Quý I, GDP đạt mức tăng cao nhất trong 10 năm qua

09:58' - 29/03/2018
BNEWS Các cân đối lớn của nền kinh tế ổn định, lạm phát được kiểm soát. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế quý I/2018 đạt 7,38%, mức tăng cao nhất trong 10 năm qua.
Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I năm 2018. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN
Phát biểu tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I năm 2018 sáng 29/3, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), TS. Nguyễn Bích Lâm cho biết, kinh tế quý I/2018 duy trì được đà tăng trưởng tích cực của năm trước.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh mẽ; chuyển đổi cơ cấu khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát huy hiệu quả. Xuất khẩu và thu hút khách du lịch quốc tế tăng cao. Các cân đối lớn của nền kinh tế ổn định, lạm phát được kiểm soát. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế quý I/2018 đạt 7,38%, mức tăng cao nhất trong 10 năm qua.

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết, trong mức tăng 7,38% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,05%, đóng góp 0,46 điểm phần trăm. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,70%, đóng góp 3,39 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,70%, đóng góp 2,75 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế quý I, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,34%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,26%; khu vực dịch vụ chiếm 43,77%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,63%.

Điểm nổi bật trong quý I năm nay là trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 10,08% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,01 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Điểm sáng của khu vực này là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 13,56%. Đây là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây, đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung với 2,46 điểm phần trăm, chủ yếu do tác động tích cực của ngành sản xuất các sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học, sản xuất thép...).

Ngành khai khoáng quý I cũng đã đạt mức tăng trưởng dương với 0,40% sau hai năm liên tục giảm do khai thác than, kim loại và khí đốt tăng so với cùng năm trước. Ngành xây dựng 3 tháng đầu năm tăng 7,46%, thấp hơn tốc độ tăng 8,60% của cùng kỳ năm 2016 và 7,60% của cùng kỳ năm 2017.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, bên cạnh đó, một số chỉ tiêu kinh tế khác đã cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế: Theo báo cáo mới nhất của Nikkei, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam tiếp tục tăng nhẹ từ 53,4 điểm tháng 1 lên 53,5 điểm trong tháng 2. Tốc độ tăng trưởng sản lượng trong tháng 2 đã tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng qua. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2018 tăng 16,4% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cũng cho biết, tổng sản phẩm trong nước quý I năm 2018 tăng 7,38%. Lạm phát ổn định, CPI bình quân 3 tháng đầu năm tăng 2,82% so với bình quân cùng kỳ năm trước; xuất khẩu hàng hóa tăng 22%, nhập khẩu hàng hóa tăng 13,6%. Tiêu dùng cuối cùng tăng cao 7,13%, tích lũy tài sản tăng 6,46%.

Tính đến ngày 20/3/2018, tăng trưởng tín dụng ở mức 2,23%, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,23%, huy động vốn tăng 2,20%; thanh khoản Việt Nam đồng của toàn hệ thống vẫn tiếp tục được đảm bảo, hoạt động của các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ về cơ bản được ổn định và thông suốt.

“Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô này khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2018”, Tổng cục trưởng khẳng định./.

Thúy Hiền

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục