẽ tiêu diệt hàng hóa trong nước.

Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của chính doanh nghiệp. Vì vậy, không nên nhìn nhà hàng xóm cháy để bỏ mặc mà chúng ta nên cứu bởi biết đâu hôm sau lửa sẽ lan sang thiêu cháy nhà mình.

BNEWS: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục