Số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội đã giảm 80%

15:11' - 16/10/2017
BNEWS Theo dự báo của các chuyên gia, dịch sốt xuất huyết sẽ tiếp tục được khống chế, không có đỉnh dịch thứ 2 nếu duy trì các hoạt động chống dịch quyết liệt như hiện nay.
Phun thuốc diệt muỗi tại các trường học, ký túc xá phòng dịch sốt xuất huyết. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN

Thông tin trên được Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết ngày 16/10.
Đặc biệt, sau 7 tuần liên tiếp tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội đã giảm 80%, tức là từ 500 ca xuống còn trên 100 ca/ngày. Tính đến ngày 7/10/2017, số trường hợp mắc sốt xuất huyết ghi nhận chỉ còn 2 con số (95 ca).

Số mắc không chỉ giảm mạnh mà còn giảm tương đối đều ở tất cả các quận huyện trong thành phố (2 quận cao nhất là Hoàng Mai và Hà Đông cũng chỉ còn trên 10 ca/ngày, các quận huyện khác rải rác vài ca hoặc không ghi nhận).
Cục Y tế dự phòng nêu rõ: Để đạt được kết quả trên, chính quyền các cấp, ban, ngành và nhân dân đã tập trung phòng chống dịch trên mọi “mặt trận”: từ ngăn ngừa, giám sát, truyền thông, tập huấn, điều trị, xử lý ổ dịch, phun thuốc diệt muỗi…

Số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội đã giảm 80%. Ảnh: Phương Vy-TTXVN

Ngay từ đầu tháng 4/2017, Ban Chỉ đạo chống dịch Bộ Y tế liên tục theo sát diễn biến dịch, tham mưu cho chính quyền thành phố Hà Nội, huy động toàn bộ lực lượng cần thiết, thành lập gần 40.000 đội xung kích diệt bọ gậy với gần 80.000 người tham gia, tổ chức phun dịch trên diện rộng, trang bị 40 máy phun cầm tay và 30 máy phun công suất lớn trên ô tô để nhanh chóng đáp ứng phòng chống dịch.
“Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh sốt xuất huyết Dengue” do Bộ Y tế ban hành đã giúp hệ thống giám sát bệnh sốt xuất huyết Dengue tại Hà Nội hoạt động tích cực, hiệu quả. Các số liệu thường xuyên được cập nhật và thống nhất ở các tuyến.

Trung tâm y tế các quận, huyện đã phát hiện sớm và xử lý các ổ dịch thông qua xét nghiệm nhanh. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát véc tơ cũng đã được triển khai quyết liệt theo quy định của Bộ Y tế, bao gồm: Giám sát bọ gậy thường xuyên tại tất cả các quận/huyện (chỉ số nhà có bọ gậy, chỉ số dụng cụ chứa nước có loăng quăng, bọ gậy); giám sát ổ loăng quăng, bọ gậy nguồn; giám sát độ nhạy cảm và thử sinh học của muỗi đối với các hóa chất diệt côn trùng; giám sát tác nhân vi rút dengue gây bệnh sốt xuất huyết trên muỗi; giám sát trọng điểm véc tơ. Công tác giám sát được thực hiện thường xuyên, liên tục bởi các nhóm chuyên gia kinh nghiệm.
Ngoài ra, hệ thống điều trị trên địa bàn Hà Nội, từ bệnh viện, phòng khám trung ương đến thành phố, quận, huyện, trong và ngoài công lập đã tích cực triển khai công tác tập huấn, khám bệnh, theo dõi, tư vấn, điều trị tại bệnh viện; chủ động tiếp nhận điều trị những ca nặng, tạo thuận lợi cho người bệnh trong công tác khám và chữa bệnh. Thậm chí, nhiều nơi chủ động mở thêm các phòng khám, triển khai thêm giường bệnh, mở thêm các khoa mới để thu dung bệnh nhân.

 Các thanh niên tình nguyện phát tờ rơi tuyên truyền cho người dân cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: An Hiếu - TTXVN

Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh: Thời gian tới, thành phố Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành phố khác cần tiếp tục duy trì mạnh mẽ công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch; tiếp tục nâng cao năng lực hệ thống giám sát, cảnh báo, đáp ứng nhanh… để giảm tối đa các ca mắc mới, bảo vệ sức khỏe của người dân.

Để ngăn chặn dịch thành công, ngành y tế cũng khuyến khích người dân không nên chủ quan, tiếp tục kiểm tra, vệ sinh các dụng cụ chứa nước trong nhà, ngăn ngừa loăng quăng, bọ gậy, tự phòng tránh muỗi đốt, tiếp tục phối hợp với cán bộ y tế và chính quyền trong các hoạt động phòng chống dịch…/.

>> Cấp cứu bệnh nhi nguy kịch do bị sốc sốt xuất huyết nặng, tổn thương đa cơ quan

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục