Quan hệ thương mại Mỹ-Nhật: Thách thức đến từ bối cảnh mới (Phần 1)

05:30' - 08/07/2018
BNEWS Ngành công nghiệp Nhật Bản từng trải qua nhiều va chạm thương mại với các nội dung khác nhau ở các thời điểm khác nhau, hơn nữa các tranh chấp này một khi xảy ra thì rất khó giải quyết.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: EPA/TTXVN
Nền kinh tế Nhật Bản sau khi trải qua hai thập kỷ mất mát, va chạm với Mỹ trên các lĩnh vực như sắt thép, ô tô… cũng vẫn chưa kết thúc.

Cuối tháng 4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bay thẳng từ Tokyo đến Florida, mặc dù bay mười mấy tiếng đồng hồ, khi đến nơi ông liền lập tức tiến hành hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Việc sang Mỹ, bề ngoài là để bàn về vấn đề cuộc gặp trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên vào đầu tháng 6. 

Trên thực tế, ông Trump đã quyết định chắc chắn, hơn nữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bí mật tới thăm Triều Tiên, do đó tin tức mà ông Abe có thể truyền tải đến cho ông Trump không nhiều. 

Do đó, có thể thấy vấn đề thương mại Mỹ-Nhật, vấn đề quy tắc thương mại mới là điều mà ông Abe cần đàm phán nhất với Mỹ. Đến nay, quan hệ giữa Nhật Bản và Mỹ vẫn đang trong giai đoạn "nhạy cảm" sau khi Tổng thống Trump quyết định tăng thuế nhập khẩu nhôm và thép mà không loại trừ các sản phẩm từ các đồng minh của Mỹ, trong đó có Nhật Bản. 

Nếu quan điểm đối ngoại chính của ông Donald Trump là va chạm Mỹ-Trung thì quan điểm đối ngoại thứ yếu là vấn đề thương mại Mỹ-Nhật đã có lịch sử 50 năm. Khi mà vị trí quốc gia có xung đột thương mại lớn nhất đối với Mỹ đã chuyển từ Nhật Bản sang Trung Quốc, vấn đề liên quan đến cơ cấu kinh tế Mỹ-Nhật lại trở nên không lớn.

Không khoan dung với đồng minh

Mặc dù Bộ Tài chính Nhật Bản chỉ theo định kỳ công bố tình hình thương mại Mỹ-Nhật vào ngày 18/4, nhưng việc này lại trùng khớp với thời gian ông Abe thăm Mỹ. Theo thống kê, trong năm 2017, thặng dư thương mại của Nhật Bản với Mỹ là 68,8 tỷ USD (khoảng 7.400 tỷ yen Nhật). Xét về mặt kim ngạch chỉ đứng sau Trung Quốc và Mexico.

Ngày 18/4 (giờ Mỹ), khi hội đàm về vấn đề thương mại với ông Donald Trump, Thủ tướng Abe khá căng thẳng. Ông đã nói với báo chí trước khi rời Nhật Bản rằng: “Chúng ta sẽ gia tăng đầu tư của các doanh nghiệp như ô tô vào Mỹ, cũng chuẩn bị tăng nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng do Mỹ sản xuất, đồng thời cũng sẽ đàm phán với Mỹ về việc chúng ta nhập khẩu một số lượng lớn vũ khí của Mỹ…”

Ngày 6/7, Mỹ đã chính thức áp thuế nhập khẩu 25% lên 34 tỷ USD hàng Trung Quốc. Đợt thuế tới với 16 tỷ USD hàng hóa nữa có thể có hiệu lực sau vài tuần. Chính phủ Nhật Bản ban đầu cho rằng việc Washington áp mức thuế cao đối với tất cả các nước thì cũng cảm thấy yên tâm hơn vì suy cho cùng là tất cả các nước, mọi người “có nạn cùng chịu”.

Tuy nhiên, trước đó Canada và Mexico đã được quyền miễn trừ, thậm chí có thể châu Âu và Hàn Quốc cũng sẽ không chịu sự hạn chế này, điều này có nghĩa là mức thuế cao chủ yếu nhằm vào hai nước Trung Quốc và Nhật Bản. Trong khi Trung Quốc nhanh chóng ứng phó thì Nhật Bản lại âm thầm lặng lẽ.

Một số chuyên gia về sắt thép ở Tokyo, khi được hỏi tại sao Nhật Bản lại bình tĩnh như vậy, họ trả lời rằng gần như toàn bộ các sản phẩm thép, nhôm mà Mỹ nhập khẩu từ Nhật Bản là các doanh nghiệp Mỹ không thể sản xuất được, không nhập khẩu nghĩa là các doanh nghiệp khâu sau (downstream- tham gia các giai đoạn cuối trong chuỗi sản xuất) của Mỹ phải ngừng sản xuất, khi đó người đau đầu nhất là các doanh nghiệp Mỹ.

Ông Fujita từng làm việc tại Tập đoàn Sumitomo Metal Industries (nay là Tập đoàn thép mới Nippon Steel & Sumitomo Metal), hiện đã nghỉ hưu nói với tác giả bài viết rằng: “Từ thập niên 60 của thế kỷ 20, chúng tôi đã bắt đầu có sự đối đầu mạnh mẽ với Mỹ trong lĩnh vực sắt thép, kéo dài liên tục mười mấy năm, theo quan điểm của một số người hiểu về va chạm thương mại sắt thép Mỹ-Nhật như chúng tôi thì vấn đề này hiện nay dường như không đáng để tâm”.

Tổng thống Donald Trump năm nay đã 72 tuổi chắc cũng là người có ký ức sâu sắc về va chạm thương mại sắt thép Mỹ-Nhật. Mỹ đã cung cấp kỹ thuật luyện thép và cán thép mới nhất cho Nhật Bản sau chiến tranh, nhưng chưa đầy 20 năm, các doanh nghiệp Nhật Bản đã vượt Mỹ.

Trong phần lớn thời gian ở thập niên 60 đến thập niên 70 của thế kỷ 20, va chạm thương mại Mỹ-Nhật chủ yếu biểu hiện trên sản phẩm sắt thép. Sau đó các doanh nghiệp sắt thép của Mỹ không ngừng đi xuống, đến nay chưa thể phục hồi.

Trước đây từng tiếp diễn va chạm thương mại sắt thép trong mười mấy năm, mức thuế cao ngày nay chứng tỏ Mỹ có thể khoan dung với các nước khác, nhưng đối với Nhật Bản lại rất khó. Mặc dù mặt hàng thép của Nhật Bản không phải là mặt hàng mà các doanh nghiệp Mỹ có thể sản xuất được, hơn nữa tổng lượng sản phẩm thép mà Mỹ nhập khẩu từ Nhật Bản chỉ chiếm khoảng 2%, chỉ hơi nhiều hơn so với Trung Quốc, nhưng ông Donald Trump vẫn không dễ dàng thay đổi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục