Các ngân hàng trung ương loay hoay giữa lạm phát cao và tăng trưởng yếu

08:35' - 27/05/2025
BNEWS Những “cơn gió ngược” phần lớn bắt nguồn từ chính sách thương mại của Tổng thống Trump, đang tạo ra rào cản cho nhiều ngân hàng trung ương, bất kể họ đang theo chính sách tăng hay giảm lãi suất.

Hội nghị thường niên của các ngân hàng trung ương toàn cầu tại Tokyo – phiên bản tương tự Hội nghị Jackson Hole của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhưng diễn ra tại Nhật Bản– năm nay tập trung vào hai thực tế khó khăn: tăng trưởng kinh tế yếu và lạm phát cao kéo dài.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cùng nhóm chuyên gia cố vấn trực thuộc chuẩn bị tổ chức hội nghị, khai mạc vào ngày 27/5, với sự tham dự của nhiều học giả và quan chức các ngân hàng trung ương đến từ Mỹ, châu Âu và châu Á.

Dù phần lớn các bài phát biểu mang tính học thuật và không công khai cho giới truyền thông, hội nghị năm nay xoay quanh chủ đề “Những thách thức mới đối với chính sách tiền tệ”, đặc biệt là cách các ngân hàng trung ương đối phó với tình trạng lạm phát dai dẳng, rủi ro suy giảm kinh tế, thị trường dễ biến động và những mức thuế quan mới từ Mỹ.

 

Những “cơn gió ngược” này – phần lớn bắt nguồn từ chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump – đang tạo ra rào cản cho nhiều ngân hàng trung ương, bất kể họ đang theo chính sách tăng hay giảm lãi suất.

Chẳng hạn như BoJ vẫn giữ kế hoạch tiếp tục tăng lãi suất và từng bước giảm mua trái phiếu – hoàn toàn trái ngược với xu hướng cắt giảm lãi suất của nhiều ngân hàng khác. Tuy nhiên, các diễn biến kinh tế toàn cầu gần đây đang làm dấy lên nghi ngờ về tốc độ thực hiện kế hoạch này.

Cựu quan chức BoJ Nobuyasu Atago nhận định: “BoJ có thể buộc phải tạm dừng việc tăng lãi suất trong thời gian ngắn, nhưng không cần từ bỏ lộ trình này. Điều quan trọng là BoJ cần truyền đạt rõ ràng rằng khi điều kiện cho phép, họ sẽ nối lại việc tăng lãi suất”.

Hội nghị năm nay diễn ra trong hai ngày tại trụ sở của BoJ ở Tokyo, có sự góp mặt của các quan chức đại diện Fed, gồm Chủ tịch Fed chi nhánh New York John Williams, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Canada và Ngân hàng Dự trữ Australia (ngân hàng trung ương).

Tại hội nghị thường niên của các ngân hàng trung ương toàn cầu tại Tokyo năm ngoái, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm ứng phó suy thoái kinh tế thông qua những biện pháp nới lỏng tiền tệ phi truyền thống. Đồng thời, họ cũng thảo luận về khả năng Nhật Bản – quốc gia vẫn duy trì lãi suất siêu thấp dù các ngân hàng lớn khác liên tục tăng mạnh lãi suất– có thể thoát khỏi hàng thập kỷ giảm phát và lạm phát thấp, khi xuất hiện những tín hiệu tăng lương bền vững.

Năm nay, dù tâm điểm là nguy cơ suy thoái kinh tế do thuế quan, các chủ đề tại hội nghị cho thấy giới hoạch định chính sách vẫn đặc biệt thận trọng với rủi ro lạm phát cao dai dẳng.

Theo kế hoạch, một phiên thảo luận sẽ tập trung vào “nhu cầu dự trữ, điều hành lãi suất và thắt chặt định lượng”, trong khi một phiên khác sẽ tranh luận về báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố tháng 12/2024 mang tên “Chính sách tiền tệ và nỗi lo về lạm phát”. Báo cáo của IMF cảnh báo những cú sốc lớn đối với nguồn cung, như đại dịch COVID-19, có thể dẫn tới lạm phát kéo dài và chỉ ra rủi ro khi các ngân hàng trung ương đánh giá thấp áp lực tăng giá do chi phí cao.

Thắt chặt định lượng (Quantitative tightening - QT) là việc các ngân hàng trung ương thu hẹp bảng cân đối tài sản. Trong khi đó, dự trữ ngân hàng là mức tiền mặt tối thiểu phải được các tổ chức tài chính giữ lại để đáp ứng yêu cầu của ngân hàng trung ương và dự phòng các chi phí và những khoản thanh toán phát sinh. Về tổng quan, dự trữ ngân hàng là một khoản phòng bị của các ngân hàng để hạn chế khủng hoảng tiền mặt khi những chi phí phát sinh hay các kịch bản tiêu cực xây ra.

Theo dự kiến, Thống đốc BoJ Kazuo Ueda sẽ có bài phát biểu khai mạc hội nghị vào ngày 27/5, tiếp đó là bài thuyết trình của Tổng Giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) Agustin Carstens.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục