Sức mạnh bền bỉ của kinh tế Anh trong dài hạn

06:30' - 23/05/2018
BNEWS Theo tờ The Financial Times, bất chấp những bất ổn trong ngắn hạn, nước Anh có sức mạnh bền bỉ có thể giúp họ phát triển thịnh vượng trong bất kỳ kịch bản rời EU nào.

No Title

Cờ của Anh và và cờ của Liên minh châu Âu. Ảnh: AFP/TTXVN

Vào thời điểm chỉ còn chưa đầy một năm nước Anh sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, giới phân tích cho rằng yếu tố gây chia rẽ thực sự trong lòng nước Anh giờ đây không còn là giữa phe ủng hộ “ra đi” và phe ủng hộ “ở lại”, mà có lẽ là giữa những người lạc quan và những người bi quan về tương lai của nước Anh, bất chấp trước đó họ bỏ phiếu ở lại hay rời khỏi EU.

Theo tờ The Financial Times, đây có lẽ là thời điểm cần giữ một lập trường thực tế nhưng tích cực đối với những cơ hội trong dài hạn.

Mặc dù những người bi quan có quyền giữ quan điểm của họ, song chỉ riêng việc họ tiếp tục chán nản về triển vọng của nước Anh cũng có thể trở thành căn nguyên gây thiệt hại, làm giảm lòng tin vào nền kinh tế cũng như làm gia tăng những mối nghi ngại đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Một thỏa thuận thương mại tự do sâu rộng giữa Anh và châu Âu có lẽ là điều ai cũng mong muốn. Tuy nhiên, bất chấp những bất ổn trong ngắn hạn, nước Anh có sức mạnh bền bỉ có thể giúp họ phát triển thịnh vượng trong bất kỳ kịch bản rời EU nào.

Những tiện ích và lòng tin dành cho các công ty toàn cầu đối với ngôn ngữ, hệ thống pháp lý, nền dân chủ ổn định và không có tình trạng tham nhũng vẫn là những lợi thế cạnh tranh đã đưa Anh trở thành một địa chỉ đầu tư được yêu thích.

Nước Anh cũng là nguồn sáng tạo đáng chú ý, từ công nghệ sinh học đến nghệ thuật sáng tạo. Anh cũng đi đầu thế giới về dịch vụ giá trị cao và giải quyết vấn đề như cơ khí, tư vấn, pháp lý và tài chính, các lĩnh vực vốn được xem là những động lực chính thúc đẩy thương mại và kinh tế.

Lẽ dĩ nhiên, EU là một đối tác thương mại chủ chốt và dù kết quả đàm phán ra sao thì có lẽ vị trí này vẫn sẽ được duy trì.

Tuy rằng việc không đạt được một thỏa thuận thương mại tự do không chắc chắn sẽ dẫn đến sự gián đoạn trong ngắn hạn đối với những lĩnh vực mà các rào cản thuế quan và quy định của EU có thể gây thiệt hại không nhỏ, chẳng hạn như lĩnh vực ô tô và chế biến thực phẩm, song phần lớn hoạt động giao thương vẫn có thể tiếp diễn mà không bị ảnh hưởng.

Thuế nhập khẩu trung bình của EU đối với hàng hóa của Anh chỉ khoảng 4,3% - thấp hơn nhiều so với mức độ dao động gần đây của tỷ giá hối đoái. Chừng nào nước Anh đáp ứng được quy định của các nước thành viên trong khối thì các khách hàng EU đã lựa chọn mua sản phẩm của Anh cũng sẽ không ngừng lại. EU cũng là thị trường tiêu dùng khổng lồ các sản phẩm nhập khẩu từ các nước ngoài EU khác như Mỹ và Nhật Bản.

Mặc dù các rào cản về quy định có thể trở thành một vấn đề đối với lĩnh vực tài chính của Anh, lĩnh vực vốn giữ vai trò quan trọng đối với nền kinh tế này, song mối quan ngại ban đầu về những nguy cơ đối với Trung tâm tài chính London đang giảm dần, bởi thực tế cho thấy không có thành phố châu Âu nào có thể tái hiện được mức độ tài chính, thanh khoản và chuyên môn như London trong vai trò là trung tâm tài chính toàn cầu nổi bật tại châu Âu.

Những hạn chế về thương mại với EU có thể khiến một số việc làm trong lĩnh vực này chuyển sang các trung tâm tài chính ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), song đà tăng trưởng cũng như tầm quan trọng của London sẽ vẫn được duy trì.

Bên cạnh những mối quan ngại, vẫn có nhiều sự lạc quan cho rằng những bất ổn trong ngắn hạn sẽ không đáng kể nếu so với những cơ hội mới xuất hiện. Từ năm 2000-2016, nền kinh tế thế giới tăng trưởng xấp xỉ 4%/năm bất chấp khủng hoảng tài chính, cao hơn 3 lần so với nhịp độ tăng trưởng 1,2% của EU, trong khi mức tăng trưởng của kinh tế Anh là 1,8%.

Bất chấp tình hình kinh tế Eurozone khởi sắc trong năm 2017, những yếu kém về mặt cơ cấu của nền kinh tế châu Âu cho thấy "lục địa già" vẫn nằm trong số những khu vực tăng trưởng chậm nhất, nhanh chóng bị các nền kinh tế tăng trưởng nhanh ở châu Á và các nền kinh tế mới nổi ở khu vực khác vượt qua. 

Tỷ trọng xuất khẩu của EU trong thương mại của Anh đã giảm từ mức 54% trong năm 2000 xuống còn 43% trong năm 2016. Tỷ trọng này có lẽ sẽ giảm mạnh hơn nếu nước Anh có khả năng thiết lập thành công các mối quan hệ thương mại với các thị trường tăng trưởng nhanh khác.

Trong khi thị trường lớn trong khu vực ngày càng quan trọng xét về mặt lịch sử thì chuỗi cung ứng toàn cầu và sự thống trị của lĩnh vực dịch vụ cũng cho thấy, đối với nhiều lĩnh vực, sự gần gũi về mặt địa lý ít quan trọng hơn trước đây. Hàng hóa và các nguyên liệu đầu vào giờ đây có thể nhập từ tất cả các nơi trên thế giới, trong khi chi phí vận tải đối với các hàng hóa và dịch vụ giá trị cao cũng không còn là vấn đề.

Là một trong 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới xét về mặt thương mại quốc tế, nước Anh có thể gặt hái được nhiều lợi ích từ việc là một quốc gia thương mại toàn cầu cởi mở.

Tuy nhiên, tác động của công nghệ kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo đối với năng suất và tạo ra của cải có lẽ giữ vai trò ngày càng quan trọng hơn. Thành công trong việc "chèo lái" làn sóng công nghiệp mới có lẽ là động lực lớn hơn mang lại sự thịnh vượng trong tương lai so với việc điều chỉnh trong ngắn hạn các mối quan hệ thương mại.

Sự cởi mở trong tư tưởng sáng tạo, tính linh hoạt của các thị trường lao động, phát triển mạnh trong lĩnh vực dịch vụ và sự tự do trong việc xây dựng các quy định và cơ sở luật vững chắc để có thể duy trì sự cạnh tranh trên toàn cầu là những nền tảng giúp nước Anh hoàn toàn có thể đi đầu trong việc thúc đẩy tăng năng suất và thịnh vượng. Tuy nhiên, để điều này trở thành hiện thực, Chính phủ và các doanh nghiệp Anh cần tạo ra một môi trường và lòng tin để nắm bắt các cơ hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục