Lo ngại tình trạng hàng Việt bị làm giả trong dịp Tết

09:30' - 03/02/2016
BNEWS Ông Nguyễn Trọng Tín: Lợi dụng chính sách “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các đối tượng đã đặt hàng hoá từ nước ngoài giả xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ.

Bên thềm Tết Nguyên đán Bính Thân, BNEWS đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương xung quanh việc đảm bảo thị trường trong và sau Tết.

BNEWS: Ông đánh giá thế nào về tình hình vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại và các hành vi kinh doanh trái pháp luật khác diễn ra thời điểm trước Tết Nguyên đán Bính Thân 2016?

Ông Nguyễn Trọng Tín: Tình trạng này không chỉ tập trung trước, trong các dịp lễ, Tết mà còn diễn ra phổ biến trong tất cả thời gian trong năm và tập trung chủ yếu vào các mặt hàng có giá cả chênh lệch lớn giữa trong nước và ngoài nước, mức thuế nhập khẩu cao hoặc bị áp dụng hạn ngạch như: rượu, thuốc lá, mỹ phẩm, thuốc tân dược, điện tử, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng...

Có tình trạng giả hàng hóa xuất xứ Việt Nam trong dịp Tết. Ảnh: TTXVN

Cùng với đó, phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, tổ chức hoạt động chặt chẽ và manh động. Đặc biệt, với mặt hàng thuốc lá các đối tượng cất giấu trong cabin, mui, gầm, bình xăng xe , vận chuyển trong các hộp quà cưới và vận chuyển bằng xe taxi, xe tải, xe du lịch thay xe khách như trước.

Cùng với đó, mặt hàng thực phẩm chức năng trà trộn hàng giả qua các cửa khẩu, lấy danh nghĩa hàng “xách tay” để tiêu thụ trong nội địa ; mặt hàng gia súc, gia cầm được giết mổ ngay tại biên giới và cất giấu, vận chuyển bằng xe du lịch, xe đông lạnh đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối trong nội địa…

Không những vậy, hàng hóa vi phạm với nhiều chủng loại, mẫu mã, sử dụng nhãn mác, bao bì của các nhãn hiệu có uy tín để đưa ra thị trường tiêu thụ. Gồm hàng dệt may, da giầy, túi xách, mỹ phẩm, điện thoại di động, phụ tùng ô tô, đồ chơi trẻ em, khăn ướt…; hàng giả trong lĩnh vực nông nghiệp có chiều hướng gia tăng như mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm dùng trong chăn nuôi...; các mặt hàng như mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng giả, có nguồn gốc trôi nổi, không kiểm định chất lượng được bày bán trên thị trường.

Đáng chú ý, lợi dụng chính sách “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các đối tượng đã đặt hàng hoá từ nước ngoài giả xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ.

Lo ngại nhất hiện nay là tình trạng gian lận thương mại phổ biến là việc kinh doanh hàng đóng gói sẵn không đủ định lượng ghi trên bao bì, ghi nhãn hàng hóa sai hoặc không đủ nội dung bắt buộc theo quy định; bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu, gắn chíp điện tử để gian lận trong bán xăng dầu...; bên cạnh đó là hành vi sửa hạn sử dụng đối với hàng hóa đã hết hạn sử dụng, cận hạn sử dụng đưa ra thị trường tiêu thụ.

Hơn thế, tình trạng vận chuyển, kinh doanh thực phẩm ôi thiu, kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đang diễn ra ngày một nhiều làm ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người dân.

BNEWS: Dịp lễ, Tết khi nhu cầu tăng cao cũng là thời điểm mà các sản phẩm không rõ nguồn gốc có điều kiện hoành hành mạnh hơn. Vậy Cục Quản lý thị trường nhận định thế nào về vấn đề này? Cục đã có những biện pháp gì để ngăn chặn, xử lý?

Ông Nguyễn Trọng Tín: Thời điểm Tết Nguyên đán là dịp cao điểm của toàn lực lượng Quản lý thị trường về an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, Cục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương, Bộ Công Thương trong công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra hàng hóa vi phạm trong dịp Tết. Ảnh: TTXVN

Cùng đó, chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn các mặt hàng không bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm; làm tốt công tác dự báo tình hình, theo dõi sát diễn biến của thị trường, xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm.

Ngoài ra, Cục đã chỉ đạo tới từng Chi cục tăng cường công tác hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh về tác hại của việc kinh doanh và sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh công tác tham mưu, Cục Quản lý thị trường triển khai 3 Đoàn Khảo sát, đánh giá chất lượng an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường tại 13 tỉnh; triển khai 9 Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc tại 31 tỉnh, thành phố về việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm theo Chương trình Mục tiêu quốc gia về An toàn thực phẩm năm 2015; tham mưu Bộ Công Thương thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Bính Thân và mùa Lễ Hội Xuân năm 2016 tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm.

BNEWS: Với nguồn lực hạn chế như hiện nay thì lực lượng quản lý thị trường khó có thể theo dõi sát từng diễn biến của thị trường để đảm bảo giải quyết triệt để những vi phạm diễn ra. Do đó, Cục có đề xuất gì với các cơ quan liên quan để mang lại kết quả tốt nhất trong công tác kiểm soát thị trường?

Ông Nguyễn Trọng Tín: Nhằm tăng cường hiệu quả công tác kiểm soát thị trường, Cục Quản lý thị trường kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan đề xuất nghiên cứu phương án xử lý các hạn chế, bất cập trong thực tiễn áp dụng các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường.

Cùng đó, Chính phủ xem xét, chỉ đạo việc kiện toàn mô hình tổ chức của Quản lý thị trường theo hệ thống ngành dọc và được quy định trong Pháp lệnh Quản lý thị trường.

Trước mắt, cho phép Bộ Công Thương thí điểm thành lập Đội Quản lý thị trường cơ động trực thuộc Cục Quản lý thị trường để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tuy nhiên, các Bộ, ngành, cấp Ủy, chính quyền địa phương quan tâm bổ sung thêm biên chế, kinh phí, trang thiết bị, trụ sở làm việc cho lực lượng Quản lý thị trường để có đủ điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Về lâu dài, Cục mong muốn Chính phủ sớm ban hành Quyết định về cơ chế hỗ trợ cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là kinh phí tiêu huỷ, kinh phí giám định, kiểm định chất lượng hàng hoá; ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (thay thế Quyết định số 65/2010/QĐ-TTg).

Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, các lực lượng chức năng tại các tỉnh biên giới tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu từ biên giới vào nội địa. Đặc biệt, là thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong việc đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu kéo dài hoặc nghiêm trọng trên địa bàn nào thì người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm.

Cuối cùng là đề nghị các Hiệp hội ngành nghề tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng trong việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh; đồng thời, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện nghiêm các quy định của luật pháp, không tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật.

BNEWS: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục