Sức sống nơi vùng đất mỏ

10:59' - 18/02/2018
BNEWS Theo chân các kỹ sư của Công ty cổ phần than Mông Dương thuộc TKV, chúng tôi đã có những phút giây ngắn ngủi nhưng đầy thú vị trong lòng đất với thợ mỏ Mông Dương.
Khai thác than bằng cột chống thuỷ lực. Ảnh: Vinacomin

“Tôi đã gặp người thợ lò Mông Dương

Dưới tầm sâu âm 250 mét

Đèn lò chớp tiếng động cơ kiêu hãnh

Giữa sắc than lấp lóa một nụ cười”

Những câu thơ vô tình đọc ở đâu đó về người thợ mỏ ở Mông Dương (Quảng Ninh) đã để lại ấn tượng sâu sắc cho tôi khi đến với vùng mỏ này. Trước kia, người ta biết đến mỏ Mông Dương bởi đây là mỏ giếng đứng đầu tiên của Việt Nam. Còn nay, người ta biết đến mỏ Mông Dương còn bởi nơi đây đang khoác trên mình một sức sống trong mùa xuân mới với sự nỗ lực của các thế hệ thợ lò ở vùng đất mỏ Quảng Ninh.

Theo chân các kỹ sư của Công ty cổ phần than Mông Dương thuộc Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), chúng tôi đã có những phút giây ngắn ngủi nhưng đầy thú vị trong lòng đất với thợ mỏ Mông Dương. Sau khi vào thùng cũi skip, chỉ chưa đầy mười phút, chúng tôi đã có mặt tại điểm có mức âm 97,5 mét so với mực nước biển. Theo phản xạ, tôi hít căng lồng ngực. Một công nhân đang bịt kín khẩu trang nhắc nhở: “Hít vừa vừa thôi nhà báo, hít nhiều càng nhiều bụi than vào phổi đấy!”.

Dưới ánh đèn sáng le lói nhưng vẫn đập vào mắt tôi là kíp từ 3 – 4 công nhân mặt mũi đen nhẻm đang hối hả cào than. Những tiếng thở dồn dập cùng với tiếng cuốc chim bổ vội vã xuống gương than nghe chan chát. Một công nhân hồ hởi khi thấy có “khách” đến thăm nhưng vẫn không quên nhắc nhở: “Chị chú ý nhé, mọi việc ở dưới này phải tuân thủ tuyệt đối, không thể tùy tiện làm điều gì, chỉ một chút sơ suất thôi là có thể gây nguy hiểm cho hàng trăm, hàng nghìn người đang làm việc dưới này”.

Cả hệ thống hầm lò Mông Dương như một thành phố thu nhỏ, nơi đây có cả ga xe điện ngầm mà mỗi toa mini chứa được khoảng mười người. Hệ thống đường ray tỏa đi khắp các ngóc ngách vừa đưa đón công nhân vừa vận chuyển than. Vách lò được xây bằng bêtông kiên cố.

Sau khi thăm một số hầm trạm Trung tâm, chúng tôi tiếp tục di chuyển xuống mức âm 250 m để đến tận các lò chợ, nơi những người thợ mỏ khai thác ra những tấn than cho Tổ quốc. Khắp các đường lò, trong tiếng máy ầm ầm các hoạt động nghiệp vụ từ kiểm tra khí, gió, đo áp lực đường lò cho đến khấu than tại lò chợ… tất cả đều trong một guồng máy liên tục. Dù thời gian ít ỏi nhưng điều cảm nhận sâu sắc nhất là dù ở độ sâu hàng trăm mét so với mực nước biển, dù cho công việc vất vả, thấm đẫm mồ hôi… nhưng những người thợ mỏ vẫn luôn tươi cười, tự tin, đầy lạc quan trong công việc của mình.

hai thác than ở lò chợ. Ảnh: Vinacomin

Theo Ban lãnh đạo công ty, thách thức lớn nhất hiện nay là đưa mỏ xuống sâu. Từ mấy năm trước, công ty đã chủ động lập dự án và tiến hành đào lò, đầu tư thiết bị mở rộng khai thác. Hiện nay, vị trí khai thác sâu nhất của công ty đã xuống đến mức âm 300 m. Tại khu vực này, các thiết bị được đầu tư khá hiện đại, tiết kiệm năng lượng như hầm bơm, trạm điện, thiết bị chuyên chở vật liệu, vận tải than… Hầu như các loại thiết bị đều được đầu tư cơ giới hóa, do vậy, công tác khai thác hầm lò dù cho đã xuống sâu nhưng được duy trì về sản lượng.

Nhớ lại lần đến Mông Dương cách đây hơn 2 năm trước, đúng dịp trận lũ lịch sử đang tàn phá Quảng Ninh nói chung cũng như Mông Dương nói riêng. Lúc đó, lượng mưa lên tới 570 mm, toàn bộ mỏ Mông Dương ngập trong bùn nước. Mặt bằng công nghiệp, khu khai thác của công ty bấy giờ bị nước lũ và bùn cát của bãi thải Đông Cao Sơn, Cọc Sáu nhấn chìm từ 1 - 1,5m. Vậy mà giờ trở lại nơi đây, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về vùng đất này. Bằng những nỗ lực "tưởng như quá sức tưởng tượng" để cứu mỏ cả ngày lẫn đêm của cán bộ công nhân mỏ Mông Dương đã sắp xếp lại cứ như “chưa có điều gì xảy ra”. Điều đó cho thấy sức quật cường, dẻo dai bám mỏ của các thế hệ thợ mỏ nơi này.

Công việc vất vả là vậy, nhưng bù lại những người thợ mỏ luôn được công ty ưu đãi về cuộc sống. Cùng cán bộ công ty đi thăm một số công trình phúc lợi, từ nhà giao ca, khu tắm giặt, nhà ăn, sân bóng đá, công viên và tượng đài thợ mỏ… mới cảm nhận được hết sự quan tâm, đầu tư về vật chất và tinh thần đối với “tài sản” quý của mình.

Ảnh 1: Vận chuyển than bằng hệ thống băng tải. Ảnh: Vinacomin

Ở vùng mỏ Quảng Ninh, đây là mỏ than khai sinh ra “ăn tự chọn” không chỉ cho thợ lò mà cả ăn công nghiệp của cán bộ công nhân viên khối văn phòng. Nhà ăn tập thể khang trang, rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát, gắn quạt trần và hệ thống điều hòa nhiệt độ. Người lao động tấp nập, vui vẻ chọn những món ăn mình yêu thích với các món ăn thịnh soạn.

Theo giới thiệu, bữa ăn tự chọn hàng ngày của thợ mỏ Mông Dương có tới gần 20 món ăn và hoa quả tráng miệng. Không chỉ ăn tự chọn, khép kín trong sinh hoạt, thợ mỏ Mông Dương còn được đưa đón đến tận nơi làm việc bằng xe ôtô điều hòa. Để phục vụ nhu cầu thông tin văn hóa, xã hội của cán bộ công nhân viên, các hệ thống đài truyền thanh, thư viện, nhà rèn luyện thể thao, nhà sinh hoạt văn hóa, công viên… được công ty đầu tư nâng cấp và nâng cao chất lượng phục vụ. Đặc biệt vào mỗi dịp Tết, đối với những thợ mỏ, kỹ sư quê ở xa, công ty cũng như Tập đoàn TKV luôn có chế độ, có xe đưa công nhân về quê ăn Tết.

Ông Nguyễn Minh Trang, cựu thợ lò Công ty than Mông Dương đã về nghỉ hưu hơn chục năm cho hay, đời sống công nhân mỏ Mông Dương hiện đã được cải thiện khá nhiều so với ngày xưa cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo công ty. Tuy nhiên, để có được ngày hôm nay, không biết bao nhiêu giọt mồ hôi, thậm chí có cả những giọt nước mắt và máu đã nhỏ xuống trong những đường lò để duy trì dòng than chảy mãi và duy trì cho sức sống của Mông Dương.

Một ngày đến với Mông Dương để lại sâu trong ký ức chúng tôi là những con đường, dòng sông, cùng với tuyến băng tải dọc suốt chiều dài Mông Dương, vắt ngang uốn lượn kéo than về Trung tâm Nhiệt điện. Trong không khí ngày xuân, khung cảnh này càng tạo thêm những nét vẽ đẹp để Mông Dương trở thành một bức tranh thơ mộng hơn, sống động hơn và đầy sức sống hơn từ những bàn tay những người thợ mỏ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục