Tài chính tiêu dùng: Đôi bên "an toàn"

11:43' - 15/06/2018
BNEWS Nhu cầu về tài chính cá nhân rất lớn, các công ty tài chính và tổ chức tín dụng cần tính toán mức lãi suất hợp lý, nhằm tạo sự an toàn và cùng có lợi của các bên.
Nhu cầu về tài chính cá nhân rất lớn, các công ty tài chính và tổ chức tín dụng cần tính toán mức lãi suất hợp lý, nhằm tạo sự an toàn và cùng có lợi của các bên. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, lĩnh vực tài chính và cho vay tiêu dùng đang phát triển với tốc độ rất cao tại Việt Nam. Mức tăng trưởng bình quân toàn thị trường của lĩnh vực này đạt 2 con số mỗi năm và đã cán mốc 1 triệu tỷ đồng dư nợ vào năm 2017. Điều này cho thấy nhu cầu về tài chính cá nhân rất lớn, tuy nhiên vấn đề đặt ra là các công ty tài chính và tổ chức tín dụng cần tính toán mức lãi suất hợp lý, nhằm phục vụ tốt nhu cầu người tiêu dùng, từ đó "đôi bên" an toàn và cùng có lợi.
Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng sự phát triển của cho vay tiêu dùng chính là sự mở rộng tiếp cận tài chính cho người dân, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi và những người không có thu nhập cao.
Cũng theo ông Nguyễn Tú Anh, cho vay tiêu dùng phát triển là mở ra kênh tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể vay để mua tài sản lưỡng dụng (vừa phục vụ nhu cầu đời sống vừa phục vụ mục đích kinh doanh). Ví dụ, các hộ nông dân có thể vay tiêu dùng mua xe máy để vừa làm phương tiện đi lại, vừa là phương tiện giúp họ tham gia các hoạt động thương mại trong khu vực rộng hơn, có nhiều lợi nhuận hơn.
Theo dự báo, thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam chắc chắn sẽ rất sôi động, nhờ vào việc các ngân hàng và các công ty tài chính đang đầu tư mạnh mẽ nhằm cung ứng các giải pháp và sản phẩm tốt hơn nữa cho thị trường vay tiêu dùng. Theo ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ mang tới thêm những làn gió mới cho thị trường như gần đây, Shinhan Bank mua lại mảng bán lẻ của Ngân hàng ANZ tại Việt Nam; các tập đoàn lớn Hàn Quốc như Lotte và Shinhan mua lại TechcomFinance và Prudential Finance…
Nhờ đó, quy mô của thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam có đà tăng trưởng mạnh, năm sau luôn cao hơn năm trước. Hiện tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng tín dụng tăng từ 12,3% (năm 2016) lên 18% vào năm 2017.
Ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) cũng cho rằng thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh là tín hiệu tốt cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cần điều chỉnh để tránh những rủi ro có thể xảy ra như tình trạng không cân xứng về thông tin giữa các công ty tài chính và người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ.
Đặc biệt đối với cho vay tiêu dùng, ông Đỗ Hoàng Phong cho biết, các công ty tài chính luôn cố gắng đơn giản hóa các thủ tục xét duyệt cho vay, dẫn đến thủ tục vay khá đơn giản thì tình trạng bất cân xứng thông tin xảy ra càng trầm trọng hơn. Điều này sẽ dẫn đến nhiều rủi ro như: công ty tài chính có thể lựa chọn sai các đối tượng khách hàng có rủi ro không trả nợ cao hoặc không thể kiểm soát được mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng… dẫn đến các khoản vay có thể không được hoàn trả đúng hạn, làm tăng nợ xấu cho công ty đó.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Giám đốc Nguồn vốn kiêm Giám đốc Trung tâm huy động nguồn vốn FE Credit chia sẻ, bản thân các công ty tài chính khi bước vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng cũng đã xác định đây là kênh cho vay rủi ro nên mô hình của FE Credit trong việc cho vay tập trung, chặt chẽ và các đối tác, khách hàng là như nhau.
Ông Nguyễn Thành Phúc cho biết thêm lãi suất cho vay của công ty tài chính này được tính toán trên cơ sở: Lãi suất huy động + chi phí vận hành + chi phí rủi ro = lãi suất cho vay.
Theo TS. Cấn Văn Lực, thị trường tài chính tiêu dùng đang tập trung vào 4 công ty lớn là FE Credit (50% thị phần), Home Credit (17%), HD Saison (13%) và Prudential Finance (8%). Những công ty này đã chiếm đến gần 90% thị phần, có thể dẫn đến rủi ro tập trung, khả năng thao túng cũng như hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng…
“Trong khi đó, kiến thức tài chính của người tiêu dùng Việt Nam chưa cao. Nhiều người không hiểu rõ về sản phẩm, dịch vụ tài chính-ngân hàng và đôi khi không được tư vấn một cách rõ ràng, đầy đủ về hợp đồng tín dụng, nên sau khi ký hợp đồng có cảm giác bị lừa gạt. Điều này cũng có ảnh hưởng nhất định đến tính thiếu tuân thủ các điều kiện tín dụng, dẫn đến chịu lãi phạt cao và các công ty tài chính phải liên tục gọi điện để đòi nợ”, TS. Cấn Văn Lực nói.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho hay liên tục nhận được phản ánh của người tiêu dùng về việc các công ty tài chính không giải thích rõ ràng điều khoản của hợp đồng như lãi suất, thời hạn, các mức phạt; bị đòi nợ liên tục, thái độ của nhân viên chưa đúng mực hoặc bị quấy rối đòi nợ trong khi không hề vay vốn…
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã phải lên tiếng về vấn đề này và cho biết Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với các công ty tài chính và yêu cầu dừng biện pháp đòi nợ này ngay. Đồng thời, cơ quan này đề nghị các công ty tài chính phải rà soát, khắc phục, chấn chỉnh phong cách làm việc của nhân viên, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ hoạt động cấp tín dụng và các hoạt động khác.
Bên cạnh đó, để đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam, ông Nguyễn Tú Anh cho biết từ đầu năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung các biểu mẫu thống kê yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo đầy đủ phạm vi cho vay tiêu dùng; hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động cho vay nhằm tăng tính minh bạch trong hoạt động cho vay, lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước có quy định riêng về hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính phù hợp với đặc thù hoạt động cho vay tiêu dùng; trong đó quy định công ty tài chính ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong từng thời kỳ, bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng để đảm bảo minh bạch, công khai về lãi suất của công ty tài chính.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu tổ chức tín dụng tăng cường thanh tra, giám sát tuân thủ quy định pháp luật về cho vay nhằm hạn chế rủi ro, giảm chi phí dự phòng xử lý rủi ro, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay
Để giảm thiểu rủi ro trong hoạt động vay tiêu dùng, ông Đỗ Hoàng Phong cho rằng các công ty tài chính cần tìm hiểu kỹ các thông tin về khách hàng trước khi đưa ra quyết định cho vay, cũng như cần đầu tư nhiều hơn nữa hệ thống công nghệ và xây dựng hệ thống quản lý khách hàng vay, áp dụng các chuẩn mực trong quản trị rủi ro, áp dụng mức lãi suất hợp lý với mức độ tín nhiệm của khách hàng.
Đối với người tiêu dùng, nhằm tránh rủi ro cho bản thân trước khi đi vay, theo TS. Đỗ Hoài Linh, Phó trưởng Bộ môn Ngân hàng Thương mại, Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân thì người tiêu dùng phải có kế hoạch tài chính tiêu dùng cá nhân thật tốt để những giao dịch thể hiện được giá trị tích cực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục